Cuộc chiến môi giới cô dâu trên đất Đài

Cuộc chiến môi giới cô dâu trên đất Đài
Ngày 30/7, tờ Liberty Times của Đài Loan đưa tin trang nhất về việc, năm 2004, Đài Loan đạt kỷ lục về số lượng các vụ kết hôn với các cô dâu Việt Nam, vượt qua con số 12.000 cặp.

Báo này so sánh với con số thống kê trung bình một năm, số lượng các cuộc hôn nhân Mỹ - Việt cũng không vượt quá 3.800 cặp.

Lý do người Đài Loan đưa ra lý giải hiện tượng này là: “Hiện tại Pháp lệnh di dân của Đài Loan quá lỏng lẻo, có sức hút hàng vạn cô dâu vùng Đông Nam Á tới Đài Loan tìm cuộc sống mới!”.

Cô dâu Việt Nam đang là nội dung nóng bỏng trên tất cả các diễn đàn, báo chí, hoạt động xã hội trên toàn lãnh thổ Đài Loan.

Phóng viên Tiền Phong đã có hàng trăm cuộc gặp gỡ và phỏng vấn trên đất Đài Loan, tiếp xúc với các cô dâu, các người chồng Đài Loan, các nhà hoạt động xã hội và các “ông trùm” môi giới hôn nhân để có thể nhận diện toàn cảnh một phần cảnh ngộ các cô dâu Việt Nam ở xứ người.

Cuộc chiến môi giới cô dâu trên đất Đài ảnh 1
Quảng cáo môi giới cô dâu Việt Nam là một tờ rao vặt dán trên tường

Từ thị trường cô dâu Việt Nam - cơn sốt chưa hạ nhiệt

Đi qua các con đường lớn nhỏ ở Đài Bắc, Đào Viên, Đài Nam, thậm chí cả ở Phố Ly hẻo lánh, Hoa Liên hiểm trở, người ta có thể dễ dàng đọc được những dòng quảng cáo: “Cô dâu Việt Nam bao trọn gói, về nhà chồng trong vòng 3 tháng, sang Việt Nam cưới chỉ trong 6 ngày, bảo đảm bốn khoản: Còn trinh; 3 tháng mang được cô dâu về nhà; không tăng giá; trong vòng một năm bỏ trốn sẽ đền cô dâu khác! Xin liên hệ số máy 8324xxx”. “Cô dâu Việt Nam 20 vạn tệ, đảm bảo còn trinh, không bỏ trốn!”. 

Thậm chí Trung tâm môi giới Chi Dung (thành phố Đài Bắc) còn quảng cáo giá cả cạnh tranh chỉ có… 18 vạn Đài tệ với hàng trăm bức ảnh cưới cô dâu Việt-chú rể Đài dán kín mặt tiền như để minh chứng và thuyết phục những người đàn ông độc thân quanh vùng.

Với tỉ giá 1 Đài tệ đúng bằng 500 đồng Việt Nam của tuần này, “giá” của một cuộc hôn nhân quốc tế như thế chỉ tương đương 90- 100 triệu đồng, bằng bốn đến năm tháng lương của một người lái taxi trong thành phố hoặc bằng 60-70% chi phí nếu người đàn ông Đài Loan cưới vợ các nước khác.

Theo bà Thái Hiểu Linh, một nhà hoạt động xã hội Đài Bắc, những tấm biển quảng cáo trên không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin mà nó là nỗi sỉ nhục của những người Đài Loan có lương tri, trân trọng giá trị truyền thống.

Đầu năm 2004, thị trưởng thành phố Cao Hùng đã dùng sức mạnh của chính quyền, nghiêm cấm và dỡ bỏ tất cả các biển quảng cáo môi giới hôn nhân ngoại quốc vì lý do “Phản cảm, bôi nhọ hình ảnh một thành phố văn hoá!”.

Tuy nhiên tháng 8/2005, đi từ Đài Nam lên tận cùng phía Bắc Đài Loan, chúng tôi vẫn mục kích những quảng cáo trắng trợn ra giá cho một cô gái Việt với những đảm bảo giao kèo sẽ làm đau đớn bất cứ trái tim người Việt Nam nào!

Các Cty môi giới hôn nhân tại Đài Loan có số đăng ký kinh doanh đàng hoàng và được Viện Hành chính Đài Loan cấp phép hoạt động chính thức. Ngọc Trân, một cô dâu Việt Nam đã sang Đài Loan bảy năm, đang là Hội trưởng Hội đồng hương Việt Nam ở huyện Chương Hoá, một tổ chức do cô tự thành lập để trợ giúp miễn phí chị em lấy chồng Đài Loan.

Cô cho biết rất bức xúc trước những hoạt động quảng cáo, cạnh tranh bằng cách “xuống giá” mỗi cuộc hôn nhân Đài - Việt thành công của các Cty môi giới.

Điều đó làm mất đi sự tôn trọng cần có trong gia đình và làm người phụ nữ bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu: Bị chồng chọn mà không được tự mình có bất kỳ lựa chọn nào! Ngày 2/8/2005, phóng viên Tiền Phong có cơ hội tham gia cuộc hội thảo về vấn đề “Cải thiện quyền thông tin, quyền giáo dục của người di dân tại Đài Loan”, vấn đề môi giới cô dâu Việt Nam lại trở thành vấn đề nóng bỏng nhất.

Khi nhận được câu hỏi phỏng vấn: “Vì sao pháp luật Đài Loan cấm buôn bán trẻ em song lại cho phép ngã giá các bà mẹ của trẻ em? Vì sao có nơi cấm biển quảng cáo cô dâu song lại chấp nhận các doanh nghiệp đăng ký môi giới hôn nhân, các kênh truyền hình môi giới cô dâu Việt?”, Thứ trưởng Bộ Nội chính Đài Loan, bà Trương Ôn Anh cũng cho rằng, trước mắt vấn đề môi giới hôn nhân ngoại tịch đang là vấn đề phức tạp nhiều mặt đang làm đau đầu các nhà chức trách Đài Loan.

Làm thế nào để giải quyết tận gốc rễ các xung đột về kinh tế, văn hoá, môi trường phát triển, quyền lợi và tri thức cho phụ nữ để các cuộc hôn nhân Đài-Việt mang lại hạnh phúc thực sự cho cả người chồng Đài và cô dâu Việt, cũng như nuôi dưỡng một lớp công dân mới, thế hệ thứ hai của các cuộc hôn phối Việt-Đài hiện đang ở tuổi học nhà trẻ và Tiểu học đang là một bài toán nan giải.

Đến cái chết của một người môi giới hôn nhân

Ngày 5/2/2005, chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2005, các báo đài trên toàn Đài Loan đồng loạt đưa tin về cái chết của ông Trần Văn Truyền, một người môi giới hôn nhân tại Bạch Hà (huyện Đài Nam). Ông Trần tự sát bằng khí than trong ngày cuối năm, để lại người vợ Việt Nam khóc gào thảm thiết và đứa con trai 13 tuổi.

Ông Trần cũng để lại một lá thư tuyệt mệnh gồm năm điều đề nghị lên Viện trưởng Viện Hành chính Đài Loan, hy vọng Đài Loan có những cải cách cấp bách nhất trước mắt để cải thiện các vấn đề xã hội nóng bỏng quanh hiện tượng cô dâu Việt Nam.

Ông Trần vốn không xa lạ gì với người Đài Loan bởi có lẽ ông là người môi giới hôn nhân duy nhất ở Đài Loan, tuy đã môi giới hàng trăm cuộc hôn nhân song đều vì “tình nghĩa, quen biết” chứ không se duyên theo kiểu tiền trao cháo múc, lợi nhuận cầm tay.

Năm 2004, phóng viên Tiền Phong đã trực tiếp gặp gỡ và tận mắt chứng kiến các lớp học miễn phí về nấu ăn, học tiếng, chăm sóc trẻ cho cô dâu Việt do ông Trần tổ chức, ông Trần và vợ còn đứng ra tổ chức các lớp giữ trẻ miễn phí để trông nom các cháu, giúp cô dâu Việt có thể đi làm kiếm tiền giúp đỡ cải thiện gia đình.

Ông Trần cũng là người có đóng góp lớn trong việc xây dựng Làng Văn Hoá Việt Nam ở Đài Nam, một địa chỉ nổi tiếng nhất về văn hoá cô dâu Việt tại Đài Loan. Khi ông Trần tự sát, các báo chí Đài Loan đều đồng loạt viết tít lớn, gọi ông là “Người cha của các cô dâu Việt Nam”.

Giới trí thức Đài Loan cho rằng ông Trần tự sát là quá bế tắc, manh động. Còn rất nhiều các ông chủ môi giới hôn nhân ở Đài Loan thì cười lớn và cho rằng, ông Trần quá dại dột: “Người ta môi giới hôn nhân vài năm đã xây nhà lớn nhà bé, mua xe gửi tiền ngân hàng.

Ông Trần “dại dột” chỉ tự rước họa vào thân, không chừng chỉ là một chiêu trốn nợ, thiệt mạng mình mà thôi!”. Thực tế, với lợi nhuận cho phía môi giới Đài Loan ít nhất 3 vạn Đài tệ (15 triệu VNĐ) cho một cuộc hôn nhân Đài - Việt, một chuyến đi sang Việt Nam, một môi giới dẫn theo 3-4 người, hành trình chỉ 5-6 ngày đã thu lợi nhuận xấp xỉ 50-60 triệu VNĐ, việc xây nhà sắm ô tô gửi tiền ngân hàng đối với các môi giới Đài Loan là chuyện nằm trong lòng bàn tay.

Trong các kế hoạch làm việc của ông Trần, ông cho biết, hy vọng lớn nhất của ông là không chỉ mở các lớp học miễn phí trợ giúp cô dâu Việt ở đây, ông mong có cả các lớp học tương tự ở TP HCM để giúp các cô dâu được trang bị tri thức trước khi sang Đài Loan.

Ông cũng hy vọng các cuộc hôn nhân Đài - Việt chỉ được chấp thuận và tác thành khi ít nhất, cô dâu có các chứng chỉ về ngôn ngữ, hiểu biết xã hội, bếp núc, văn hoá tối thiểu, và chú rể cũng phải qua các sát hạch về hiểu biết gia đình vợ, hiểu biết cơ bản về văn hoá Việt, hôn nhân gia đình v.v…

Tuy nhiên, ông Trần đã tìm đến cái chết khi mọi kế hoạch còn đang dang dở. Điều an ủi cuối cùng là người mai mối hôn nhân này luôn được người vợ Việt Nam yêu thương và hỗ trợ trong suốt hơn mười ba năm “làm mối” cho các cuộc hôn nhân trải dài khắp lãnh thổ Đài Loan.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.