Cô Dạ Hương kính!
Lá thư này không xin tư vấn gì cho cháu. Vợ chồng cháu cưới nhau đã 18 năm, con gái đầu của cháu năm nay đang học lớp 12 cô ạ.
Chuyện liên quan đến em chồng cháu và vì thế sẽ liên quan đến mẹ chồng cháu. Cháu suy nghĩ rất nhiều và hôm nay, quyết định xin ý kiến cô.
Bố mẹ chồng cháu sinh được 3 con trai và cuối cùng, toại nguyện với đứa con gái út năm nay cũng đã 35 tuổi. Chồng cháu là con cả, cháu là dâu cả, không sống cùng bố mẹ chồng nhưng là đứa ở gần ông bà nhất, bên cạnh nhau.
Mô hình ăn ở như thế khá lý tưởng cô ạ, nhà chung cư rất an ninh, vợ chồng con cả sát bên, bố mẹ khi về già không phải lo nghĩ chuyện có thuê mướn được người chăm sóc hay không. Tuổi già, bếp riêng nhưng chung cầu thang, không gì tiện bằng, đúng không cô?
Là cô gái rượu lại là gái út nên cô em chồng của cháu được nuông chiều từ nhỏ. Có cả thảy 5 người, bố mẹ rồi 3 anh cưng chiều mà. Khi các anh có vợ thì 3 chị dâu đều có nghĩa vụ phải chiều cô ấy nữa, một thứ luật bất thành văn đó cô.
May mà cô ấy cũng có người rước cho, khi đã 28 tuổi. Nhưng anh chàng này (hơn vợ 5 tuổi), có một lần hôn nhân, có con riêng, hiện vợ cũ và con anh ta vẫn ở chung thành phố đây.
Vì cảnh nghịch ấy mà vợ chồng cô ấy không có chỗ ổn định, vợ con hầu như ở chung với bố mẹ ruột, còn anh ta thì ở chung cũng với bố mẹ ruột của mình. Cô em chồng cháu không chịu làm dâu, như thế cũng có nghĩa là chỉ làm vợ trên danh nghĩa.
Ban đầu chồng cháu thương em gái lấy chồng đã có một lần vợ, không muốn đẩy em cho nhà chồng nó. Bố mẹ chồng cháu cũng nghĩ như vậy, mới lấy chồng mà đã có con gọi bằng dì, tuần nào ông bà nội cũng đón đứa bé ấy về chơi, con chồng dì ghẻ, khổ thân không?
Hai chú em chồng của cháu cũng vì thương em mà mặc nhiên đồng ý với kiểu tổ chức đời sống, theo cháu là không giống ai như vậy.
Nhưng chúng nó không yên ổn, cái đôi ích kỷ ấy. Đứa con gái nhỏ của đôi ấy nay đã 6 tuổi rồi, học lớp 1 rồi. Ngay khi chọn trường cho đứa bé ấy cũng mâu thuẫn.
Gần ông bà ngoại cho dễ đưa đón giúp thì không có trường điểm, mà trường tốt thì bố nó phải đưa đón, khi bố nó bận công tác thì ông bà nội đón, nếu ông bà nội bận, mẹ nó bận nữa thì cháu phải giúp với quãng đường rất bất hợp lý.
Cái chính là chúng nó không tổ chức sống chung, không bếp chung nên đồng tiền riêng, làm sao thành một gia đình được, đúng không cô?
Mấy năm nay bắt đầu cơm không lành canh không ngọt, khi chúng nó có chuyện với nhau thì vợ chồng cháu đến khổ với mẹ chồng cháu.
Cháu để ý thấy cô em này rất lạ, khi chồng quay lưng đi thì bao nhiều thói hư tật xấu chồng tuôn ra, tất cả mọi người phải chịu đựng và chia sẻ, nhưng khi có mặt chồng thì nó quỵ lụy ngay. Nhưng nó nói chồng đủ điều được, ai mà nói lỡ câu gì thì nó ghim trong bụng ngay.
Cô xem có quái gở không, cuộc hôn nhân kỳ cục ấy. Cháu nghĩ cháu chỉ chịu đựng một lúc nào đó thôi, rồi cháu phải lên tiếng mới được, mà lên tiếng với chính bố mẹ chồng cháu, vì bà quá cưng con gái, quá ôm cháu ngoại, bà không thấy hậu quả của việc đó.
Theo cô, cháu có nên ý kiến không? Hay là mặc, ra sao thì ra, chỉ vợ chồng cháu yên ổn là được?
Cô giấu kín email cho cháu.
----------------------
Cháu thân mến!
Cô cũng lấy làm lạ cho bố mẹ chồng cháu. Đành rằng con gái gả đi thì xót xa trong lòng lắm, nhưng phàm là phụ nữ, việc hôn nhân là trọng, lấy chồng cho cả một đời nên người chồng và nhà chồng là thiêng liêng với họ chứ.
Vì vậy mà phải ăn chung, ở chung, bếp núc, gánh vác, tối lửa tắt đèn có nhau. Câu “gái có công chồng chẳng phụ” là để chỉ cái công của người đó với cả nhà chồng, tấm lòng, công xá, dung hạnh chứ không nói chuyện đóng góp tiền nong đâu.
Dĩ nhiên cuộc sống như cô em chồng cháu là bời rời, bấp bênh, vô định. Như thế sao dám yêu cầu hai chữ hạnh phúc đích thực.
Ở đây, gái rượu mà “dám” lấy chồng đã một lần dở dang, chồng lại có con riêng, chao ơi, hoàn cảnh ấy đòi hỏi ở người nữ rất nhiều sự xả thân. Nói hình ảnh, sao yếu bóng vía mà suốt ngày lại rước phim kinh dị về thưởng thức thế!
Vì tổ chức cuộc sống bất ổn nên cô ấy không bao giờ ổn được. Sao không tìm cách ở riêng như chúng cháu, riêng mà vẫn gần ấy?
Có lẽ mẹ chồng cháu quá sợ con mình bị bắt nạt, hay đơn giản, không xa nó nổi nữa. Rồi đứa cháu ngoại lớn lên trong vòng tay, không rời được nữa. Mọi thứ chừng như càng ngày càng lỡ nhịp, đúng không?
Trong chuyện cô em ấy, kêu ca chồng là vì khi vắng cậu ta thì hình dung và ghen, ghen với đứa con riêng, có khi lại ghen với cô vợ cũ đang ở trong thành phố ấy, ghen và không hài lòng chuyện tiền nong, chuyện cư xử, chuyện thời giờ… trăm thứ hình dung và tích tụ, thế là muốn tuôn ra với người nhà mình cho nhẹ, cho bõ.
Nói mãi riết thành quen, bố mẹ ruột lúc nào chẳng lắng nghe, có điều cháu là chị dâu nên cháu thấy chướng tai đó thôi.
Ngoài ra, theo quy luật tâm lý, gái tân mà lấy trai đã vợ thì cô ta sẽ rất mê, mê những ngón ân ái rất có kinh nghiệm của người ta. Mê nên rất ghen, vắng là ghen mà gặp là hết, đó cũng là thứ bệnh cháu ơi.
Nên lên tiếng để cứu vãn cuộc hôn nhân của cô em này. Đừng để lỡ dở rồi đứa con gái của họ có thể đi vào cảnh ngộ của người con cùng cha khác mẹ ấy.
Chồng cháu là cả, phải cầm trịch, kẻo sau này bố mẹ già yếu, còn phải quan tâm mãi đến cô em chồng và đứa con chắc chắn rất được cưng chiều của cô ta. Cháu cũng có thể nói vì cháu là dâu cả, và nếu cháu có uy tín tuyệt đối thì cháu đồng hành với chồng cầm trịch vậy.