Đúng 9h ngày 7/10, tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ truy điệu và an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Lễ tang đọc lời điếu, trong đó nhấn mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo xuất sắc có uy tín của nhân dân, người đảng viên cộng sản kiên trung. “Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân, với gia quyến, để lại niềm tiếc thương với bạn bè quốc tế”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc điếu văn tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Tổng Bí thư cũng khái quát về quá trình hoạt động cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, từ khi sinh ra cho đến khi được kết nạp và Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đản Cộng sản Việt nam.
Năm 1940, đồng chí Đỗ Mười bị Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam. “Dù bị kẻ thù tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn kiên trung với cách mạng, không chịu khuất phục, cùng các chiến sĩ trong tù lên kế hoạch vượt ngục”.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp, đồng chí được giao nhiều trọng trách. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo xây dựng đường ống dẫn dầu huyết mạch, góp phần vào đại thắng mùa Xuân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Sau hòa bình, đồng chí được Đảng và nhà nước giao phó nhiều trọng trách. Trong những năm 90, đồng chí đã đề xuất các bước chuyển, đề xướng chủ trương trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong bối cảnh đất nước bị bao vây về kinh tế, đồng chí đã có công bình thường hóa quan hệ của Việt Nam và các nước. Đồng chí chí triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng”, điếu văn nêu rõ.
Trên 80 năm hoạt động và phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp, đồng chí Đỗ Mười đã có những đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí suốt đời tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Là cán bộ lão thành cách mạng, được tôi luyện, trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Đỗ Mười luôn giữ vững ý chí của người chiến sĩ cách mạng, trau dồi đạo đức cách mạng, tìm tòi sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, hành động quyết liệt trong mọi công việc.
Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng mang hết nhiệt huyết đóng góp vào các vấn đề lớn của đất nước. Đồng chí kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa rời quần chúng, tham nhũng. Đồng chí thể hiện rõ cần kiệm liêm chính chí công vô tư, sống giản dị khiêm tốn, đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên trên hết.
Cuộc đời hoạt động của đồng chí là tấm gương sáng để noi theo. Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông, người cụ đức độ, giàu đức hy sinh và lòng nhân ái.”
Chúng ta có mặt tại đây để bày tỏ lòng tiếc thương, tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi sẽ ra sức phấn đấu, đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đi theo. Vĩnh biệt đồng chí, chúng tôi quyết tâm đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn, kiên định Chủ nghĩa Marx-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH.
“Trong giờ phút tiếc thương và xúc động này, chúng ta trân trọng gửi đến gia quyến đồng chí Đỗ Mười lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát không gì bù đắp được”, Tổng Bí thư đọc lời điếu.