Cuộc đua “ghế” AFC của Việt Nam

Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (thứ 3 bên phải) cùng các đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội AFC
Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (thứ 3 bên phải) cùng các đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội AFC
TP - Việc tiếp tục có đại diện tham gia Ban thường vụ LĐBĐ châu Á (AFC) được đánh giá là một thành công của VFF cũng như bóng đá Việt Nam. Đây là kết quả tích cực, nối dài những tin vui ở tầm châu lục của Việt Nam thời gian vừa qua. 

Đại hội AFC lần thứ 29 được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hôm 6/4 vừa qua với sự tham dự của Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino và nhiều quan chức cấp cao làng bóng đá thế giới. Nội dung quan trọng nhất của kỳ đại hội này là bầu bộ máy lãnh đạo AFC nhiệm kỳ 4 năm tới (2019-2023). Phía Việt Nam cử 4 đại diện gồm 2 Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn, Cao Văn Chóng, Ủy viên Thường trực VFF Trần Anh Tú và TTK Lê Hoài Anh.

Kết quả, ứng viên duy nhất là ông Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa đã đắc cử vị trí Chủ tịch AFC. Việt Nam cũng thành công khi Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn được bầu vào một ghế trong Ban thường trực AFC. Đây là lần thứ 3 liên tiếp ông Trần Quốc Tuấn được tín nhiệm đảm nhiệm một vị trí trong Ban thường trực AFC. Trước đó ở nhiệm kỳ 2011-2015, ông Tuấn là đại diện đầu tiên của Việt Nam tham gia vào bộ máy lãnh đạo cao nhất châu lục. 

Được biết, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và tân Chủ tịch AFC Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa đã gửi tin nhắn và thư chúc mừng bóng đá Việt Nam cũng như cá nhân Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn. Trong thư, Chủ tịch AFC đã bày tỏ mong muốn ông Trần Quốc Tuấn tiếp tục phát huy vài trò của mình ở Ban thường trực AFC để góp phần thúc đẩy sự phát triển của bóng đá 
châu lục. 

Duy trì tiếng nói ở châu lục

Bóng đá Việt Nam vừa trải qua 2 năm ồn ào liên quan đến cuộc đua vào bộ máy lãnh đạo VFF. Nội bộ VFF có lúc tưởng “nổ tung” với nhiều thông tin hậu trường liên quan đến các ứng viên được tung ra, với mục đích không ngoài việc “hạ bệ” nhau. Nhưng ít người biết, cuộc đua vào các vị trí ở bộ máy lãnh đạo cấp châu lục càng căng thẳng và quyết liệt hơn. 

Tại đại hội AFC vừa qua, bóng đá Hàn Quốc nhận thất bại lớn khi Chủ tịch liên đoàn bóng đá nước này mất tất cả các vị trí ganh đua. Nếu so với Hàn Quốc, bóng đá Việt Nam rõ ràng ở cấp độ thấp hơn nhiều. Nói vậy để thấy việc tiếp tục có đại diện tham gia Ban thường vụ là một thành công của bóng đá Việt Nam. Việt Nam sẽ có điều kiện duy trì tiếng nói ở AFC, đấu tranh cho các lợi ích của chúng ta cũng như duy trì ảnh hưởng, quan hệ cấp độ châu lục. 

Có 2 nguyên nhân giúp bóng đá Việt Nam giành được kết quả trên. Đầu tiên là uy tín cũng như mối quan hệ quốc tế của ông Trần Quốc Tuấn trên cương vị Phó chủ tịch VFF. Trong nhiều năm trở lại đây, ông Tuấn là số ít quan chức bóng đá Việt Nam có mối quan hệ rộng ở tầm quốc tế. Và thứ 2, không thể không nhắc tới một loạt thành công của bóng đá Việt Nam 2 năm vừa qua, như vị trí Á quân giải U23 châu Á 2018 (Trung Quốc), cúp vô địch AFF 2018 hay gần nhất là màn trình diễn ấn tượng tại Asian Cup 2019 (UAE), gắn liền với HLV Park Hang Seo. Những thành tích này đã khiến châu Á phải nhắc tới Việt Nam nhiều hơn. 

Đặc biệt, sự cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng khiến thế giới phải ngưỡng mộ. Có thể kể tới việc sau khi giành vị trí Á quân giải U23 châu Á, Việt Nam đã được đón Chủ tịch FIFA Gianni Infantino. Tại Hà Nội, ông Infantino đã chia sẻ rằng chính “biển đỏ” người hâm mộ xuống đường ăn mừng thành tích giải U23 châu Á là động lực lớn nhất khiến ông quyết định phải tới thăm Việt Nam. Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn hôm qua cho biết, ông sẽ cố gắng để phát huy vài trò, tiếng nói của Việt Nam tại AFC. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.