Cuộc hội ngộ của cô gái bị đày đọa với người thân

Cuộc hội ngộ của cô gái bị đày đọa với người thân
TP - Sáng 9/11, tin vui đã đến với Nguyễn Thị Bình- nạn nhân vụ “Một cô gái bị hành hạ hơn 10 năm giữa Hà Nội”: Các cơ quan chức năng huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) sau khi nỗ lực rà soát đã tìm được thân nhân của em tại quê nhà.
Cuộc hội ngộ của cô gái bị đày đọa với người thân ảnh 1

Em Bình (ngồi giữa) gặp người thân sáng 9/11.

Tuy nhiên, gặp những người thân ở CA quận Thanh Xuân (Hà Nội), trong đó có một người em trai cùng mẹ khác cha, Bình đã tỏ thái độ khá thờ ơ, bởi cô không còn chút ký ức nào về những người thân này.

Sáng cùng ngày, đại diện chính quyền, CA xã Chấn Hưng, CA huyện Vĩnh Tường và thân nhân em Bình đã cùng đi một xe ô tô đến thăm, gặp Bình tại trụ sở CA quận Thanh Xuân.

Những người thân của Bình gồm có ông Phan Văn Đồng (bác rể), Lê Văn Kiến (SN 1985, em cùng mẹ khác cha với Bình)...

Em Bình tên thật là Nguyễn Thị Thông

Theo đại diện CA huyện Vĩnh Tường, Nguyễn Thị Bình sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh éo le. Hiện mẹ Bình là bà Nguyễn Thị Quảng cũng không rõ phiêu bạt nơi đâu, ở quê hiện Bình chỉ còn vài người cô bác bên phía mẹ.

Đại diện chính quyền xã Chấn Hưng khẳng định, Bình có được khai sinh và có hộ khẩu thường trú tại xã. Tại hồ sơ lưu tại UBND xã, tên thật của Bình là Nguyễn Thị Thông, sinh ngày 18/2/1983 (không phải 1986), tên mẹ là Nguyễn Thị Quảng, dòng tên cha để trống. Người đi đăng ký khai sinh cho Bình (Thông) là ông ngoại của cô.

Giải thích vì sao Thông có tên là Bình, ông Phan Văn Đồng cho biết đó là tên bà Quảng đặt cho cô, song không được ông ngoại đồng ý. Ông Đồng cho biết, năm 1983, bà Quảng sinh ra Bình trong hoàn cảnh chưa làm thủ tục kết hôn.

Sau đó, bà Quảng làm lẽ một người đàn ông đứng tuổi trong làng tên là Lê Thanh Nghị, sinh tiếp cậu con trai đặt tên là Lê Văn Kiến.

Tuy nhiên, do mâu thuẫn trong cuộc sống, khi Kiến chưa tròn tuổi, bà Quảng đã bỏ đi xuống Hà Nội làm thuê, gửi Bình cho nhà ngoại nuôi dưỡng. Đến khoảng năm 1993, đột nhiên bà Quảng về quê, đón Bình cùng xuống Hà Nội và cũng từ đó biệt tích.

Qua một số người làng đi buôn bán dưới Hà Nội, họ hàng mơ hồ nắm được sau đó bà Quảng đã sang Trung Quốc lấy chồng, còn Bình vẫn lưu lạc, làm thuê tại quận Thanh Xuân.

Cũng theo ông Phan Văn Đồng, tối 8/11, khi xem tivi đưa tin, hình ảnh về Nguyễn Thị Bình, vợ ông đã khẳng định đây chính là đứa cháu mình đã lưu lạc mười mấy năm. Ngay sau đó, gia đình ông đã ra UBND xã báo tin rồi thu xếp về Hà Nội ngay trong sáng 9/11.

Theo CA quận Thanh Xuân, hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục xác minh để làm rõ nhân thân, sinh quán của Nguyễn Thị Bình, song thực tế cho thấy nhiều khả năng những người trên đúng là người thân, họ hàng của em Bình.

“Em không còn nhớ chút nào”

Cuộc hội ngộ của cô gái bị đày đọa với người thân ảnh 2
Lê Văn Kiến - em cùng mẹ khác cha với Bình

Khác với hình dung của mọi người, cuộc gặp gỡ giữa em Nguyễn Thị Bình và người thân đã không có chút gì gọi là không khí đoàn tụ gia đình. Bình và những người thân của em đã không thể nhận ra nhau.

Nói chuyện với PV, Bình bảo, ngay cả cái tên là “Thông”, em cũng không có chút ký ức nào, chỉ biết từ bé mình đã có tên là Bình. “Em chỉ nhớ từ nhỏ có nghe mẹ nói mình có một người em trai cùng mẹ khác cha, song cũng chưa bao giờ em được gặp mặt” - Bình nói.

Cuộc gặp giữa Bình và người thân diễn ra trong im lặng, thiếu sự vồn vã, thân tình. Bình ngồi yên, đưa ánh mắt nhìn khắp mọi người, vẻ dò xét, trả lời câu hỏi của mọi người một cách dè dặt.

Ngay cả cậu em cùng cha khác mẹ Nguyễn Văn Kiến cũng thoáng ngại ngùng, không dám vồn vã thăm hỏi chị, ngồi đăm chiêu bên mé bàn đối diện... Điều này cũng dễ hiểu, bởi Bình rời quê từ nhỏ, cộng với nhiều năm tháng bị đoạ đày đau khổ, có thể trong ký ức của em không còn chút hình ảnh nào về những người thân.

Trao đổi với các PV, Lê Văn Kiến cho biết, anh cũng biết mình có một người chị cùng mẹ khác cha, đang lưu lạc tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, quãng khu vực Nhà máy thuốc lá Thăng Long.

Năm 2005 – 2006, khi xuống Hà Nội làm thuê, Kiến đã nhiều lần về khu vực trên để tìm chị, song do thiếu thông tin, cuộc tìm kiếm của Kiến như “mò kim đáy bể”.

Hiện Kiến đã có gia đình và một người con, ông Nghị bố em cũng đã mất cách đây ba năm do tuổi cao sức yếu. “Hôm nay em xuống Hà Nội là để thỏa mong ước được gặp chị, được động viên, chia sẻ với chị. Và nếu chị Thông đồng ý, em sẽ đưa chị về sống cùng” - Kiến nói.

Tuy nhiên, trao đổi với các PV, Nguyễn Thị Bình cho biết hiện em chưa thể đưa ra quyết định gì vào thời điểm này. Sau khi dùng cơm trưa, Bình và những người thân đã tạm chia tay.

MỚI - NÓNG