Bất cập ngành thức ăn chăn nuôi - Kỳ cuối:

Cuộc chơi không cân sức

Sẽ trồng ngô biến đổi gen để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi
Sẽ trồng ngô biến đổi gen để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi
TP - “Miếng bánh” ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước đang là “cuộc chơi” thống lĩnh của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với thị phần trên 60%. DN nội số ít vươn lên nhờ có “gốc”, còn lại ngụp lặn trong ao làng, chia nhau “miếng nhỏ”.

Ngoại khống chế

Theo các DN TACN, việc các DN FDI thống lĩnh thị phần TACN trong nước, sẽ dẫn đến hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Cty CP Thanh Bình cho hay, tình trạng thống lĩnh trên sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao.

“Giá gà, heo tốt thì người nuôi không lỗ, nhưng xuống là lỗ ngay. Người chăn nuôi ở khu vực phía Nam nhiều người đã tự trộn thức ăn. Thời gian tới, xu hướng người chăn nuôi chuyên nghiệp họ sẽ không mua cám nữa, họ tự trộn lấy, giống như cơm nhà như cơm tiệm. Muốn ăn cơm rẻ, an toàn thì tự làm lấy chứ, cơm tiệm mãi chịu sao nổi. Đây cũng là sức ép với các DN cám trong nước cũng DN ngoại”, ông nói.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cảnh báo về hệ thống nuôi gia công, bắt nguồn từ mô hình của các DN FDI áp dụng ở nước ta. 

Theo ông, chăn nuôi lợn, nếu tính đúng quy định về vệ sinh môi trường, vấn đề xử lý nước thải thì phải chiếm đến 10%. “Người dân nuôi phải tự xây dựng chuồng trại, và tự chịu về môi trường. Các công ty không phải chịu phí này vậy nên họ đã lãi được số tiền lớn”- ông Chinh nói.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho hay, nuôi gia công lợn, đáng lo hơn nhiều so với gà. Ngoài vốn lại được vay với lãi suất thấp, họ còn không mất chi phí về bao bì. Chẳng hạn, Cty CP ký hợp đồng gia công với người dân nuôi 2.000 con lợn. 

Hàng tháng, họ chở cám bằng xe téc xuống đổ thẳng cho người dân, không cần bao bì. Khi cơ quan chức năng hỏi đến thì trả lời, đây là mô hình gia công của tôi. Thậm chí với thuốc kháng sinh mới đưa xuống cho trại tiêm, không cho cơ quan quản lý biết.

Còn ông Lê Quang Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP TACN Thái Dương cảnh báo, lo nhất là Trung Quốc hiện đã thọc rất sâu vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi, TACN. Hiện, các Cty trong lĩnh vực nông nghiệp của Trung Quốc có mặt ở Việt Nam rất đông, và gần như thống trị. Ngay cả Cty CP cũng thuộc về Trung Quốc. 

Trong khi đó, trong lĩnh vực thịt lợn Cty CP chiếm đến 50%, gà công nghiệp chiếm gần như 80%, thức ăn chiếm khoảng 20%. Do hầu hết các trang trại chăn nuôi bị DN ngoại khống chế ở lĩnh vực thức ăn nên đến một lúc nào đó, sợ rằng người Việt Nam không có thịt mà ăn.

“Trung Quốc có lúc mua giá rất cao, chúng ta bán hết cho họ. Có lúc họ làm cho ế ẩm. Họ thao túng cả hai, người sản xuất và người tiêu dùng. Thực tế, nhiều lúc người chăn nuôi được bán giá cao, nhưng chẳng được bao nhiêu. Còn người tiêu dùng lại mất rất nhiều, vì sau đó họ bơm sản phẩm Trung Quốc sang. Khi họ mua giá thấp, thì nông dân mình chết”, ông Thành nói.

Bỏ hoang vùng nguyên liệu?

Dù là nước nông nghiệp nhưng đến nay, sau nhiều lần dự thảo, xây dựng đề án, gần như chưa có một khoảnh đất nào được quy hoạch dành để trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho rằng, nguyên liệu TACN trong nước thiếu là do sai lầm trong hoạch định chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam, không đề cập đến vấn đề thức ăn. Trong khi đó, quỹ đất cho chăn nuôi cũng không có vậy làm sao có thể nói đến việc phát triển chăn nuôi bền vững cũng như có lương thực để phát triển ngành. 

“Người ta chỉ nghĩ đến việc dùng thức ăn tận dụng là sai lầm về mặt chiến lược. Đây là một điểm đặc biệt. Và chưa có nước nào làm như thế”- ông Lịch nhấn mạnh.

Theo GS - Viện sỹ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, nước ta có hơn 1 triệu ha trồng ngô, nhưng năng suất chỉ khoảng 4,3 tấn/ha. Năng suất thấp, tổ chức sản xuất kém nên giá thành cao. 

Lý do này xuất phát do quy hoạch không chuẩn xác, tổ chức sản xuất kém, chính sách đầu tư chưa đến nơi đến chốn. Giống ngô của Việt Nam cũng có giống đạt 7-8 tấn/ha, thậm chí hơn, nhưng vùng quy hoạch chưa chính xác, nên năng suất thấp.

Ngay với đậu tương, một năm Việt Nam có khoảng 200 nghìn ha, năng suất khoảng 1,5 tấn/ha. Việt Nam cũng có thể trồng đậu tương vào vụ đông, hè, vụ xuân và có thể trồng xen với các loại cây khác hoặc luân canh.

“Có thể nhìn đơn giản thế này, nhà máy của DN FDI, phần nhà xưởng to, văn phòng nhỏ, còn DN nội ngược lại, văn phòng to, nhà máy nhỏ. Tổng giám đốc của họ đi xe chưa đến tỷ, mình đi xe 3-5 tỷ đồng. DN ngoại chưa làm nhà máy, họ đã đi bán hàng rồi, còn mình làm xong nhà máy thì mới chạy đi bán hàng. Cái này, DN nội phải tự vươn lên thôi, không có cách nào bằng việc đi bằng đôi chân của mình”.

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Cty CP Thanh Bình.

Nhưng người ta vẫn xem đậu tương như một đứa con nuôi, là một cây trồng phụ và không có vùng quy hoạch cho nó. Ở đồng bằng sông Hồng, chủ yếu là trồng vụ đậu tương vào mùa đông, và cũng chỉ là trồng thêm.

Như vậy, vấn đề chính, không phải Việt Nam không có giống đậu tương để trồng, mà do tổ chức sản xuất kém, không có chương trình ưu tiên, ưu đãi cho ngô cũng như đậu tương. Vì vậy, vấn đề đậu tương, ngô cứ nói đi, nói lại, chưa giải quyết được. Hơn nữa, dù là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam chưa có đề tài, dự án nào mang tầm chiến lược quốc gia hay đầu tư thích đáng về trồng đậu tương. Đây là lỗi do chính sách của nhà nước, không phải do giống hay kỹ thuật.

Sớm trồng ngô biến đổi gen?

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi cho biết, hiện diện tích ngô của nước ta chỉ khoảng 1,1 triệu ha. Tuy nhiên, hầu hết ngô đều do dân tự trồng, và gần như diện tích đất trồng ngô không thể tăng lên được. Muốn tăng phải xén vào đất lúa. Cùng đó, muốn đẩy năng suất lên cao thì phải thay đổi giống.

Hiện Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ xin chuyển trên 110 nghìn ha lúa kém hiệu quả ở đồng bằng sông Cửu Long sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Đến năm 2020, dự kiến 300 nghìn ha trên cả nước và chia ra ở các vùng, và trong đó ngô, đậu, cỏ, thậm chí cả thủy sản đều nhìn vào số diện tích chuyển đổi đó.

Tuy nhiên, ông Tống Xuân Chinh lo ngại, nếu chuyển đổi khoảng 20% diện tích đang trồng ngô thường, sang giống ngô biến đổi gen, lượng vốn đầu tư ban đầu vào hạt giống rất lớn, do phải mua giống từ các Cty đa quốc gia. 

“Như vậy, người dân rất khó trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư. Ví dụ, cấy 1 ha lúa chỉ cần vài trăm nghìn tiền giống, nhưng trồng 1 ha ngô biến đổi gen phải đầu tư vài trăm triệu. Chính vì thế, dù ngô biến đổi gen cho năng suất cao nhưng nông dân cũng chưa thể làm ngay được”- ông Chinh phân tích.

Vấn đề khác, theo GS Viện sĩ Trần Đình Long, khoa học thì chỉ đưa ra giống mới, kỹ thuật. Còn tổ chức nông dân làm như thế nào thì phải toàn diện, chứ làm một hai sào đậu tương thì không ai làm, người ta đi nhặt đồng nát còn lãi hơn. Nhưng vấn đề mỗi năm bỏ hoang hàng trăm ha đậu tương đông và phải móc túi hàng tỷ USD để nhập khẩu TACN lại là chuyện khác.

Kỳ 1: Tiền nhập nguyên liệu cao hơn xuất khẩu gạo

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).