Cuộc phiêu lưu rủi ro!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Anh Đặng Thanh Trà rời huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam vào TPHCM làm việc từ năm 2006. Cưới vợ, anh Trà thuê căn nhà trọ ở quận Bình Tân tạm cư.

Hơn chục năm qua, số lượng thành viên trong gia đình tăng từ 2 lên 4 người nhưng anh vẫn ở trong căn phòng trọ chưa tới 20 m2 đó.

Tuy nhiên, khát khao có một ngôi nhà để thoát cảnh ở trọ vẫn chỉ là ước mơ. Cách đây 7 năm, khi gói 30.000 tỷ ra đời, anh cũng làm hồ sơ để mua chung cư nhà ở xã hội ở quận 12. Đến ngày cuối khi gói 30.000 tỷ kết thúc giải ngân, anh vẫn đợi ở một ngân hàng chi nhánh Hóc Môn nhưng hồ sơ không được duyệt. Sau đó, anh cũng tìm kiếm nhiều nơi, từ chung cư đến đất nền nhưng đều vượt quá thu nhập của hai vợ chồng. Ước mơ mua nhà TPHCM dang dở từ đó đến nay.

Khi nghe thông tin có gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng, anh khấp khởi mừng thầm nhưng lại thất vọng. Tổng thu nhập hai vợ chồng anh Trà khoảng 25 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, ăn uống, con cái học hành, tiền nhà trọ… còn chưa tới 10 triệu đồng. Anh Trà tính toán, một căn nhà ở xã hội tại TPHCM giá 1,5 tỷ đồng, cho vay 80% là 1,2 tỷ. Với mức lãi suất 8,2% một năm, thời gian vay là 25 năm. Trong 5 năm đầu tiên, đợt trả nợ ngân hàng lần thứ nhất là 4 triệu đồng tiền nợ gốc và 8,4 triệu đồng tiền lãi, tương đương 12,4 triệu đồng. Con số này vượt quá khả năng của anh, chưa kể sau 5 năm lãi suất thả nổi. Trường hợp “mắc kẹt” như anh Trà ở TPHCM không hiếm. Số liệu từ Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM có khoảng 519.000 người dân cần nhà ở xã hội. Năm năm tiếp theo có hơn 524.000 người có nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó nhiều công nhân.

Thực tế, cho vay mua nhà ở xã hội không phải là bài toán kinh doanh thông thường. Người mua nhà ở xã hội là đối tượng khách hàng phải đáp ứng các điều kiện thu nhập thấp, nằm trong danh sách nhà nước quy định cần hỗ trợ ưu đãi nên không thể đánh đồng như cho vay nhà ở thương mại. Người mua nhà ở xã hội cần lãi suất thấp, ổn định lâu dài tối thiểu 15 - 20 năm để dư nợ giảm dần, số tiền trả nợ hằng tháng ít đi. Bởi lẽ người mua nhà ở xã hội có thu nhập thấp, cơ hội tăng thu nhập không cao, khả năng tích lũy kém, cuộc sống của họ rất bấp bênh nếu phải hứng chịu nguy cơ lãi suất thả nổi sau vài năm, như gói 120.000 tỷ đồng. Hết thời hạn ưu đãi, khách hàng và ngân hàng cùng thương lượng lãi suất, cho thấy rủi ro có nguy cơ sẽ ập đến với khách hàng.

Cũng có ý kiến lạc quan, cho rằng Nhà nước điều chỉnh lãi suất xuống sẽ giảm áp lực lãi vay cho người mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn về kịch bản này nếu ngay từ đầu không ấn định bộ khung lãi suất bắt buộc phải thấp trong ngưỡng hợp lý hoặc phải giảm dần theo thời gian. Như vậy, nếu người yếu thế không thể tăng thu nhập để bù số tiền trả lãi vay lớn dần, việc mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi chỉ trong 5 năm là một cuộc phiêu lưu đầy rủi ro. Cả người mua nhà lẫn các nhà đầu tư nhà ở xã hội đều mong mỏi Nhà nước nên có chính sách giảm lãi suất về dưới 5% và thời gian ưu đãi kéo dài để người nghèo đô thị có nơi an cư lạc nghiệp, chứ không còn chỉ là giấc mơ.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.