Cuộc đời thày giáo là những kỷ niệm đẹp..

Cuộc đời thày giáo là những kỷ niệm đẹp..
TP - Nghề dạy học là một nghề cao quý, tình cảm thày - trò là tình cảm thiêng liêng… Có ý kiến cho rằng những khái niệm ấy giờ đây đang có cơ bị mai một theo cơ chế thị trường.

TPCT đã trao đổi với một số thày giáo và học sinh, sinh viên xung quanh vấn đề này.

Cuộc đời thày giáo là những kỷ niệm đẹp.. ảnh 1
Tình cảm thày và trò bao giờ cũng đẹp - Ảnh: Hồng Vĩnh

Nhà trường không còn như xưa?

(GS Phạm Minh Hạc  - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT)

Trong suốt 44 năm làm thày, kỷ niệm nào đẹp nhất còn đọng lại trong ông, thưa giáo sư?

Có thể nói, cuộc đời người thày giáo là những kỷ niệm đẹp: những ngày sơ tán ở rừng Thái Nguyên, chịu cái rét từ Đèo Khế, từ rừng Yên Thế  huyền thoại, chỉ ăn sắn để học trong những ngôi  nhà tranh tự cất lên làm lớp học.

Hội trường lớn, 200-300 người ngồi không có một tiếng động, học sinh chăm chú nghe như nuốt từng lời giảng, bởi thày dạy hay, bởi trò kính trọng thày, bởi  trường ra trường lớp ra lớp, thày ra thày, trò ra trò.

Tình cảm đẹp lắm nên, dạo ấy dù nghèo, sinh viên bán bánh mỳ gây quỹ, thày dù lương thấp nhưng sẵn sàng mua cả mấy chục cái để ủng hộ trò.

Kỷ niệm đẹp đẽ nhất đời tôi là trong sự ngưỡng mộ của hàng ngàn học sinh, năm 1965, có một cô nữ sinh trường ĐHSP  từ cảm phục, kính trọng đã trao tặng cho tôi tình yêu và trở thành bạn đời của tôi đến nay khi đầu đã bạc, răng cũng đã bắt đầu long rồi.

Bản thân tôi từ hàng chục năm qua cũng vẫn giữ mối quan hệ thường xuyên với các thày dạy tôi từ hồi cấp 1, cấp 2, cấp 3…

Dư luận cho rằng, ngày nay tình cảm thày trò không còn được như xưa nữa vì đã bị tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, ông nghĩ sao?

Với phần đông thì tình cảm thày trò vẫn tốt đẹp, nhưng sự tôn trọng với người nói trên bục giảng dường như không còn như xưa nữa (ở hội trường khi thày nói trò ở dưới nói còn to hơn và thậm chí còn làm đủ các việc khác); có những hiện tượng như: trò hành hung thày hay gặp thày không buồn chào… Mặc dù đó chỉ là các hiện tượng nhỏ lẻ nhưng rõ ràng đó là những biểu hiện không đẹp đẽ và đáng buồn hiện nay.

Là một nhà giáo dục, từng là Thứ trưởng của bộ quan trọng này, theo ông trách nhiệm là ở đâu và của ai?

Môi trường xã hội của ta còn nhiều chỗ lộn xộn, không tốt … Điều đó dễ hiểu khi đường xá, chợ búa, hàng quán… ồ ạt kéo vào nhà trường. Trong trường thì không thực sự có nề nếp.

Rất tiếc, quan niệm xưa cho rằng môi trường nhà trường là môi trường đẹp nhất, lành mạnh nhất bây giờ không còn nói thế được nữa. Đáng ra no đủ hơn yên bình hơn thì đạo đức phải đi lên, nhưng lại không được như vậy.

Về trách nhiệm, tôi nghĩ, trong nhà trường thì tổ chức nhà trường và thày cô giáo là quan trọng; sinh viên cũng là người trưởng thành thì trách nhiệm thuộc về sinh viên cũng là nhiều.

Bây giờ người ta có xu hướng hành chính hóa việc dạy và học: thày lên lớp chủ yếu theo số giờ, theo sự phân công  mà không còn việc thày giáo lên lớp để học sinh thấy sự say mê trong giảng dạy.

Phần tu dưỡng đạo đức của học sinh cũng có trách nhiệm từ sự chăm sóc gia đình. Bé một chút thì bố mẹ bận; lớn lên có đến 70 - 80% ở nhà trọ, ảnh hưởng của xã hội và hội nhóm là rất tai hại... Làm sao không có thể dẫn đến những chuyện buồn như vậy?

Có cách nào tháo gỡ vấn đề này không, thưa giáo sư?

Khẩu hiệu đổi mới ngành GD đưa ra cách đây 20 năm: nề nếp, kỷ cương, kỷ luật. Rất tiếc suốt 20 năm qua nhiều lúc chúng ta đã không kiên trì với khẩu hiệu này, lúc thì buông lỏng, khi thì bỏ quên. Nay phải lập lại kỷ cương thì thày mới ra thày, trò mới ra trò.

Có thể người ta sẽ nghĩ, ngày nay có nhiều phong trào, nhiều chiến dịch rồi, nhưng đó chỉ là bề nổi, kỷ cương mới là nền tảng, mới là cái gốc của vấn đề.

Gia đình cần chăm sóc trẻ tốt hơn. Trẻ càng lớn thì vai trò xã hội càng quan trọng hơn. Trung ương  đã quyết định xây KTX cho sinh viên từ nhiều năm trước, đến nay Bộ GD&ĐT vẫn nói không có kinh phí. Nếu xây được KTX rồi quản lý sinh viên chặt sẽ giải quyết được khá nhiều việc.

Nếu thầy toàn tâm toàn ý thì luôn nhận được sự yêu mến của học sinh

(TS Đàm Trung Đồn -  ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội)

Trong chiến tranh chống Mỹ, ông được coi như một “người hùng” vì đã từng nghiên cứu  về vi điện tử trong các khí tài của Mỹ,  về thủy lôi hồng ngoại, giúp cho quân đội rất nhiều; 52 năm làm thày giáo, đã từng đào tạo ra nhiều học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, với ông phần thưởng nào là đáng quý nhất?

Những nhiệm vụ đặc biệt kia chỉ mang tính chất lịch sử và kéo dài vài năm trong cuộc đời. Làm thày, đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh  trong suốt cuộc đời, nhận được tình cảm yêu mến của học sinh chính là điều đáng nhớ nhất.

Dư luận đang cho rằng tình cảm thày-trò ngày nay đang dần bị mai một, ông có tin như vậy không và tình cảm thày trò liệu có còn cao đẹp như xưa?

Nếu đã có dư luận thì chỗ này chỗ kia phải có. Nếu quan hệ thày trò không hoàn toàn trong sáng thì sẽ không giữ được tình cảm cao đẹp; nếu thày toàn tâm toàn ý  thì học sinh sẽ cư xử rất công bằng và sẽ một mực tôn trọng và yêu mến người làm thày.

Vào một ngày nào đó, một học sinh đang làm tiến sĩ ở Mỹ gọi điện về thông báo cho thày là đã có 20 bài báo đăng ở tạp chí nước ngoài và cám ơn thày đã dạy dỗ; hay như, một học sinh nghèo được hỗ trợ đi học ở nước ngoài khi trở về thành đạt và ngỏ lời cảm ơn người đã có công dạy dỗ, nâng đỡ… Đó chẳng phải là những điều tốt đẹp trong cuộc đời người thày hay sao?

Nếu có tiêu cực thì tình cảm thày trò sẽ thay đổi

(Sinh viên Nguyễn Đức Thắng, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh - ĐH Bách khoa Hà Nội).

Em nghe phong thanh ở một số trường có các hiện tượng mua bằng, bán điểm.

Ở trường ĐH Bách khoa, may mắn là các thày rất nhiệt tình và tận tâm với học trò và không có tiêu cực như vậy và tình cảm của chúng em đối với các thày cô vẫn hết sức tốt đẹp theo đúng nghĩa của nó.

Theo em biết, có một số bạn cũng muốn “đi chùa thày” nhưng ở trường em thì nghiêm lắm, họ không dám làm nữa.

Nếu ở nơi nào đó, có các hiện tượng tiêu cực thì chắc chắn tình cảm của các bạn đó với thày cô sẽ thay đổi. Như vậy thật buồn vì khi người ta đã  đi đêm được một lần thì cách nhìn nhận và tình cảm thày trò sẽ không còn cao đẹp nữa.

Để được sinh viên nể trọng, thày cần có bài giảng trên lớp hay, trình độ chuyên môn tốt, phương pháp tốt và phù hợp với khả năng của từng đối tượng.

Đặc biệt, giáo viên không được nhận tiền và quà để đổi chác điểm với sinh viên. Chỉ cần làm một lần thì danh tiếng và hình ảnh người thày sẽ mất theo luôn. Nếu không có những việc như thế, em xin khẳng định tình cảm của sinh viên đối với thày vẫn còn nguyên vẹn, đẹp đẽ và trong sáng.

Cha mẹ cũng có trách nhiệm trong mối quan hệ thày trò

(Nguyễn Thị Tú Oanh, học sinh  lớp 12 T4 THPT Việt Đức- Hà Nội)

Các thày cô giáo nhiệt tình sâu sát, như cha mẹ vì  vậy chúng em rất  kính trọng và yêu mến các thày cô.

Gần đây em nghe nói chuyện có yếu tố “kinh tế thị trường” trong quan hệ giữa thày và trò do nhiều nguyên nhân tạo nên. Về việc này em chỉ muốn đề nghị với một số bậc cha mẹ là không nên dùng tiền để mua thành tích học hành của con cái.

Những việc đi đêm như thế chỉ làm hỏng mối quan hệ thày trò và tình cảm thiêng liêng giữa học sinh và các thày cô giáo.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.