Cuộc đời cay đắng và nhân cách độc đáo của một nhà văn, một nhà khoa học

Cuộc đời cay đắng và nhân cách độc đáo của một nhà văn, một nhà khoa học
Rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu về "sáng tạo" trên nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng có lẽ Genrikh Altshuller, là người đầu tiên định dùng chính trí tuệ của mình điều khiển tư duy, buộc nó phải sáng tạo.
Cuộc đời cay đắng và nhân cách độc đáo của một nhà văn, một nhà khoa học ảnh 1
Altshuller

Sáng tạo luôn là đặc tính của con người. Nhờ có tư duy sáng tạo mà nhân loại đã phát triển qua bao nhiêu giai đoạn lịch sử đạt đến trình độ như hiện nay. Tuy nhiên, sáng tạo luôn là một hoạt động bí ẩn đối với con người.

Hơn nữa, Genrikh Altshuller đã hệ thống thành lý thuyết mang tên Phương pháp luận sáng tạo hay -TRIZ(1), để truyền bá cho mọi người từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Ông cũng là một nhà văn viết chuyện khoa học viễn tưởng với bút danh G.Altov.

Altshuller sinh năm 1926 tại Baku. Bố là nhà báo, người đã hướng ông đến với văn học từ thời niên thiếu, Genrikh là thành viên của câu lạc bộ văn học nhà văn hóa thiếu nhi. Từ nhỏ, ông đã đam mê đặc biệt đối với thể loại văn học khoa học viễn tưởng và bản thân cũng tự sáng tác theo hướng này.

Những người bạn trên giảng đường đại học kể lại Altshuller thường không thích tham gia vào những cuộc vui vô bổ của tuổi trẻ bên cạnh những chai bia, hát hò và nhảy nhót. Ông tự tổ chức những cuộc gặp mặt mà ở đó mọi người có thể phát biểu về bất kỳ một chủ đề nào.

Trong các buổi nói chuyện có cả các cuộc tranh luận về chính trị. Khi đó, Altshuller thường có những chỉ trích gay gắt đối với chính quyền hiện tại. Ông công khai trình bầy quan điểm của mình mà không sợ hãi. Sau này, KGB đã sử dụng những người có mặt trong các buổi tranh luận đó làm nhân chứng để buộc tội Altshuller.

Ba nhà trí thức trẻ linh hồn của nhóm là Altshuller, Rafik Shapiro và người thứ ba tạm gọi là Abba.

R. Shapiro cũng học hàm thụ tại đại học Công nghiệp như Altshuller. Ông có cùng chung sở thích với Altshuller là chuyện khoa học viễn tưởng và sáng chế. Họ viết bài cho mục “Cửa sổ nhìn vào tương lai” và có những nghiên cứu chung. Đến khi bị bắt, họ đã có 10 bằng sáng chế. Ngoài ra, họ còn tham dự vào những cuộc thi kỹ thuật và nhận được một số giải thưởng.

Abba cũng là một chàng trai rất tài năng, đang học đại học Sư phạm và hàm thụ tại đại học Luật. Abba nói được tiếng Anh, Pháp và Đức, và chuẩn bị viết luận án tiến sĩ. Hiển nhiên, anh ta cũng bị cuốn hút bởi những tài năng trẻ khác như Altshuller và Shapiro. Khi đấy, tất cả bọn họ mới 20 tuổi.

Sau khi bị từ chối cấp bằng sáng chế cho những phát minh đầu tiên, Altshuller và Shapiro đến nghiên cứu ở thư viện lưu trữ các bằng sáng chế. Họ đọc hàng nghìn sáng chế và nhận thấy có một điểm chung giữa chúng. ý tưởng về một kết quả cuối cùng hoàn hảo (viết tắt IKP) được hình thành, và 2 người bắt đầu suy nghĩ làm thế nào tìm ra một phương pháp hiệu quả để giải quyết các bài toán sáng chế.

Sau khi chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Liên Xô đồng ý chuyển giao cho Mỹ toàn bộ thư viện lưu trữ sáng chế của Đức để đổi lấy thiết bị luyện thép, thiết bị in ấn… Altshuller đã phản đối gay gắt quyết định đó. Ông nói rằng số thiết bị kỹ thuật sau 20 năm chỉ còn là một đống sắt vụn và khi đó những phát minh của Đức mới bắt đầu phát huy tác dụng.

Altshuller đã viết thư gửi Stalin và 19 bản copy gửi đến Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản LX, Ban chấp hành Trung ương đoàn thanh niên Kosomol, báo Izvestia… Và kết quả là ông bị bắt với lý do đã “tuyên truyền chống chính quyền”. 

Một số người bị cưỡng bức đến KGB, họ đã khai ra “bằng chứng” buộc tội Altshuller. Nhưng Altshuller đã dùng trích dẫn từ các tác phẩm của Marx và Angels để phản bác lại những lời buộc tội trên. Ví dụ có người nói: ông đã khẳng định Marx vĩ đại hơn Angels, ông trả lời chính Angels đã phát biểu như vậy trong bài điếu văn tiễn biệt Marx.

Khi bị buộc tội đã thành lập những “tổ chức chống chính quyền”, ông dùng định nghĩa của Lenin về các tổ chức chính trị để bào chữa cho mình. Trước lý lẽ đầy thuyết phục của ông, KGB đi đến quyết định thả ông ra.

Chỉ ít lâu sau, Shapiro cũng bị KGB gọi lên. Bằng những lời đe dọa lẫn thuyết phục, họ muốn biến Shapiro thành kẻ phản bội bạn. Nhưng KGB đã nhận được lời phản đối dứt khoát của Shapiro.

Đến lượt Abba bị gọi lên. KGB tuyên bố rằng ông ta sẽ không bao giờ có thể trở thành tiến sĩ và ra khỏi đây nếu không đồng ý tố giác Altshuller và Shapiro. Họ chỉ cho Abba thấy quang cảnh bên trong nhà tù của KGB, nơi ánh mặt trời bị che bằng các tấm lưới, phòng dự định giam giữ Abba là một xà lim đơn nếu ông ta cứ tiếp tục cứng đầu cứng cổ.

Abba đã đầu hàng sau vài trận bị khủng bố tinh thần. Abba được thả ra. Sau đó, tất cả những buổi gặp mặt, những chuyện cười, những cuộc nói chuyện được ông ta tường thuật kèm theo lời bình luận và gửi đến trụ sở của KGB. Khi đã thu thập được vài tập tài liệu tố giác Altshuller và Shapiro, KGB ra lệnh bắt họ. Đó là vào năm 1950.

Thứ nhất, KGB buộc tội họ đã bán bí mật quốc gia cho nước ngoài. Trước đó, Altshuller và Shapiro sáng chế ra phương pháp dùng ống cao su bay chứa oxy sử dụng cho các phi công. Phát minh được công bố. Họ rất tự hào và chờ đợi một phần thưởng xứng đáng.

Chờ không được, 2 người đã viết thư hỏi về số phận của nó, trong thư có dẫn chứng từ luật “Sáng chế liên bang” là tác giả có thể có quyền bán phát minh của mình ra nước ngoài. Các thẩm phán, dựa vào tố giác của Abba đi đến kết luận rằng họ đã liên hệ với gián điệp ngoại quốc để bán phát minh đó.

Thứ hai, KGB buộc tội Altshuller và Shapiro mưu toan vượt biên bằng cách lặn qua biển Caspia. Lý do - họ đã sáng chế ra cách lấy oxy từ nước biển và bộ quần áo bảo vệ cho những người lính cứu hỏa. Hai người nhận được tiền thưởng cho sáng chế thứ hai khi đã ở trong tù.

Hiển nhiên là các quan tòa cũng có năng lực “sáng tạo”. Họ đã liên kết hai phát minh, chế tạo oxy từ nước biển và bộ quần bảo vệ có thể thay bộ áo lặn, thành mục đích chuẩn bị vượt biên bằng đường biển. Họ đã phớt lờ đi rằng oxy chế tạo ra chỉ đủ dùng trong 15 phút.

Thứ ba, KGB buộc tội hai nhà khoa học trẻ đã “tuyên truyền phản đối chính quyền”. Chứng cớ là tất cả các cuộc nói chuyện mà Abba đã ghi lại, nội dung cho thấy Altshuller cùng Shapiro và những phần tử đặc biệt nguy hiểm chống chính quyền.

Thứ tư, KGB buộc tội Altshuller và Shapiro đã thành lập các “tổ chức chống chính quyền”. Mặc dù, ba người (trong đó có cả người tố giác),  cũng không thể tạo thành một tập thể hay bất cứ một tổ chức nào. Nhưng tất cả các tổ chức đều chỉ bắt đầu từ vài người, sau đó mới phát triển và phá hoại quốc gia.

Thứ năm, KGB buộc tội họ đã tàng trữ vũ khí trái phép. ở điểm này thì Altshuller đã thừa nhận mình có tội. Trong thời gian ngắn đến chơi tại trường trung học mùa hè, nơi ông có một người bạn là bộ đội, bạn đã tặng Altshuller một khẩu súng lục, không có đạn.

Sau đó, người bạn đã hy sinh trong một chuyến bay tập. Sau chiến tranh đã có lệnh thu hồi tất cả vũ khí, nhưng Altshuller đã không chấp hành vì muốn giữ khẩu súng làm vật kỷ niệm để nhớ về một người thân.

Đấy là cả đống những lời buộc tội đổ xuống đầu hai người trẻ tuổi, những người ngày hôm qua dù có trí tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không thể nghĩ ra được những điều phi lý và mù quáng như vậy. Trên mọi phương diện, họ là những công dân trung thành. Tất cả những gì họ sáng chế ra cũng chỉ là để phục vụ đất nước mình. Vậy mà, bỗng nhiên họ trở thành kẻ thù của Tổ quốc.

Kịch bản của KGB lần này được dàn dựng một cách xuất sắc. Dưới danh nghĩa là nhân chứng, những người có mặt trong tất cả các cuộc nói chuyện trước đều xuất hiện.

Mỗi người được chuẩn bị một kịch bản riêng với một mục tiêu nhất định. Những người chủ nhà nơi diễn ra các buổi gặp mặt cũng bị hỏi cung. Thậm chí, cả chị ruột của Altshuller cũng bị đe dọa và bị đưa ra làm nhân chứng.

Bố của Altshuller mất trước khi xảy ra tấn thảm kịch này. Người yêu của Altshuller (cô gái đẹp nhất Baku ngày ấy), là nhân chứng thứ hai, sau Abba. KGB đã ra lệnh cô phải đến Tbilisi. Lúc đó, Altshuller được coi là người của quân đội, nên “vụ án” của ông do viện công tố vùng Kavkaz đóng ở Tbilisi xét xử.

Trong toa tầu cùng với cô gái đi đến Tbilisi có một phụ nữ trung niên. Bà ta kể với cô rằng, qua cửa sổ toa tầu, đã nhìn thấy bố mẹ cô vừa bị giải đi vừa khóc. Cảnh tượng thương tâm đến nỗi trái tim bà ta đã thắt lại. Chắc là đã xảy ra điều gì đó đau lòng thật. Cô gái đã không kìm được nước mắt khi nghe câu chuyện mà người phụ nữ kể.

Suốt dọc đường, cô Pasha (tên người đàn bà đó tự giới thiệu) đã an ủi và cho cô gái những lời khuyên cần phải xử sự như thế nào, điều gì cần nói, điều gì không. (Vài năm sau, trước cửa tòa nhà KGB tại Baku, cô gái nhìn thấy “cô Pasha” trong bộ quân phục thiếu tá, cô gọi, nhưng người phụ nữ đã rảo bước vào trong tòa nhà).

Vụ điều tra được tiến hành bằng các phương thức tinh tế đã được mô tả kỹ trong nhiều tác phẩm văn học sau này. Cả Altshuller và Shapiro đều từ chối ký vào bản buộc tội, mặc dù họ không một lần nhìn thấy nhau. Họ được chuyển đến Moskva và bị giam giữ ở các trại giam Lubyaka, Butyrka, Lefortovo. Những dự thẩm viên và các phương thức hỏi cung liên tục thay đổi.

Dự thẩm viên, đại tá Chernov, người sau này được mô tả trong truyện “Cuộc phiêu lưu của một người Mỹ ở Nga”. Ông đại tá đe dọa và nói rằng tất cả những người bị ông hỏi cung đều ký vào bản buộc tội.

Rằng ông ta đã được thưởng huân chương vì vụ án Leningrad(2) nổi tiếng và hiện đã chuẩn bị xong tập hồ sơ để buộc tội I. Irenburga(3), và dường như họ chỉ còn chờ quyết định của Stalin. Đối với một con “chuột nhỏ” như Altshuller thì chả phải là một vấn đề khó.

Một dự thẩm viên khác thì giải thích rằng, quan điểm của Altshuller không phù hợp với quan điểm của chính quyền, một người như ông có thể trở nên nguy hiểm khi chiến tranh xảy ra. Altshuller sẽ còn phải ngồi mãi trong xà lim đơn nếu ông không chịu ký vào bản buộc tội, giống như một hoàng tử Nhật cũng đã bị giam giữ ở đây rất lâu.

Nếu như Altshuller ký thì lập tức sẽ được chuyển sang trại tập trung. ở đó có mọi người và có công việc. ở đó có cuộc sống. Người dự thẩm viên này thường xuyên gọi Altshuller lên khi có các trận tường thuật bóng đá, họ cùng nhau nghe diễn biến trận đấu thay cho cuộc hỏi cung.

Đôi khi, ông ta còn thết Altshuller một món nào đấy do ông đem từ nhà đến và cùng nhau bàn luận về một đề tài thú vị. Altshuller là một người rất nguyên tắc, nhưng tin rằng Stalin không còn sống được bao lâu nữa. Altshuller quyết định chờ sự thay đổi trong trại tập trung và đồng ý “kết thúc” vụ án.

Người dự thẩm viên cho phép Altshuller tự viết bản buộc tội, và ông đã viết trên cơ sở cân nhắc tới những sự thay đổi trong tương lai. Ông ta hứa sẽ thu xếp một bản án không quá “15” năm và chỉ sửa sơ qua những gì Altshuller đã viết. Sau mấy tháng thật khủng khiếp trong xà lim đơn, Altshuller “thú nhận” tội lỗi của mình.

Altshuller được chuyển sang phòng giam hai người. Người thứ hai cũng là một tù nhân đáng thương như ông, cuối cùng thì sau bao nhiêu tháng phải im lặng, họ đã có người để nói chuyện. Vài ngày sau, Altshuller được dẫn đến phòng có một thiếu tá công an đã ngồi chờ sẵn.

Ông ta hỏi họ tên người được dẫn đến, thò tay vào cặp tìm tờ giấy cần thiết và đưa nó cho Altshuller đọc. Đó là bản án 25 năm tù. Đâu rồi lời hứa “nhiều nhất là 15 năm”? Đọc xong, họ giải luôn Altshuller sang phòng đợi, người khác được gọi vào. Không hề có tòa án, công tố viên và luật sư.

Nhân viên trong tù mang đến cho Altshuller đồ đạc của mình có kèm theo một hộp mứt, quà của người bị giam cùng với ông. Nhìn thấy nó ông đã chảy nước mắt. Họ không còn gặp thêm nhau lần nào nữa.

Trong bao nhiêu tháng liền, sống trong sự phản bội, vu khống, lừa dối và vô cảm, xuất hiện một chút ấm áp tình người. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho Altshuller niềm tin vào con người.

Trong thời gian này tại Baku, mẹ của Altshuller, người rất tự hào về đứa con tài giỏi của mình, sau khi nhận được tin con trai bị kết tội 25 năm tù mà không có khả năng được giảm án, bà không thể chịu đựng được đã nhẩy từ tầng hai xuống tự tử. Altshuller mãi sau mới biết tin này.

Cuộc sống của Altshuller ở trại tập trung, bắt đầu bằng việc ông bị  gọi lên gặp giám đốc trại. Ông này thuyết phục Altshuller làm chỉ điểm. Altshuller kiên quyết từ chối. Để trừng phạt, ông bị đưa vào giam trong ngục tối. Sau đó, Altshuller đến làm việc ở mỏ than.

Vì tội đòi được làm việc phù hợp với trình độ của mình, ông lại bị đưa về ngục tối. Sự việc cứ lặp đi  lặp lại. Ngục tối và công việc lao động chân tay. Cuối cùng, Altshuller được điều đến bộ phận điều hành sản xuất than.

Ông làm người giúp việc cho người trông thư viện mới – một nhà thơ Do Thái – Tad. Tội của nhà thơ là đã theo “chủ nghĩa dân tộc” Do Thái. Altshuller dạy Tad những kiến thức cơ bản về ngành khai khoáng. Mặc dù thư viện rất nghèo nàn và toàn sách về chuyên ngành khai khoáng, nhưng ông cảm thấy như được về đúng vị trí của mình. Và Ted cũng rất hài lòng về người giúp việc mới.

- Bây giờ tôi hiểu rằng, dân tộc Do Thái không bao giờ có thể bị diệt vong trong cuộc đấu tranh sinh tồn, nếu như ông già Ted, người chịu bản án 15 năm tù, vẫn rất hăng say nghiên cứu chuyên ngành khai khoáng, thì không có gì phải lo cho dân tộc Do Thái cả.

Trong thời gian này, Altshuller tự học toán học cao cấp. Ông tin rằng, sẽ có một lúc nào đó ông sẽ học nốt chương trình đại học. Nhưng ông cũng chỉ học đến phép tính tích phân thì dừng lại. Điều kiện trong trại tập trung không cho phép ông học toán.

Altshuller nhớ lại, thời gian trong tù, có một người tù nhân, trước kia là lãnh đạo mỏ than, ông này nghe tới từ tích phân thì biến đổi nét mặt. Ông kể với Altshuller rằng, trên cử xuống cho ông một kỹ sư trẻ. Người kỹ sư này, đã dùng phép tính tích phân để tính thiết kế vòm hầm mỏ. Mái vòm sập và lãnh đạo phải đi tù 15 năm vì tội phá hoại.

Đáng tiếc là Altshuller không được rơi vào chỗ toàn những chuyên gia-giáo sư, phó giáo sư, kỹ sư, những người được tập hợp lại để thực hiện một dự án nào đó, như trường hợp của Shapiro. Nếu lọt vào môi trường này, thì chắc chắn ông đã có thể tiếp thu được đầy đủ kiến thức cần thiết để khi ra tù có thể dễ dàng nhận được tấm bằng kỹ sư, giống như Shapiro.

Khi đó, Altshuller nhìn thấy tương lai của mình trong văn học viễn tưởng.

(1) Viết tắt từ tiếng Nga.

(2) Vụ án chính trị nổi  tiếng  ở Liên Xô (cuối những năm 40 đầu những năm 50)

(3) Nhà thơ, nhà văn và nhà chính luận nổi tiếng thế giới của Nga. Tác giả tiểu thuyết “Bão táp” đã được dịch sang tiếng Việt

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.