“Cuộc chiến” Sơn Trà

TP - Gọi là cuộc chiến có lẽ cũng không ngoa bởi các tranh cãi giữa hai phe “chủ chiến” và “chủ hòa” được báo chí mô tả là “gay gắt”, “nảy lửa”. 

Phe chủ chiến, tức là muốn thay đổi nguyên trạng bán đảo Sơn Trà chắc chắn là những công ty đang và sẽ muốn đầu tư xây dựng công trình phục vụ du lịch. Đồng hành với họ là chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, vì họ cấp phép cho các dự án. Phe chủ hòa là Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và nhiều “công dân mạng” được nói là “yêu Đà Nẵng”.

Cuộc tranh cãi này đang đặt ra cho chính quyền cấp cao  một bài toán khá hóc búa. Nếu nghiêng về phe “chủ chiến” thì sẽ bị nói là “hợp thức hóa” cho các công trình vi phạm, tàn phá môi trường. Nhưng nếu gật đầu với phe chủ hòa thì liệu có phải là quyết định khôn ngoan nhất hay không? Liệu đằng sau những lời kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ loài voọc, “chiến đấu đến cùng vì Sơn Trà” có ẩn chứa những động cơ vì lợi ích nhóm nào đó? Và nếu cái gì cũng “giữ nguyên hiện trạng” thì liệu có phải chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế, tận dụng các nguồn tài nguyên để phát triển?

Những xung đột này là tất yếu trong mọi quá trình phát triển. Chính vì thế, cuộc tranh cãi này là cần thiết và cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận nghiêm túc và đầy đủ vấn đề của bán đảo Sơn Trà, cũng là một “case study”, một ví dụ thực tiễn làm hình mẫu cho nhiều bài toán phát triển khác.

Bảo vệ môi trường, bảo vệ loài voọc là hoàn toàn đúng đắn và tận dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế một cách bền vững là đòi hỏi của cuộc sống. Cân bằng các yếu tố này chính là bài toán đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách. Không thể “giữ nguyên hiện trạng”, cũng không thể xây dựng ồ ạt, phá vỡ môi trường, cảnh quan. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm cách khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan của Sơn Trà một cách bền vững nhất. Đó là vừa đảm bảo môi trường, sinh cảnh của các loài vật, vừa dựa vào các yếu tố này để phát triển du lịch. Muốn vậy, quy hoạch du lịch của Sơn Trà phải lấy yếu tố này làm sợi chỉ xuyên suốt, bởi chúng ta đã có nhiều ví dụ về cái giá trong việc đánh đổi môi trường với kinh tế lớn đến mức nào.

Và một việc quan trọng là cần tách bạch các vấn đề. Không thể “giữ nguyên hiện trạng”, nhưng cũng không vì phát triển kinh tế hay lợi ích nhóm mà sửa đổi các quy hoạch  chỉ để hợp pháp hóa cho các vi phạm. Mọi vi phạm cần phải được xử lý triệt để, như vậy người dân mới tin.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.