> Israel ra tối hậu với Hamas
> Hamas bắn rơi trực thăng Apache, tấn công tàu chiến Israel
Tình thế hiện nay ở Trung Đông gợi lại những sự kiện xảy ra ngay trước dịp Giáng sinh 2008, khi Thủ tướng Israel hồi đó là ông Ehud Olmert phát động một phong trào chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan trên Dải Gaza nhằm ngăn nhóm này tấn công nước mình bằng tên lửa, và rất có thể là nhằm trúng thêm một nhiệm kỳ.
Cuộc bầu cử sắp đến gần, trong khi đối thủ Benjamin Netanyahu đang vượt trội trong các cuộc trưng cầu.
Ông Olmert đã cho thả hơn 1.000 quả bom xuống Gaza và đưa 10.000 quân Israel tiến sát biên giới. Lực lượng này đã mở đường tiến qua các khu vực lều tị nạn, làng mạc và thành phố Gaza. Hơn 1.000 người Palestine nằm chết trên đống đổ nát.
“Chúng tôi đã đạt được các mục tiêu ở Gaza và Hamas đã bị giáng một đòn mạnh”, ông Olmert tuyên bố sau 3 tuần chiến tranh.
Trong khi đó, thủ lĩnh đối lập Netanyahu cho rằng: “Chính phủ tiếp theo sẽ không còn cách nào khác ngoài việc hoàn thành công việc này”.
Cuối cùng, ông Netanyahu trúng cử, với một số khẩu hiệu như “Kiên quyết giữ gìn an ninh” trong chiến dịch vận động. Giờ đây, ông Netanyahu lại phải tranh đấu vì các lá phiếu. Và lần này, trên cương vị Thủ tướng, ông cũng đang phải chống lại lực lượng khủng bố.
Quân đội của ông tấn công vào Gaza từ giữa tuần trước, trong một chiến dịch mang tên Trụ cột quốc phòng.
Mục tiêu của ông Netanyahu là sử dụng vũ lực nhằm đạt được hoà bình trên Dải Gaza mà ông Olmert không thể với tới từ 4 năm trước.
Và có lẽ, hai tháng trước khi cuộc bầu cử được tổ chức, ông Netanyahu cũng đang hy vọng sẽ có được lợi thế nào đó từ cuộc chiến, dù rằng ông vẫn đang chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò dư luận.
Ít nhất, một chiến dịch quân sự ở Gaza cũng khiến mọi người mất tập trung vào nhiều vấn đề nghiêm trọng mà Israel đang phải đối mặt. Tuy nhiên, đó là trò chơi vô cùng nguy hiểm cho toàn bộ Trung Đông.
Tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi đã hứa với Hamas rằng đất nước của ông đang “dùng hết nguồn lực để ngăn chặn cuộc tấn công này, nhằm tránh cho người Palestine chết và đổ máu.
Hầu như những người tham gia cuộc chiến đều xông ra chiến trường vì áp lực ở quê nhà.
Ông Netanyahu không thể bộc lộc điểm yếu trước cuộc bầu cử, Hamas phải bảo vệ danh tiếng khi phải đối đầu những phần tử Hồi giáo cực đoan, và ông Mursi phải tự bảo vệ mình khỏi những chỉ trích từ phong trào Anh em Hồi giáo rằng ông quá mềm yếu trước Israel.
4 năm mới lại dám tấn công
Khi cuộc xung đột bắt đầu, ông Netanyahu nhanh chóng bị giáng một đòn tâm lý nghiêm trọng khi hai quả rocket được phóng vào Tel Aviv tối thứ 5 tuần trước.
Trước đó, người cuối cùng dám tấn công Israel là nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein với hành động trả đũa trong chiến tranh vùng Vịnh ở Kuwait năm 1991 bằng cách ra lệnh phóng tên lửa vào thẳng Tel Aviv.
Và nếu không vì điều linh thiêng liên quan tôn giáo, họ có thể đã bắn cả tên lửa vào Jerusalem trong buổi chiều thứ 6.
Đối với một số người sống trên Dải Gaza nghèo khó, những đợt tấn công đó là biểu tượng của chiến thắng vẻ vang, ngay cả khi những quả rocket trượt mục tiêu.
Lần đầu tiên, họ đã chứng tỏ được rằng họ có vũ khí có khả năng vươn tới hai thành phố chính của Israel. Những tên lửa mà Hamas gọi là M-75 được cho là sản xuất tại Gaza, có tầm bắn 75km. Lực lượng quân sự ở Gaza cũng sở hữu tên lửa Fajr-5 do Iran chế tạo.
Nhiều năm nay, tên lửa Qassam là vũ khí được Hamas lựa chọn để tấn công Israel, nhưng chỉ có thể đe doạ những người sống ở vùng biên giới.
Người ta vẫn chưa tin rằng Hamas đủ khả năng thực hiện một cuộc không kích dữ dội xuống Tel Aviv và Jerusalem.
Những cuộc tấn công của Israel mấy ngày gần đây diễn ra trên quy mô rộng. Từ khi chiến dịch bắt đầu hôm thứ 4 tuần trước, quân Israel tuyên bố đã tấn công 1.350 “điểm khủng bố”, gồm một số bệ phóng tên lửa và nơi cất giữ vũ khí.
Lực lượng tại Gaza đáp trả Israel bằng khoảng 850 tên lửa, nhưng hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt của Israel chặn thành công nhiều quả. Tính tới ngày 19-11, phía Israel ghi nhận 3 người Israel thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Cả Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Tổng thống Mỹ Barack Obama đều ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của ông Netanyahu, nhưng cũng thúc giục nhà lãnh đạo Israel kiềm chế.
Tuy nhiên, quân đội Israel đã huy động 16.000 quân dự bị, nâng tổng số quân chiến đấu lên 75.000 vào cuối tuần trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak tuyên bố “phía bên kia sẽ phải trả giá”. Thủ tướng Netanyahu đe dọa “mọi lựa chọn đang đặt trên bàn”.
Liệu tình hình có lặp lại như năm 2008? Lần này, các bên tham gia bị hối thúc bởi chính những tuyên bố của mình và những niềm trông mong tự tạo, cũng như quá phụ thuộc vào các đồng minh.
Ông Netanyahu chịu áp lực chính trị quốc tế. Chỉ vài tuần trước, có vẻ như Israel sẽ phải hành động một mình, vì việc tấn công vào chương trình hạt nhân của Iran có thể làm hỏng khả năng tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Obama.
Nhưng giờ đây, nếu ông Netanyahu còn không đối đầu nổi với Hamas thì Tehran cũng chẳng phải lo ngại nhiều.
Phép thử để tấn công Iran
Mặt khác, nếu Hamas thua cuộc trước Gaza thì đây sẽ là cú giáng mạnh mẽ đối với chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Admadinejad.
Theo thông tin tình báo của Israel, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran là tổ chức cung cấp vũ khí chính cho các nhóm vũ trang ở Gaza, và rất có thể chính lực lượng này đã bán tên lửa cho Hamas. Tehran đã chế tạo Jair, tức tên lửa Rạng đông.
Cả Israel và Iran đều có tính toán riêng trong cuộc chiến ở Gaza. Ông Netanyahu được hưởng lợi nếu ổn định tình hình ở chiến trường Gaza, một phần là để chống lưng trong trường hợp thực hiện các kế hoạch tấn công cơ sở hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, chính quyền Tehran muốn thể hiện sức mạnh quân sự của mình thông qua đồng minh ở Gaza, để đề phòng trường hợp phải tấn công trả đũa. Các tướng của Israel đã coi Gaza là chiến trường Iran.
Một số người ở Israel còn cho rằng, cuộc tấn công chống lại lực lượng quân sự ở Gaza chỉ là phép thử cho chiến dịch tấn công vào cơ sở hạt nhân của Iran.
Cán cân quyền lực thay đổi
Cán cân sức mạnh ở Trung Đông đã thay đổi căn bản, theo hướng không có lợi cho Jerusalem. Với việc nhà lãnh đạo chuyên quyền Hosni Mubarak của Ai Cập bị lật đổ, Israel mất đi đồng minh quân sự quan trọng nhất trong khu vực.
Dù người kế nhiệm là ông Mursi đã chính thức rời bỏ Phong trào Anh em Hồi giáo, nhưng dường như vẫn mắc nợ Hồi giáo rất nhiều. Nếu quá thân thiện với nhà nước Do Thái, ông Mursi sẽ có nguy cơ mất vị trí.
Trong khi đó, Hamas đang phát triển thành một tổ chức chính trị, nghĩa là muốn tiếng nói của họ được lắng nghe và có chỗ trong bàn đàm phán và địa vị nhất định trên diễn đàn chính trị quốc tế. Đó là lý do chính mà tổ chức này (nằm dưới quyền Thủ tướng Gaza Ismail Haniyeh) đồng ý tham gia các cuộc đàm phán bí mật với Israel.
Chỉ trong thời gian gần đây, đại diện của cả hai phía mới gặp nhau ở Cairo trong cuộc họp do tình báo Ai Cập sắp xếp.
Theo nhiều nhà phân tích, lãnh đạo Hamas phải hiểu rằng họ không thể giành chiến thắng trước Israel. Còn Israel nên chấp nhận một tổ chức như vậy nếu không muốn Gaza rơi vào tay những nhóm cực đoan.
Nhưng những thành phần cực đoan và cứng rắn trong chính hàng ngũ của Hamas sẽ coi việc đồng ý ngừng bắn là quá sớm và là sự phản bội nguyên tắc Hồi giáo, đặc biệt sau khi tướng Ahmed Jabari của Hamas thiệt mạng trong một cuộc không kích hôm thứ 4 tuần trước, dẫn đến bạo lực leo thang mấy ngày gần đây.
Tính đến ngày 19-11, hơn 90 dân thường Palestine, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong những trận không kích của Israel.
Tại Liên Hợp Quốc, nếu mọi thứ diễn ra đúng kế hoạch, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ công nhận Palestine là “nước quan sát viên” vào ngày 29-11.
Đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của Palestine bị từ chối hồi năm ngoái vì Mỹ doạ sẽ sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, đa số thành viên của Đại hội đồng sẽ ủng hộ Palestine.
Các nhà ngoại giao dự tính Mỹ sẽ đáp trả bằng cách phong tỏa những quỹ hỗ trợ Palestine cùng với việc trừng phạt các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc và cắt giảm đóng góp cho tổ chức này.
Gia Tùng
Theo Spiegel Online, AP, CNN, Xinhua