Cuộc chiến đấu liên tục, khác thường của nhà văn Sơn Tùng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cuộc chiến đấu liên tục, khác thường của nhà văn Sơn Tùng, cuộc đời lao động văn chương đặc biệt của ông cho chúng ta những bài học đạo đức vô giá! ... Có thể nói, Sơn Tùng đã vắt kiệt sức, làm việc với hơn 100% khả năng và cơ hội để cống hiến cho đời những trang văn đầy tâm huyết và giá trị.

Ngày 26/7, Lễ tang Anh hùng lao động - nhà văn Sơn Tùng diễn ra tại Nhà tang Lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Trong điếu văn đọc trước anh linh nhà văn Sơn Tùng - nguyên phóng viên báo Tiền Phong, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban Tổ chức lễ tang bày tỏ: Một tin hết sức đau buồn trong những ngày cả nước gắng gỏi phòng chống đại dịch COVID- 19: nhà văn Sơn Tùng, Anh hùng Lao động, đảng viên 73 năm tuổi Đảng, thương binh hạng ¼ từ biệt cõi trần.

Dẫu sự ra đi của một nhà văn vào tuổi 94, lại nằm suốt 11 năm trên giường bệnh không phải là đột ngột, bàng hoàng, nhưng tin buồn và những bài viết, những hồi ức về ông vẫn ào ạt xuất hiện trên báo chí, sóng truyền hình và mạng xã hội, cho thấy vị trí đặc biệt của ông trong lòng không những chỉ những người thân yêu trong gia đình, những người ở cơ quan ông từng công tác, những người quen biết với ông mà cả trong nhiều thế hệ bạn đọc.

Cuộc chiến đấu liên tục, khác thường của nhà văn Sơn Tùng ảnh 1

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban lễ tang. Ảnh: Trọng Tài.

Luôn có mặt ở những nơi gian khó

Trong điếu văn, nhà báo Lê Xuân Sơn cho biết, nhà văn Sơn Tùng đã đi trọn con đường đời gần một thế kỷ dằng dặc và rất đặc biệt của mình. Cuộc đời ông với nhiều biến cố và những nỗ lực phi thường, không mệt mỏi để sống, làm việc, sáng tạo và cống hiến.

Nhà văn Sơn Tùng (tên thật là Bùi Sơn Tùng) sớm đến với cách mạng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa thành công, ông xung phong đi dạy bình dân học vụ và tích cực tham gia công tác Đoàn Thanh niên cứu quốc. Năm 1948, mới tròn 20 tuổi, Sơn Tùng đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà văn Sơn Tùng đã luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất, nơi cần những con người ưu tú nhất, dám chấp nhận hi sinh nhất. Năm 1949, lúc thực dân Pháp và bọn phản động lôi kéo, kích động thanh niên công giáo đi lính cho chúng, theo phân công, ông ra huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An để bí mật vận động phá âm mưu đó.

Cuối năm 1954, ông được cử ra Hà Nội vào học trường Đại học nhân dân, làm bí thư Đảng bộ của 1.200 sinh viên, sau đó được phân công làm giáo vụ của trường, rồi lại được điều động về giảng dạy trường Báo chí Trung ương. Nhưng ngay năm 1955, lúc cần một cán bộ tuyên huấn cho đội thanh niên xung phong ở Phú Thọ hay cần một Chính trị viên Đoàn văn công Việt Nam đi dự Đại hội liên hoan và biểu diễn ở Liên Xô, Trung Quốc…, Sơn Tùng luôn nhận nhiệm vụ không một chút băn khoăn và luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc.

Đảng và cách mạng cần ông làm nhà báo, năm 1961, 1962, ông về làm phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam, rồi năm 1963 làm báo Tiền Phong, trở thành Chi ủy viên chi bộ của báo.

Khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc (2/1965), với tư cách là phóng viên của tờ báo của tuổi trẻ Việt Nam, ông xông pha vào tuyến lửa các tỉnh Khu 4 – Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để đưa tin nơi tuyến đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Chính trong giai đoạn này, ông là người đã tìm thấy, đã phát hiện tấm gương Hoa Xuân Tứ - một thiếu niên cụt cả hai tay vẫn phấn đấu vươn lên học tập tốt và siêng năng giúp đỡ mẹ làm việc nhà. Tấm gương Hoa Xuân Tứ do Sơn Tùng phát hiện và làm lan toả đã trở thành niềm hứng khởi, sức mạnh động viên lớn lao với nhiều thế hệ thiếu niên, thanh niên Việt Nam.

Cuộc chiến đấu liên tục, khác thường của nhà văn Sơn Tùng ảnh 2

Nhóm cán bộ báo Tiền Phong chuẩn bị vào chiến trường năm 1968 (Hàng đầu tiên từ trái qua: Tâm Tâm- đeo súng ngắn, Sơn Tùng, Mạnh Chẩn, Trình Quang Phú- đeo máy ảnh. Sau lưng Sơn Tùng là Khải Hoàn)

Cuối năm 1967, việc ra một tờ báo của Đoàn Thanh niên Cách mạng Miền Nam trở nên cấp thiết, Sơn Tùng lại cùng nhóm các nhà báo của Đoàn khoác ba lô lên đường đi thực hiện nhiệm vụ không dễ dàng đó. Chuyện kể rằng mặc dù có chế độ được đi máy bay đến Pnompenh, Campuchia rồi đi ô tô đến biên giới để vào chiến khu R, nhưng Phó trưởng đoàn công tác Sơn Tùng đã chọn đi cùng anh em trèo đèo, lội suối trên dãy Trường Sơn suốt 6 tháng trời để đến đích.

Ở chiến trường, Sơn Tùng công tác ở Ban Tuyên huấn T.Ư Đoàn TNCM Miền Nam, làm Bí thư chi bộ, phụ trách báo Thanh niên Giải phóng với bút danh Sơn Phong. Ông thực sự trở thành nhà báo - chiến sỹ, cầm bút và cầm súng, dũng cảm, mưu trí chiến đấu với kẻ thù để sáng tạo cổ vũ, động viên những người chiến sĩ trên mọi mặt trận. Ở đây, ông được sống làm việc sát kề với những nhà lãnh đạo của cách mạng Miền Nam, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Ông cùng cộng tác với những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Giang Nam, Hoài Vũ... Tháng 4/1971, khi địch càn quét vào căn cứ, hầm của ông bị trúng đạn M79 bắn từ máy bay trực thăng, ông bị thương rất nặng. Người moi hầm để cứu và cõng Sơn Tùng đi trạm cấp cứu tiền phương lúc đó là đồng đội Sáu Phong, tức Nguyễn Minh Triết, người sau này trở thành Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam.

Với 14 mảnh đạn khắp người, trong đó có 3 mảnh trong sọ não không bao giờ lấy ra được, bị thương nặng cả ở vai trái và tay phải, Sơn Tùng được đồng đội cáng vượt ngược Trường Sơn ra miền Bắc rồi đưa sang cả Trung Quốc chữa chạy vết thương. Ông ở lại với cuộc sống nhưng vĩnh viễn mất hơn 80% sức khoẻ, trở thành thương binh loại nặng nhất, hạng ¼.

Bất chấp di chứng của chiến tranh, ông vẫn trở lại cơ quan làm việc. Đến cuối năm 1979, sức khoẻ không cho phép nữa nên ông được T.Ư Đoàn và báo Tiền Phong cho nghỉ hưu khi mới 51 tuổi.

Cuộc chiến đấu liên tục, khác thường của nhà văn Sơn Tùng ảnh 3

Nhà văn Sơn Tùng cùng vợ đã vươn lên, vượt qua những khó khăn và vết thương chiến tranh. Ảnh tư liệu

Chạy đua với thương tật để giành giật những trang văn

Nhà báo Lê Xuân Sơn cho biết: Bên cạnh các thương tật tàn phá cơ thể, ông còn đối mặt cuộc sống thiếu thốn, với đồng lương hưu ít ỏi, nơi ở chật chội. Thế nhưng người thương binh Sơn Tùng cùng vợ đã vươn lên, chấp nhận một cuộc chiến không cân sức. Ông nỗ lực luyện tập để củng cố phần sức khoẻ còn lại, ông chạy đua với thương tật để giành giật những trang văn với một ý chí và sự bền bỉ phi thường. Và thành quả lao động trong giai đoạn gọi là “nghỉ hưu” của ông thật đồ sộ.

"Không thể tưởng tượng nổi trong 36 năm, từ 1974 đến tháng 6/ 2010, năm nhà văn bị tai biến, Sơn Tùng đã cho xuất bản hơn 20 cuốn sách dày dặn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, được bạn đọc trong cả nước yêu mến đón nhận.

Đặc biệt, trong số tác phẩm đó có hơn một nửa là những sáng tạo về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo ưu tú, xuất sắc của Đảng. Riêng tiểu thuyết Búp Sen Xanh viết về thời thơ ấu của Bác Hồ, chỉ tính riêng Nhà xuất bản Kim Đồng đã 30 lần tái bản.

Biết bao thanh thiếu niên, bao bạn đọc đủ mọi lứa tuổi đã đọc sách, đã học tập noi gương Bác để gắng gỏi phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng, cho non sông đất Việt. Và trong hơn 500 lần nhà văn thương binh đứng trên bục để thuyết trình, nói chuyện về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, có bao nhiêu người đã được ông truyền lửa? ", nhà báo Lê Xuân Sơn bày tỏ.

Cần phải nhấn mạnh là trong sáng tác về Hồ Chí Minh, với ý thức sưu tầm, đối chiếu nghiêm cẩn, nhà văn Sơn Tùng là người có công đầu trong việc tạo ra một hệ thống tư liệu gốc về gia đình, về quê hương, về tuổi thơ và những mối quan hệ của Bác Hồ thời trẻ.

Chính vì thế năm 2011, khi nhà văn Sơn Tùng được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, đồng chí Sáu Phong - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, người đồng đội của ông năm xưa, người mãi mãi coi ông là người đồng chí, người đồng đội, người anh kính mến, đã đến Hội Nhà văn để trực tiếp trang trọng trao danh hiệu cao quý này cho ông.

Cuộc chiến đấu liên tục, khác thường của nhà văn Sơn Tùng ảnh 4

Trước nghị lực và sự cống hiến của nhà văn Sơn Tùng, nhà báo Lê Xuân Sơn bày tỏ: Cuộc chiến đấu liên tục, khác thường của nhà văn Sơn Tùng, cuộc đời lao động văn chương đặc biệt của ông cho chúng ta những bài học đạo đức vô giá!

Cuộc đời ông là một minh chứng hùng hồn nhất về ý thức trách nhiệm của một công dân trước vận mệnh đất nước; là danh dự tiên phong của một đảng viên chân chính trước Đảng; là khát vọng tận hiến của một nhà văn cho cuộc sống con người.

Có thể nói, Sơn Tùng đã vắt kiệt sức, làm việc với hơn 100% khả năng và cơ hội để cống hiến cho đời những trang văn đầy tâm huyết và giá trị! Chúng ta ghi nhận và biết ơn ông vì những nỗ lực và sáng tạo phi thường đó".

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.