Cung thiếu nhi Hà Nội: Nơi ươm mầm tài năng trẻ

Đội nghi thức đội trước sân Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đội nghi thức đội trước sân Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Cung thiếu nhi Hà Nội là một trong những nơi chứng kiến chuyển mình lịch sử của thủ đô Hà Nội, từ khi giải phóng Thủ đô 1954 đến nay. Từng là nơi đào tạo nhiều thế hệ thiếu nhi, nay Cung văn hóa đang đứng trước nhiều nguy cơ xuống cấp, mất an toàn, thậm chí bị di dời.

Biểu tượng xây dựng miền Bắc 


Khu đất xây dựng Cung Văn hóa thiếu nhi trước đây tọa lạc 2 cơ sở riêng biệt, nửa phía bắc được gọi là Ấu Trĩ Viên (vườn trẻ), nửa phía nam là nhà Xéc Tây – nơi Hồ Chủ tịch ký hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946. Sau 8 tháng tiếp quản Thủ đô, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1955, Ấu Trĩ Viên được Thành đoàn Hà Nội tiếp quản và trở thành trung tâm hoạt động của thiếu niên, nhi đồng toàn thành phố với cái tên mới: CLB thiếu niên. Nhận thấy sự thiệt thòi của thiếu nhi Thủ đô trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, UBND quận Hoàn Kiếm khi đó đã quyết định đặt hàng một CLB mới, khang trang hơn, là sân chơi thực sự cho các em thiếu nhi. Người trực tiếp ngày đêm xây dựng Cung văn hóa thiếu nhi, kiến trúc sư (KTS) Lê Văn Lân chia sẻ: “Hà Nội khi đó cực kỳ khó khăn về vật tư.

Những vật liệu xin được mang về chỉ để đủ vá chỗ nọ, đắp chỗ kia. Nếu ai lên Cung thiếu nhi vẫn có thể thấy những chi tiết kỳ lạ, quanh đó là những câu chuyện cảm động”. Ông hồi tưởng lần xin 2.000 viên gạch đỏ, muốn có 2.000 viên gạch, đội ngũ KTS đã phải lên gặp Chủ tịch UBND TP, Bí thư TP, giới thiệu gặp Bộ trưởng Bộ Vật tư nhưng vẫn không giải quyết được. Sau đó cả đoàn gồm KTS lẫn công nhân đã phải cầm thư giới thiệu của các lãnh đạo thành phố xuống Bãi Cháy, Quảng Ninh “ăn chực nằm chờ” 1 ngày 1 đêm để xin gạch. Hà Nội lúc đó cái gì cũng thiếu, từ cái tay nắm cửa, khung cửa sắt, đèn lắp trần... cũng phải tự vẽ rồi làm. May mắn cho họ, có một vị lãnh đạo thành phố luôn “say hết mình” với công trình này, đó là Chủ tịch UBND TP lúc đó, ông Trần Vỹ. 

“Công việc Ủy ban bận rộn là thế, vậy mà ngày 2 lần đều đặn, ông ấy lại qua kiểm tra công trình, động viên và đốc thúc anh em làm việc. Hiếm có một vị Chủ tịch nào lại tận tụy đến vậy, yêu thiếu nhi đến vậy” - KTS Lân chia sẻ. 

Ông Trần Vỹ kỹ càng sờ từng viên gạch, từng ô kính trong Cung thiếu nhi, chỉnh trang từng chi tiết chưa ưng ý. Chính nhờ có sự quan tâm của ông mà công nhân có thêm động lực để xây dựng nên một công trình kiến trúc độc đáo, hoành tráng nhất miền Bắc lúc bấy giờ. 

Nôi ươm mầm tài năng

Nơi đây là cái nôi đào tạo ra nhiều nghệ sĩ thành danh: Hồng Nhung, Thanh Lam, Hồng Vân, Ái Xuân... những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực như: Tạ Bích Loan, Đoàn Hương... NSƯT Hồng Kỳ, một nghệ sĩ được đào tạo từ những năm 1964 tại Cung thiếu nhi chia sẻ với Tiền Phong: “Gia đình tôi không sơ tán nên tôi coi đây như ngôi nhà thứ 2. Từ đây tôi đã được phát triển khả năng nghệ thuật của mình, được hát, diễn kịch và biết chơi trống da”. Trong gần 60 năm qua, đã có 30 triệu trẻ em đến tham gia sinh hoạt, vui chơi ở hơn 80 bộ môn, CLB sở thích tại ngôi nhà thân yêu này. 

Với sự phát triển mạnh mẽ của Thủ đô, cùng áp lực gia tăng dân số đè nặng, Cung văn hóa hiện đang bị quá tải. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo về Dự án đầu tư xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội tại D30 trong Khu đô thị mới quận Cầu Giấy. Xây dựng thêm những sân chơi cho thiếu nhi là cần thiết, nhưng dỡ bỏ một biểu tượng lịch sử trong thời kỳ đổi mới sẽ mang đem lại tiếc nuối với những thế hệ trưởng thành tại đây. 

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.