Cuộc chiến mới trên thị trường xe công nghệ

Sau sự ra đi của Uber, cuộc chiến xe công nghệ lại đang nóng lên với sự góp mặt của các “tân binh”, hứa hẹn có phần cam go hơn cuộc chiến Grab – Uber ngày xưa với các đối thủ đa dạng hơn với đủ chiêu thức tiếp thị và quản trị.

Hút khách bằng tuyệt chiêu “cho không” 

 Gia nhập thị trường có phần ồn ào, FastGo và Go-Việt, hai ứng viên mới sử dụng triệt để công thức được xem là “tuyệt chiêu” với thị trường Việt là “cho không” và kêu gọi người dùng và tài xế với khẩu hiệu: “Người Việt dùng ứng dụng Việt. 

Dù thấy khá rõ dấu ấn và sự điều hành của Go-Jeck phía sau Go-Việt, nhưng thương hiệu này dùng chiêu “Người Việt dùng ứng dụng Việt” để đánh vào tâm lý đám đông. Chương trình khuyến mãi đồng giá 5.000 đồng cho các chuyến đi dưới 8km được coi là chiêu tiếp thị không khác gì cho không.

Thực tế, chiêu khuyến mãi “bung nóc” cũng giúp Go-Việt có khá nhiều người dùng thời vụ kiểu “đi cho biết”, “khuyến mãi, tội gì không đi”. Với chương trình nhận cuốc thưởng 25.000 đồng, hang ngàn tài xế cũng tranh thủ đăng ký để “bào khuyến mãi”.

Công thức tiếp thị này tỏ ra khá hiệu quả. Ông  Ông Nadiem Makarim, Giám đốc điều hành Go- Jek cho biết, Go-Viet đã đạt 35% thị phần trong dịch vụ gọi xe hai bánh tại TP HCM và 1,5 triệu lượt tải ứng dụng sau 6 tuần ra mắt. Con số đánh giá mức tăng trưởng có vẻ lý tưởng đến mức…khó tin và dường như đang chỉ là một chiêu mới tiếp thị để hút thêm tài xế và đầu tư. 

Trong khi đó, FastGo một trong các thương hiệu thuộc NextTech Group of Technopreneurs cũng nỗ lực để chứng tỏ doanh nghiệp công nghệ Việt có thể tham gia vào thị trường xe công nghệ. Bằng việc ra mắt đối tác, nhà đầu tư chiến lược mới là quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, FastGo muốn khẳng định vai trò là ứng dụng gọi xe do người Việt phát triển nay đã có nguồn lực trợ giúp, để cạnh tranh với Grab. Tuy nhiên, ngoài chiêu tiếp thị đánh vào tâm lý yêu nước của người Việt và tuyên bố không lấy chiết khấu trên cuốc xe cho đến khi tài xế đạt ngưỡng doanh thu chịu trả phí dùng ứng dụng thì FastGo còn quá mờ nhạt trong hoạt động thực tiễn ngoài thị trường.

Cuộc chiến mới của những “tân binh”.

Trong khi quân đỏ và xanh dương rầm rộ tuyên chiến thì Grab âm thầm thể hiện bản lĩnh của “người khổng lồ”. Mặc cho các đối thủ tự tuyên bố con số, Grab vẫn kiên định không công bố con số cụ thể mà chỉ khẳng định không bị giành mất thị phần.

Trước tuyên bố của đối thủ trong việc thu hút được hàng ngàn tài xế và đầy “tự tin” khẳng định đang chiếm 15% thị phần xe công nghệ, Grab vẫn im lặng, thể hiện sự tự tin của người dẫn đầu thị trường, tập trung triển khai liên tiếp các hoạt động cộng đồng, các chương trình gia tăng trải nghiệm khách hàng trên một nền tảng công nghệ kết nối nhiều loại hình dịch vụ như di chuyển, giao nhận và hướng đến cung cấp các dịch vụ tài chính. 

 
Cuộc chiến mới trên thị trường xe công nghệ ảnh 1 Các đối tác Grab đầy phấn khởi trong “Ngày hội tài xế Grab” – một trong những chương trình thiết thực, chăm lo đời sống cho các đối tác của Grab. 

Đồng thời, nếu để ý kỹ có thế thấy, bước đi của Grab hoàn toàn khác, đó là im lặng âm thầm xây dựng nền tảng, nỗ lực hoàn thiện dịch vụ nhằm duy trì vị trí dẫn đầu. Grab dường như vẫn quyết tâm siết chặt hơn về mặt quản lý để nâng cao chất lượng khi xử lý khoá tài khoản vĩnh viễn với những đối tác vi phạm quy tắc ứng xử của Grab, nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng.

Nếu các “tân binh” không quan trọng việc đối tác chạy 2-3 app thì “kẻ dẫn đầu” lại yêu cầu tài xế chỉ được chạy duy nhất ứng dụng để đảm bảo khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ, xây dựng những quy tắc chặt chẽ hơn nhằm áp dụng cho tài xế hay hủy chuyến, áp tỷ lệ hủy chuyến cho cả hành khách để hạn chế tình trạng lái xe lách phạt, nhờ khách hủy chuyến.

Bên cạnh việc tập trung giữ và nỗ lực hoàn thiện chất lượng mảng vận tải, Grab còn tập trung xây dựng một nền tảng Platform bao gồm nhiều dịch vụ như Grab Financial nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, GrabPay giúp việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên dễ dàng, GrabDaily giúp việc đọc báo, giải trí trở nên thuận tiện hơn.

Thế trận trong cuộc chiến công nghệ dường như đang chỉ ra hai phe khá rõ ràng. Trong khi các “Tân binh” tập trung lôi kéo khách hàng và đối tác thì Grab, thương hiệu đang dẫn đầu trong thị trường ứng dụng đặt xe công nghệ với hơn 135.000 đối tác tài xế lại tỏ ra hết sức im lặng, tập trung vào nền tảng của mình.

Sau hơn 1 tháng ra mắt, chỉ sau hơn 3 tuần thực hiện chính sách đồng giá 5.000 đồng cho các chuyến xe dưới 8km, Go-Việt đã tăng lên 9.000 đồng và hiện tại cũng ngưng áp dụng cho giờ cao điểm. Các tài xế cũng bắt đầu phải tự mua đồng phục thay vì được phát miễn phí. Chương trình nhận cuốc thưởng 25.000 đồng cũng đã kết thúc và chuyển thành “chạy 28 cuốc/ngày nhận thưởng 300.000 đồng”. Cuộc chiến với công thức “cho không” dường như đã bắt đầu chậm lại. 

Phía FastGo, sau gần 3 tháng chính thức hoạt động, ngoài việc ra công bố khoản đầu tư của Vinacapital và con số gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM thì hoạt động vẫn có vẻ đầy im ắng. 
Liệu cuộc chiến giành thị phần của những “Chàng tân binh” và “ông lớn công nghệ” sẽ còn những chiêu hay nào nữa? 

MỚI - NÓNG