Cược mạng mưu sinh trên miệng tử thần

Trẻ em Ea Rớt đi bè qua suối. Ảnh chụp ngày 12/6/2018.
Trẻ em Ea Rớt đi bè qua suối. Ảnh chụp ngày 12/6/2018.
TP - Chuyện liều mình vượt sông, băng suối bằng bè tạm hoặc cáp tự chế cứ tới mùa mưa lũ là lại tái diễn trên Tây Nguyên, bất kể mọi khuyến cáo của chính quyền, vì không ít nơi dân nghèo chẳng có phương tiện nào khác để lựa chọn trong cuộc nhọc nhằn mưu sinh.

Mỏng manh bè tạm giữa dòng

Gần hai năm nay, cứ mùa mưa đến hoặc khi lòng hồ Ea Rớt tích nước là nhiều tuyến đường dân sinh ở thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) lại bị ngập sâu. Dân muốn qua suối làm rẫy, học sinh đến trường đều phải dùng bè tự chế thô sơ.

Chỉ sang phía bên kia suối Đất, anh Vàng Seo Dễ (SN 1993, ở thôn Ea Rớt) cho biết rẫy nhà anh ở bên đó. Mùa hè nước cạn, lòng suối hẹp, gia đình anh thường lội nước sang. Mùa mưa, nước dâng cao hàng chục mét, nới rộng khoảng cách từ bờ này sang bờ kia gần 60 m, anh cùng các hộ dân khác phải góp tiền kết bè tạm. Bè được kết từ thân cây tre, hoặc gỗ sao khô nhẹ và dài từ 7-10m. Hai bên bờ, người dân đóng cọc buộc dây cáp. Khi lên bè, họ níu dây, kéo chiếc bè di chuyển theo. Mỗi lượt bè thường chỉ chở từ 1-2 người. Nhưng không ít lần “cao điểm” đúng giờ đi làm rẫy, nhiều người cùng ùa lên, mang theo dụng cụ lao động cồng kềnh khiến bè lật úp.

Cược mạng mưu sinh trên miệng tử thần ảnh 1 Người dân, trẻ nhỏ Ea Rớt trên chiếc bè tạm. Ảnh: Huỳnh Thủy.

Chị Hầu Thị Dua kể: Tháng 3/2018, chị địu bé con 1 tuổi cùng người dân lên bè qua rẫy. Chiếc bè trôi nửa suối thì đảo nghiêng đổ cả đoàn người xuống nước. Chồng chị trong nhà nghe tiếng hô hoán vội lao xuống cứu vợ con lên bờ. Nhưng từ đó tới nay, chị Dua vẫn tiếp tục liều mạng lên bè để qua suối.

Anh Vàng Seo Măng trưởng thôn Ea Rớt chia sẻ: Dẫu biết qua sông bằng bè rất nguy hiểm nhưng người dân thôn Ea Rớt không còn cách nào khác. Bởi khi mùa mưa về, mọi tuyến đường dân sinh đều bị ngập sâu dưới nước. Trong đó, điểm ngập sâu nhất 7-8 m, điểm ngập thấp nhất cũng tới 4m. Ea Rớt như một “ốc đảo” thu nhỏ, bốn bề bị dòng suối, vách núi chia cắt. Ngay trong thôn cũng bị chia cách thành nhiều điểm.

Người dân muốn đi từ điểm này sang điểm kia, qua rẫy, ra trung tâm xã hay học sinh muốn đến trường vào mùa nước dâng đều phải đi bằng bè. Không chỉ đi lại, bè còn là phương tiện vận chuyển nông sản. Vào mùa thu hoạch, chiếc bè hoạt động liên tục, nên số vụ lật bè, rớt suối nhiều vô kể. Những năm qua, số người bị thương, xe máy hư hỏng vì rớt suối rất nhiều. Năm 2017, em Thào A Đỏ cùng nhóm bạn đi bè qua suối thì bị chìm, may có người vớt đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Chỉ 1 năm qua, anh Măng đã đếm được tới 48 chiếc xe máy của người dân trong thôn bị rớt suối. Dân phải thuê thợ lặn với giá 1 triệu đồng/chiếc để vớt xe lên, chưa kể tiền sửa chữa vì hư hỏng nặng.

Cược mạng mưu sinh trên miệng tử thần ảnh 2 Xe tải lội nước qua suối. Ảnh chụp ngày 12/6/2018.

Tha phương cầu thực vì thiếu cầu!

Bán mạng vượt suối gieo trồng chờ đến ngày thu hoạch, nhiều người đành ngậm ngùi bỏ ruộng. Anh Giàng A Tráng (SN 1988, thôn Cư Tê, xã Cư Pui) cho biết: Năm vừa rồi gia đình trồng 2,5 ha sắn, nhưng đến vụ chỉ kịp thu được 10 tấn, còn lại bỏ ngoài rẫy vì trời mưa, nước dâng cao không qua được suối.

Thu hoạch nông sản đã khó, chở đi bán còn khốn khổ hơn. Dân thuê xe cày bì bõm vượt qua hơn 20 km đường rừng nhiều dốc cao, vực sâu hiểm trở. Đến cầu treo buôn Khóa, dân lại chia nhỏ hàng ra nhiều lượt chuyển qua cầu. Tiền thu không đủ chi phí nên nhiều người phải bỏ rẫy đi làm thuê. Ông Y Bra Niê (nhà ở buôn Khóa, xã Cư Pui) than thở: “Ai sống ở đây mới thấu hiểu nỗi khổ của dân. Dầm nắng dãi mưa vất vả trăm bề tới ngày thu hoạch thì gặp cảnh ngăn sông cách trở. Liều mình chở hàng qua sông thì thương lái đè đầu ép giá, uất lắm nhưng đành chịu, chứ bỏ miết lấy gì ăn?”.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Cư Pui, cho biết: Toàn xã có 13 thôn thì có 6 thôn giao thông cách trở, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Nằm sâu trong núi là thôn Ea Rớt, cứ vào mùa mưa hoặc khi lòng hồ Ea Rớt tích nước thì cả thôn bị cô lập, dân phải đi bằng bè. Xã hỗ trợ tiền mua dây thừng, thùng phi nhựa, ván gỗ cho dân đóng bè chắc chắn, đồng thời kiến nghị, phản ánh lên cấp trên.

Năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đắp 2 điểm bị ngập nước tại khu dân cư Ea Rớt với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Người dân xã Ea Trul, huyện Krông Bông chưa quên vụ chìm thuyền thương tâm xảy ra vào giữa tháng 1/2017 khiến 3 người bỏ mạng dưới lòng sông Krông Ana. Tuy nhiên, ước mơ về một cây cầu còn xa quá, họ đành quay lại cảnh đi thuyền, đu cáp. Ông Cao Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Ea Trul cho hay: Thời điểm xảy ra vụ chìm thuyền, đại diện Bộ GTVT vào thăm, chỉ đạo làm ngay một cây cầu treo cho dân đi nhưng đến nay gần 2 năm vẫn chưa thực hiện.

Sở GTVT Ðắk Lắk cho biết đã phối hợp với chính quyền địa phương thống kê, lập danh mục hơn 453 vị trí cần xây dựng cầu dân sinh, đề xuất đưa vào Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương của Bộ GTVT (dự án LRAMP) và được chấp thuận 111 cầu xây trên địa bàn 13 huyện và thị xã với tổng mức đầu tư dự kiến 193 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.