Cuộc chiến thị phần nhạc online bắt đầu?

Nhạc online đang ngày càng thu hút người nghe. Nguồn- ZingVN.
Nhạc online đang ngày càng thu hút người nghe. Nguồn- ZingVN.
TP - Trong khi những trang nghe nhạc online miễn phí, nghe nhạc lậu nở rộ ở Việt Nam thì mới đây, trang nghe nhạc online Spotify đặt chân đến Việt Nam. Sự xuất hiện của trang nghe nhạc hàng đầu thế giới này cho thấy “miếng bánh” nhạc online ở Việt Nam đang béo bở?

Quen nghe nhạc miễn phí

Internet xuất hiện ở Việt Nam cũng đồng nghĩa là lúc các trang web nghe nhạc trực tuyến xuất hiện. Đây cũng là thời điểm hầu hết các trang web nhạc online đều phục vụ người nghe miễn phí.

Do Luật bản quyền còn chưa chặt chẽ nên các trang nhạc lậu đó cứ mặc sức tung hoành, càng nhiều người nghe nhạc miễn phí, chủ trang càng thu lợi nhuận thông qua quảng cáo. Tuy nhiên, sau khi Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật có hiệu lực tại Việt Nam và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ra đời, việc nghe nhạc miễn phí đã được đặt lên bàn cân để xem xét.

Năm 2007, trang nghe nhạc trực tuyến Zing MP3 ra đời với sự bài bản và chuyên nghiệp đã đánh dấu cho sự định hướng đúng đắn và lâu dài của nhạc online tại Việt Nam. Nhưng với xu thế nghe nhạc online miễn phí của người tiêu dùng, Zing MP3 cũng đã có một thời gian dài phải chấp nhận “ nương tay” theo xu thế trước khi có được lượng khách hàng chấp nhận trả tiền để nghe nhạc. Hiện nay, Zing MP3 đã trở thành trang nghe nhạc trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam với thị phần chiếm đến gần 50%. Tuy nhiên thống kê của Zing MP3 cho thấy lượng lớn khách nghe nhạc online hiện nay vẫn thuộc thành phần nghe miễn phí.

Về phần còn lại, những trang nghe nhạc có tiếng tăm như nhaccuatui, nghenhac, nhacvui... tuy có phần nghe nhạc thu tiền nhưng lượng khách hàng vẫn khá ít ỏi. Theo đánh giá của ông Nhan Thế Luân - Tổng giám đốc trang nghe nhạc trực tuyến nhaccuatui thì tại Việt Nam,  không nhiều người nghe chịu trả tiền để nghe nhạc trực tuyến, dù đó là nhạc chất lượng cao. Điều này khiến các nhà quản lý các trang nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam phải tìm nguồn doanh thu từ nhiều thứ khác chứ không thể trông chờ vào túi tiền của khách hàng. Đó là chưa kể, hàng trăm trang nghe nhạc lậu vẫn tồn tại, thách thức sự quản lý và giành giật một số lượng khách nghe nhạc trực tuyến đáng kể.

Cạnh tranh

Trong bối cảnh thị phần nghe nhạc trực tuyến Việt Nam vẫn còn khá ảm đạm giữa tháng 3 vừa qua, trang nghe nhạc trực tuyến nổi tiếng thế giới Spotify đã chính thức có mặt tại Việt Nam. Theo đánh giá của bà Sunita Kaur - Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Spotify, thị trường nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam chưa lớn, nhưng lại rất có tiềm năng. 

Đặc biệt, để thu hút người nghe, Spotify đưa 2 hình thức bao gồm nghe miễn phí và nghe trả tiền. Sự khác biệt giữa 2 hình thức này là người nghe miễn phí phải chấp nhận nghe thêm phần quảng cáo còn nếu trả tiền thì được nghe “nhạc sạch”, được thêm phần nghe offline. Và Spotify đảm bảo chất lượng âm nhạc giữa miễn phí và trả tiền không khác gì nhau. Đây là khác biệt so với Zing MP3 khi người nghe nhạc miễn phí chỉ được nghe nhạc ở mức 128Kbps còn nếu trả tiền thì mới được nghe nhạc ở chất lượng cao hơn với 320Kbps.  

Theo bà Sunita Kaur  để thay đổi thói quen nghe nhạc miễn phí tại Việt Nam là chuyện  không phải một sớm một chiều. Chính vì thế, Spotify đã hướng tới việc chống lại thói quen sử dụng âm nhạc không bản quyền tại Việt Nam. “Chúng tôi muốn đảm bảo mang đến một sân chơi âm nhạc vừa an toàn vừa hợp pháp cho những người yêu nhạc ở Việt Nam. Đó là lý do mà chúng tôi đưa ra 2 lựa chọn”- bà Sunita Kaur nói và cho biết, về vấn đề bản quyền, chúng tôi cũng làm việc với tất cả nghệ sĩ để đảm bảo rằng họ được trả tác quyền. Chúng tôi nhận thấy nền kinh tế âm nhạc ngày một phát triển và đó là điều mà chúng tôi muốn hướng đến Việt Nam.

Theo các chuyên gia, “ông lớn” Spotify vào Việt Nam sẽ khiến cho thị trường  âm nhạc online sôi động hơn bởi sự cạnh tranh sẽ thêm phần kịch tính. Nền tảng mà Spotify có được như kho nhạc với trên 35 triệu ca khúc có bản quyền đầy đủ và có tới 159 triệu người nghe trên toàn cầu cùng nền tảng ứng dụng phong phú và rất thân thiện với người nghe, Spotify đủ sức cạnh tranh với cả Zing MP3 - “Anh cả” thị phần nhạc trực tuyến tại Việt Nam. Đáng ngại là, với mức giá đưa ra 59 ngàn/tháng cho mỗi thuê bao (so với Zing MP3 chỉ là 30 ngàn/tháng) xem ra Spotify bất lợi hơn. Bên cạnh đó với hơn 10 năm hoạt động, Zing MP3 đã “gầy dựng” được một lượng người nghe ổn định, quy tụ được một đội ngũ ca sỹ, nhạc sỹ cùng những nhà sản xuất đông đảo. Họ sẽ trung thành với Zing MP3 nếu như Spotify không có những đột phá mạnh mẽ hơn.

Theo đại diện của tổ chức The Point Consulting Group, trung bình khách hàng chấp nhận trả tiền để nghe nhạc online trên thế giới có tỷ lệ khoảng 45% so với tổng lượng khách hàng. Nhưng ở Việt Nam con số này chưa tới 10%. Điều này cho thấy để giành được “miếng bánh” của thị phần nhạc online các trang nghe nhạc còn phải nỗ lực thêm rất nhiều để thay đổi thói quen nghe nhạc, kinh doanh nhạc “chùa” tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG