Cuộc 'chạm trán' giữa tàu chiến Trung Quốc với tàu sân bay Mỹ

Cuộc 'chạm trán' giữa tàu chiến Trung Quốc với tàu sân bay Mỹ
TP - Hôm đó là ngày 22/11/2007, nhà đương cục Trung Quốc bỗng nhiên ra lệnh cấm tàu sân bay “Kity Hawk” của Mỹ đi vào cảng Hong Kong.
Cuộc 'chạm trán' giữa tàu chiến Trung Quốc với tàu sân bay Mỹ ảnh 1
Cụm tàu sân bay “Kity Hawk” của Mỹ

Cuộc ghé thăm Hong Kong của “Kity Hawk” đã được thống nhất từ trước và thân nhân của các thủy thủ của Mỹ đã cất công bay từ Hoa Kỳ sang Hong Kong để cùng tham dự Ngày lễ tạ ân.

Lý do phía Trung Quốc đưa ra là Hải quân Mỹ không xin phép cho các chiến hạm của họ đi qua vùng hải phận được Bắc Kinh cho là “vùng nội thủy” của Trung Quốc.

Còn Hải quân Mỹ giải thích phải đi qua khu vực đó để tránh cơn bão đang hoành hành ở Biển Nam Trung Hoa là vì “lý do tác chiến”.

Sau khi phát lệnh cấm vài giờ, phía Trung Quốc lại cho phép tàu sân bay “Kity Hawk” đi vào Hong Kong nhưng lúc đó đoàn chiến hạm này đã chuyển hướng đi về phía căn cứ ở Nhật Bản.

Khi được tin phía Trung Quốc cho phép quay trở lại, chỉ huy tàu sân bay “Kity Hawk” đã “không thèm” trả lời. Trước đó hai ngày, ngày 20/11/2007, Trung Quốc đã không cho phép hai tàu chiến của Mỹ là “Patriot” và “Guardian” ghé vào Hong Kong tiếp dầu và tránh bão.

Trên thực tế, mọi chuyện có phần gay cấn hơn nhiều. Hôm 22/11/2007, cụm tàu sân bay “Kity Hawk” của Mỹ “chạm trán” với hai tàu chiến Trung Quốc, một là khu trục hạm mang tên lửa “Thâm Quyến” và hai là tàu ngầm lớp “Song”, một loại tàu ngầm diezel hiện đại nhất của Trung Quốc mới được đưa vào trang bị cuối những năm 1990, được lắp tên lửa đối hạm và ngư lôi thế hệ mới, có khả năng “tàng hình” dưới đại dương.

Tuy kém hiện đại hơn so với các tầu ngầm đi kèm hộ tống tàu sân bay “Kity Hawk” nhưng nếu xẩy ra cuộc “chạm trán nóng” với cụm tàu chiến của Mỹ, thì chắc chắn sẽ có “bên sứt đầu, kẻ mẻ trán”.

Trong suốt 24 giờ, hai bên ở trạng thái sẵn sàng khai hoả trong vùng biển Đài Loan. Sau khi phía Mỹ “đánh hơi” thấy tàu ngầm Trung Quốc, máy bay săn tàu ngầm của Mỹ được lệnh cất cánh và khẳng định tàu ngầm Trung Quốc đang bám đuôi tàu sân bay “Kity Hawk”.

Hai bên diễn trò “mèo vờn chuột” trong suốt 28 giờ, sau đó tàu sân bay “Kity Hawk” chuyển hướng đi về căn cứ hải quân Yokosuka, còn khu trục hạm “Thâm Quyến” đi về phía vịnh Tokyo thực hiện chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên kéo dài một tuần.

Sau sự kiện “không có chủ ý” này, phía Trung Quốc bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc về sự việc đã xẩy ra”, còn Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc hải quân Timothy Keating, thì tuyên bố với các nhà báo: “Chúng tôi không cần xin phép phía Trung Quốc để đi qua eo biển Đài Loan và trong tương lai sẽ vẫn sử dụng quyền này vào bất cứ lúc nào thấy cần thiết”.

Nhân đây, dư luận tự nhiên đặt câu hỏi: vì sao trong khi xuồng hải quân của Lực lượng cận vệ cộng hoà Iran chỉ mới tiếp cận từ xa đối với tàu chiến của Mỹ, ngay lập tức Washington có phản ứng mạnh trước dư luận quốc tế và coi đó như sự “khiêu khích”, thì việc hai tàu chiến của Trung Quốc hàng giờ bám đuôi cụm tàu sân bay “Kity Hawk” hiện đại của Mỹ lại chỉ được phía Mỹ tiết lộ hai tháng sau khi mọi chuyện đã được dàn xếp êm thấm?

Lê Minh Quang
Theo Báo Nga “Lenta”

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.