Cuộc chiến wolfram: Hệ sinh thái sẽ bị giết

TP - Việc cho phép chuyển đổi trên 1.600 ha rừng đặc dụng thuộc VQG Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, Kon Tum) sang rừng sản xuất, mở lối cho doanh nghiệp khai thác wolfram sẽ giết hệ sinh thái của VQG này.

>> Vạch áo cho người xem lưng?

Ông Nguyễn Bá Thụ

Ông Nguyễn Bá Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Vườn Quốc gia (VQG) và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, nguyên Cục trưởng Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Ông Thụ nói: “Nước ta hiện có 30 VQG, với diện tích hơn 1 triệu ha. Nhưng nay cắt một miếng; mai, kia lấy một miếng; xén chỗ này, chỗ kia, thì không biết mai sau con cháu còn lại gì. VQG Chư Mom Ray hiện được cơ quan chức năng xem xét, bàn bạc với Lào, để kết hợp với một VQG bên Lào tạo thành Khu bảo tồn (KBT) liên biên giới. VQG Chư Mom Ray rất giàu có về động thực vật, là nơi đa dạng sinh học số một ở VN.

Thưa ông, việc khai thác quặng trong VQG Chư Mom Ray sẽ ảnh hưởng thế nào đến hệ sinh thái chung của vườn?

Nếu có công trường khai thác mỏ thì hậu quả sẽ khôn lường. Bởi khi đó sẽ có hàng trăm, hàng nghìn người đến, đồng thời đẻ ra nhu cầu về thịt thú rừng rất cao. Lúc đó, Ban quản lý VQG không tài nào quản lý nổi việc săn, bắn trộm động vật hoang dã. Lúc đó, hàng trăm máy móc, ô tô chạy rầm rầm cả ngày, thì không có động vật nào còn dám mò tới đó, và buộc nó phải chạy xa vườn, có thể chạy sang Lào.

Cùng đó, họ sẽ phải triệt hạ gỗ, bóc lớp vỏ đất để lấy quặng. Như thế sẽ gây ô nhiễm các dòng suối, lũ bùn, lũ quét sẽ kéo tới. Nếu sử dụng hóa chất để lọc quặng wolfram sẽ giết chết sinh vật, hệ sinh thái của rừng.

Nhưng theo lãnh đạo tỉnh Kon Tum, việc khai thác wolfram trong VQG là để góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà?

Khai thác quặng trong VQG là mới chỉ tính tới lợi ích trước mắt, thu được ít tiền. Nhưng với số tiền thu được đó thì không thể làm lại được hệ sinh thái nguyên sinh như ở Chư Mom Ray hiện nay.

Nguồn lợi này chỉ như việc giải quyết cái đói trước mắt, nhưng khi đói mà không biết giữ gìn cho tương lai thì chẳng bao giờ no được.

Khi ra các quyết định liên quan đến các VQG, khu bảo tồn thì phải nghiên cứu kỹ và phải thận trọng. Vì đã là khu bảo tồn  thì đó là một chỉnh thể bao gồm cả động thực vật, không khí, vỏ đất và cả các thứ trong lòng đất, kể cả quặng thì cũng thuộc bảo tồn. Mà đã là bảo tồn thì không được lấy ra, khai thác. Không chỉ quặng wolfram, mà ngay cả trong lòng khu bảo tồn có của cải, vàng bạc chôn ở dưới thì cũng không được đào bới.

Cứ hở ra lại nhăm nhe, thấy có cái gì có giá trị là cắt ra khai thác, vì vài đồng bạc trước mắt là không ổn. Trong dự án khai thác wolfram này, cùng lắm doanh nghiệp chỉ đền bù được cây, còn giá trị về cải tạo môi trường, nước ngầm, hệ sinh thái tự nhiên, làm sao tính toán đền bù được. Tôi nghĩ, những người quản lý, điều hành mà không nhìn nhận được điều đó thì quả thật thiếu sót, nhận thức không đầy đủ về bảo tồn.

Ông thấy công tác quản lý, bảo tồn nhiều VQG và các KBT hiện nay ra sao?

Có một chuyện đáng buồn là ở các VQG, hễ có mỏ, có tài nguyên có giá trị, là có quyết định chặt, đào, khai thác. Mà đã dành diện tích cho bảo tồn rồi thì đừng nên nghĩ đến cái khác. Nhăm nhăm ăn cái mỏ, con thú với dòng nước trong đó thì còn gì là bảo tồn, chẳng khác nào một tay thì trồng cây, tay kia thì chặt.

Quyết định của các cấp lãnh đạo rất quan trọng. Những nhà khoa học làm bảo tồn thì luôn muốn bảo tồn, nhà làm kinh tế thì muốn tìm chỗ nhiều tiền để đào, bới; những người muốn làm đường cho nhanh thì muốn xuyên qua VQG. Bởi vậy, lãnh đạo mà chưa phân tích, lắng nghe phải trái đã quyết định thì rất đáng tiếc.

Bảo tồn ở tầm vĩ mô quan trọng bằng nghìn lần vi mô. Bắt người dân chặt từng cây gỗ, nhưng không dừng được việc lãnh đạo các cấp có quyết định chặt đi cả nghìn hécta rừng là có lỗi lớn.

Theo Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội (Điều 2), dự án đầu tư sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 200 ha trở lên, đất rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; đất rừng đặc dụng từ 200 ha trở lên, trừ đất rừng là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; đất rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên, cần được Quốc hội xem xét quyết định.

Dự án này chuyển đổi tới 1.686 ha rừng.

Phạm Anh
(Thực hiện)