Cuộc duyệt binh huyền thoại - tiếp

Duyệt binh mừng chiến thắng ngày 24-6-1945
Duyệt binh mừng chiến thắng ngày 24-6-1945
TP - Người ta kể lại rằng, đúng 7h50 phút sáng tháng 11 giá rét đó (1941), khi cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xô Viết bước ra lễ đài trên Lăng Lenin, Stalin chỉ nói một cách đơn giản: “Chà gió mạnh quá”.

> Cuộc duyệt binh huyền thoại

Nhìn bầu trời đầy mây thấp nặng trĩu, khiến không quân địch khó hoạt động, ông nói thêm: “Chúng ta gặp may rồi...”.

Duyệt binh mừng chiến thắng ngày 24-6-1945
Duyệt binh mừng chiến thắng ngày 24-6-1945.

Thực ra, thành công của cuộc duyệt binh không chỉ nhờ gặp may. Công việc chuẩn bị và các biện pháp đảm bảo an toàn được tiến hành kỹ lưỡng. Từ ngày 5-11-1941, trên mặt trận Mátxcơva, Hồng quân mở 3 đòn tiến công mạnh mẽ theo các hướng Mozhaisk, Volokolamsk và Malojaroslavl để giải tỏa bớt áp lực của địch lên thủ đô.

Cũng trong khoảng thời gian đó, không quân Liên Xô đồng loạt đánh bom các sân bay của quân Đức khu vực gần Mátxcơva. Nhiều máy bay tiêm kích từ các mặt trận khác được điều về để bảo vệ cuộc duyệt binh từ trên không. Có tất cả 550 máy bay được điều động sẵn sàng không chiến bảo vệ Mátxcơva ngày hôm đó. Để đảm bảo bí mật, các cơ quan an ninh, phản gián tiến hành chiến dịch vô hiệu hóa tất cả đầu mối tình báo, gián điệp Đức mà họ đang theo dõi.

Các biện pháp an ninh nội bộ cũng được áp dụng tối đa. Hầu hết lãnh đạo cao cấp Xô Viết chỉ biết về cuộc duyệt binh khi được Stalin thông báo tại Lễ kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng Mười 1 ngày trước đó. Thời gian duyệt binh được đẩy sớm lên 2 giờ, từ 10 giờ lên 8 giờ sáng 7-11-1941.

Chỉ huy các đơn vị tham gia duyệt binh được thông báo về điều đó lúc 23 giờ đêm 6-11-1941, còn đại diện các tầng lớp nhân dân Mátxcơva được mời dự chỉ được thông báo trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 giờ sáng ngày 7-11.

Stalin ra lệnh đến rạng sáng ngày 7-11 mới dỡ tấm che các ngôi sao trên đỉnh tháp điện Kreml và phần ngụy trang Lăng Lenin.

Trong thời gian duyệt binh, không một sĩ quan, binh sĩ, vũ khí nào được mang theo đạn, kể cả các đơn vị vừa rút từ tiền tuyến về.

Chỉ huy cuộc duyệt binh là Trung tướng Artemyov, Tư lệnh Quân khu Mátxcơva, một người tuyệt đối tin cậy, vài năm trước là Sư đoàn trưởng sư đoàn đặc biệt mang tên Dzezhinsky của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô. Người tiếp nhận báo cáo là Nguyên soái Budyonnyi - Phó Tổng tư lệnh tối cao. Trái với truyền thống, người phát biểu không phải là người tiếp nhận báo cáo mà chính là Stalin. Ngày hôm đó, ông đã nói những lời ghi vào sử sách như sau:

“Thưa các đồng chí! Chúng ta phải kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười trong điều kiện nặng nề. Cuộc tiến công tráo trở của bọn cướp Đức và cuộc chiến tranh mà chúng gây ra đang đe dọa đất nước chúng ta. Chúng ta tạm thời mất một loạt tỉnh thành, kẻ thù đã có mặt ở sát Mátxcơva và Leningrad.

Kẻ thù toan tính rằng, chỉ đòn đầu tiên cũng đánh tan quân đội của chúng ta, buộc đất nước ta phải quỳ gối. Nhưng chúng đã quá nhầm. Mặc dù chịu những bất lợi tạm thời, quân đội và hải quân của chúng ta đang anh dũng đẩy lui cuộc tiến công của địch trên toàn mặt trận, gây cho chúng những thiệt hại nặng nề, còn đất nước chúng ta đã được tổ chức lại thành một doanh trại thống nhất để cùng với quân đội và hải quân thực hiện việc tiêu diệt bọn phát xít xâm lược...

... Các đồng chí chiến sĩ hồng quân, hải quân, các chỉ huy và cán bộ chính trị, các nam nữ du kích! Cả thế giới đang trông vào các đồng chí như lực lượng có thể tiêu diệt bè lũ kẻ cướp xâm lược Đức. Cả nhân dân châu Âu đang nhìn về các đồng chí như những người giải phóng của mình. Sứ mệnh giải phóng vĩ đại đặt lên vai các đồng chí. Hãy xứng đáng với sứ mệnh đó! Cuộc chiến tranh mà các đồng chí đang tiến hành là chiến tranh giải phóng, chiến tranh chính nghĩa.

Cổ vũ cho các đồng chí trong cuộc chiến tranh này là hình ảnh dũng cảm của những tổ tiên vĩ đại của chúng ta - Alexandr Nevsky, Dmitry Donsky, Kuzma Minin, Dmitry Pozharsky, Alexandr Suvorov, Mikhail Kutuzov! (1) Dẫn dắt các đồng chí là ngọn cờ bách chiến bách thắng của Lenin vĩ đại…”. (2)

Cuộc duyệt binh vào đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười 7-11-1941, cái ngày mà Quân đội Đức huyênh hoang rêu rao là sẽ tổ chức duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, cùng với những lời cháy bỏng của vị thống soái tối cao đã khiến tất cả những người có mặt trên Quảng trường hôm đó cũng như toàn thể nhân dân Xô Viết tin rằng, tình hình không phải vô vọng, tinh thần chiến đấu của Hồng quân không bị bẻ gãy. Trong số những người có mặt ở hai bên Lăng Lenin hôm đó có nhiều phóng viên nước ngoài, nên tinh thần ấy cũng được truyền đi khắp thế giới.

Tham gia cuộc duyệt binh là học viên sĩ quan các trường quân sự, các trung đoàn của Sư đoàn đặc biệt mang tên Dzerzhinsky, lính thủy của Thủy đội Mátxcơva. Một số tiểu đoàn được bí mật rút từ tiền tuyến về. Bộ binh chủ yếu mang súng trường, một bộ phận mang súng các-bin, súng máy nhưng rất ít tiểu liên. Có các xe chở súng máy nổi tiếng từ thời Nội chiến nhưng không thấy có súng chống tăng. Tiếp theo là kỵ binh, pháo binh và xe tăng. Có cả trung đoàn tự vệ Mátxcơva. Về xe tăng có T 34, một số xe hạng nặng KV.

Về những chiếc tăng hạng nặng KV tham gia duyệt binh có một chuyện thú vị. Một tuần trước cuộc duyệt binh, Stalin gọi điện cho Tư lệnh binh chủng thiết giáp nói rằng, muốn có ít nhất 1 tiểu đoàn tăng KV tham dự cuộc duyệt binh nhưng vị tư lệnh báo cáo rằng tất cả tăng đang trên tuyến đầu không thể rút ra được. Stalin đề nghị dùng một đơn vị đến từ lực lượng dự bị hoặc lấy thẳng từ nhà máy, nhưng chuyện không đơn giản.

Lúc đó, các nhà máy đang trên đường sơ tán sâu vào hậu phương, còn chưa đến nơi và có 30 chiếc tăng KV đang đợi ở Chelyabisnk để chờ hoàn thiện, không thể kịp đến dự duyệt binh. Trong tình huống đó, sự sáng tạo của thứ trưởng bộ công nghiệp xe tăng tên là Zaltsman đã giải quyết được tình huống: Vẫn đưa một số xe tăng lên tàu hỏa và việc hoàn thiện chúng diễn ra trong thời gian tàu chạy về Mátxcơva.

Trong thời gian duyệt binh xảy ra hai trục trặc.

Theo một báo cáo mật được làm lúc 9h25' ngày 7-11-1941, trong thời gian duyệt binh có hai chiếc xe tăng T34 bỗng chạy ngược trở lại Quảng trường Đỏ. Theo một số tài liệu khác và lời kể của những người chứng kiến sự việc, có tất cả 15 chiếc tăng T34 tham dự duyệt binh, 3 chiếc trong số chúng đi khóa đuôi khối phương tiện kỹ thuật chiến đấu.

Khi lên Quảng trường Đỏ có một chỗ dốc nhẹ, trời lạnh nên đường đóng băng rất trơn. Hai chiếc lấy được tốc độ nên vượt qua được và đi cùng khối qua lễ đài. Chiếc thứ 3 không đủ tốc độ nên bị trượt xuống và không tài nào vượt được chỗ dốc trơn ấy. Lúng túng, chiếc tăng này thông báo qua liên lạc vô tuyến: "Chúng tôi bị dừng hoàn toàn rồi". Nghe vậy, hai chiếc tăng đã đi trước bèn quay vòng, chạy ngược lại trên Quảng trường Đỏ để giải cứu đồng đội. Người ta nói rằng Stalin cũng nhận thấy và để ý đến chi tiết này.

Ông hỏi tướng Vlasik, chỉ huy đội bảo vệ: "Có chuyện gì thế? Vì sao tăng chạy ngược trở lại?". Đích thân tướng Vlasik điều tra sự việc. Thoạt tiên, người ta định trừng phạt chỉ huy các xe tăng. Nhưng mọi việc nhanh chóng được làm rõ. Các chiến sĩ xe tăng thú nhận rằng họ quá hồi hộp căng thẳng nên quên là đang tham dự duyệt binh, khi nhận tín hiệu cấp cứu, họ lập tức quay lại như một phản xạ để hỗ trợ đồng đội. Cả ba kíp tăng đều được ra thẳng mặt trận ngay trong ngày hôm ấy.

Sự cố thứ hai là các phóng viên phim tài liệu đến chậm và không ghi trực tiếp được hình ảnh và lời phát biểu của Stalin khớp nhau. Như đã nói, thời gian duyệt binh được chuyển sớm lên 2 tiếng vì lý do an toàn. Người ta quên báo điều này cho kíp quay phim tài liệu.

Thời gian đó, xưởng phim tài liệu Liên bang đã sơ tán khỏi thủ đô. Một quay phim tên là Ivan Belyakov từ chối đi nên bị sa thải. Bộ Dân ủy Nội vụ cần người quay cuộc duyệt binh nên Belyakov được phục hồi. Và ông quay phim cả cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười ngày 6-11 ở ga tàu điện ngầm.

Do kíp làm phim không được báo chuyển giờ nên lúc 8 giờ sáng, chỉ có một số trợ lý đến Quảng trường Đỏ để chuẩn bị thiết bị quay. Cuộc duyệt binh bắt đầu, các trợ lý buộc phải tự quay phim mà không kịp chỉnh thiết bị ghi âm song hành (người phụ trách ghi âm chỉ đến lúc 9 rưỡi sáng).

Khi những người chủ chốt của kíp quay đến thì Quảng trường Đỏ đã vắng lặng và họ hình dung trong đầu cảnh ra trước tòa. Nhưng tướng Kuzmichyev của Bộ Dân ủy Nội vụ đến gặp họ nói ngay: "Cấp trên biết việc không ghi được bài diễn văn của đồng chí Stalin không phải do lỗi các anh mà là do cơ quan của chúng tôi không báo thay đổi giơ". Sau đó, tướng Vlasik đến nói với họ rằng Stalin coi việc ghi hình ảnh, âm thanh bài phát biểu là cực kỳ quan trọng và yêu cầu họ quay, ghi lại.

Việc quay lại trên lễ đài Quảng trường Đỏ bị loại trừ, do đó không biết ai trong số ba người: Đạo diễn L. Varlamov, hai nhà quay phim M. Troyanovky, I. Belyakov đề nghị làm một mô hình lễ đài ngay trong Điện Kreml. Và một lễ đài như thế được nhanh chóng dựng trong chính Cung điện Kreml lớn.

Khi quay, để từ miệng Stalin phả ra hơi nước như trên khán đài giữa trời giá lạnh thật, các nhà quay phim đề nghị mở hết cửa sổ của cung điện. Nhưng họ không tài nào tạo được hơi nước từ miệng vị lãnh tụ. Tuy nhiên, không một ai trên thế giới xem đoạn phim này nhận ra sự bất hợp lý đó.

Đoạn phim này được đưa vào cuốn phim tài liệu Tiêu diệt quân đội phát xít ở Mátxcơva đoạt giải Oscar cho phim tài liệu nước ngoài hay nhất mùa hè năm 1942. Không một khán giả hay nhà phê bình điện ảnh Mỹ nào nhận ra chi tiết này.

Cuộc duyệt binh ngày 7-11-1941 có ý nghĩa lịch sử to lớn, góp phần củng cố, có thể nói là vực dậy tinh thần của cả một quân đội, một đất nước, làm kẻ thù choáng váng về tinh thần. Nhiều người cho rằng cuộc duyệt binh bi tráng vào sáng sớm một ngày ảm đạm giá rét tháng 11-1941 góp phần quan trọng đặt nền móng cho hai cuộc duyệt binh nổi tiếng sau đó.

Thứ nhất, có thể coi việc dẫn 57 nghìn tù binh Đức qua đường phố Mátxcơva ngày 17-7-1944 là một cuộc duyệt binh tướng của những kẻ thất bại. Gần 6 vạn binh lính, sĩ quan Đức bị bắt trong chiến dịch giải phóng Belorussia, trong đó có 19 viên tướng bị giải qua đường phố Mátxcơva. Những nơi mà đoàn quân chiến bại này đi qua, các xe phun nước lập tức rửa đường, một hành động mang tính biểu tượng.

Và cuộc duyệt binh thứ hai là Duyệt binh mừng chiến thắng ngày 24-6-1945, khi mà quân đội Xô Viết ném các cờ hiệu của quân đội Phát xít trong đó có cả cờ hiệu của Hitler xuống chân tường Lăng Lenin.

Lê Xuân Sơn tổng hợp

-------

Tên các tướng lĩnh xuất sắc trong lịch sử quân sự Nga

Trích diễn văn của Stalin tại cuộc duyệt binh ngày 7-11-1941

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.