Cuộc họp thượng đỉnh EU: Lùi thời hạn thông qua hiến pháp

Cuộc họp thượng đỉnh EU: Lùi thời hạn thông qua hiến pháp
(TPO) - Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí lùi hạn chót việc thông qua hiến pháp châu Âu, nhưng những bất đồng về ngân sách vẫn chưa được giải quyết.
Cuộc họp thượng đỉnh EU: Lùi thời hạn thông qua hiến pháp ảnh 1
Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker và thủ tướng ANh Tony Blair

Trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thượng đỉnh đang diễn ra tại Brussels (Bỉ), các nước đã đồng ý tạm ngưng vấn đề Hiến pháp chung và gia hạn cho việc thông qua hiệp ước đến sau tháng 11/2006.

Theo chủ tịch lâm thời của EU, thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, thì "(châu Âu) cần có một thời gian để suy tư, giải thích và tranh luận về Hiến pháp", sau khi kế hoạch này bị cử tri bác bỏ tại Pháp và Hà Lan. Ngoại trưởng Hà Lan, Ben Bot, đồng ý là nên có khoảng lặng.

"Tôi tin là mỗi nước cần gánh trách nhiệm của mình, quyết định họ có thể tiếp tục việc thông qua nữa hay không. Nhưng trong giai đoạn này, chúng ta không được để phí thời gian. Chúng ta có thể dùng thời gian này để bắt đầu cuộc tranh luận căn bản về EU, một điều rất quan trọng bởi vì sau lá phiếu nói Không ở Pháp và Hà Lan, một câu hỏi đặt ra: chúng ta muốn một châu Âu như thế nào?"

Thủ tướng Đan Mạch, Anders Fogh Rasmussen, cũng tuyên bố Đan Mạch sẽ hoãn cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới mà theo đúng kế hoạch, lẽ ra sẽ được tổ chức trong tháng chín tới đây.

Với việc nhất trí hoãn thông qua Hiến pháp mới, hội nghị thượng đỉnh lần này đã giải quyết được một trong hai bài toán lớn gây nhiều tranh cãi về tương lai của EU. Bài toán còn lại, có vẻ khó khăn và chông gai hơn, là tìm lối ra cho vấn đề ngân sách EU 2007-2013.

Trong lúc các lãnh đạo EU tụ họp ở Brussels cho một cuộc họp hai ngày, chủ tịch Ủy hội châu Âu, Jose Manuel Barroso, đã kêu gọi tìm lối ra cho vấn đề ngân sách.

Mọi rắc rối và bất đồng đều xoay quanh cơ chế bồi hoàn trị giá tới 5 tỉ USD dành cho nước Anh, một đặc quyền mà rất nhiều quốc gia khác cho rằng đã "không còn hợp thời" và "vô lý".

Họ cho rằng đặc quyền này phải được xoá bỏ, hay chí ít thì khoản tiền bồi hoàn cũng phải giảm xuống, nhưng Anh vẫn kiên quyết không nhượng bộ nếu EU không chấp nhận cải tổ hệ thống trợ giá nông nghiệp, một động thái sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều quốc gia khác, trong đó có Pháp.

Thủ tướng Đức, Gerhard Schroeder, nói ông không thấy lý do gì để Anh phải được khoản tiền bồi hoàn vì Anh đang là một trong những nước giàu nhất thế giới. "Họ đứng thứ sáu về thu nhập đầu người, nhưng lại đứng sau trong vấn đề đóng góp tính theo đầu người. Không có lý do gì để biện hộ cho cơ chế bồi hoàn ưu đãi dành cho nước Anh".

Hôm nay, các nhà lãnh đạo EU sẽ bàn về vấn đề ngân sách dài hạn.

MỚI - NÓNG