Cùng lắm tôi 'nhập kho'!

Cùng lắm tôi 'nhập kho'!
TP - Cựu Tổng Giám đốc điều hành Vinashin Trần Quang Vũ đã nói như vậy với PV báo Tiền Phong. Đúng như dự đoán, chỉ bốn ngày sau ông Vũ bị bắt.

>> Kỳ trước

Ông Vũ nói : “Tôi chẳng kể lể nhiều, vì mai này cái sai của tôi thế nào cũng sẽ phải trả lời rõ ràng. Tôi sẽ thừa nhận và chịu trách nhiệm với tư cách thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Bởi dù xung đột, có nhiều cái không đồng tình với ông Phạm Thanh Bình nhưng lại vẫn ký nghị quyết thông qua, có nghĩa là tôi vẫn sai. Cùng lắm tôi 'nhập kho'!”.

Biệt thự của gia đình ông Trần Quang Vũ đang được hoàn thiện ở số 2 lô 8A đường Lê Hồng Phong, Hải Phòng Ảnh: Lam Khê
Biệt thự của gia đình ông Trần Quang Vũ đang được hoàn thiện ở số 2
lô 8A đường Lê Hồng Phong, Hải Phòng. Ảnh: Lam Khê.


Biết mình sẽ bị bắt

Ông nói chỉ nhận trách nhiệm với tư cách Ủy viên HĐQT Vinashin. Cụ thể là thế nào?

Thì là những vấn đề nêu trong nghị quyết này nọ mà HĐQT tập đoàn đã thông qua. Mình kiêm nhiệm quá nhiều việc thành ra có khi không để ý. Có nghị quyết dài tới cả chục trang, ký rồi nhưng nay không nhớ hết được. Sau này cơ quan điều tra vào, thế nào người ta cũng hỏi.

Thế còn trách nhiệm của ông thời kỳ làm lãnh đạo cao nhất của Tổng Cty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (NASICO) thì sao?

Trách nhiệm ở đây gắn với tiền, mô hình quản lý của Vinashin là hạch toán phụ thuộc. Tập đoàn rót cho bao nhiêu tiền chúng tôi biết bấy nhiêu. Không rót thì trách nhiệm cái gì. Vật tư tập đoàn mua chuyển về ngày nào thì biết ngày đó. Đấy là cách quản lý chung cho tất cả các tàu, cho nên nói vì sao chúng tôi đóng tàu nổi FSO 5 chậm, nó thế này thế kia. Ở dưới NASICO gần như chỉ có cắt ra, hàn vào. Cách quản lý này, nếu không chặt chẽ thì tiền tiêu nhanh lắm.

Nhiều người băn khoăn, khi ông mới ngồi ghế Tổng GĐ điều hành chưa được hai tháng đã bị đình chỉ?

Cái này làm sao tôi trả lời được. Thực sự quyết định đình chỉ chức vụ tôi cũng khiến nhiều anh em trong tập đoàn nao núng. Không biết rồi chuyện sẽ đi đến đâu. Mọi việc, tôi rất muốn cơ quan điều tra làm rõ.

Trước khi bổ nhiệm, cơ quan chức năng không đặt vấn đề kiểm tra những sai phạm của ông sao?

Có chứ, người ta kiểm tra hết chứ.

Lúc ấy kết luận đưa ra thế nào?

Mọi việc hoạt động bình thường.

Và đó chính là căn cứ để ông được bổ nhiệm?

Không, tôi không được bổ nhiệm mà chỉ được HĐQT giao quyền tạm thời lúc lâm nguy. Đầu tiên mới lên, ông Bình giao tôi phụ trách về hành chính, vì chúng tôi có những cái xung đột trong điều hành. Sau đó nửa năm, tôi lại được phân công phụ trách sản xuất. Tôi làm việc chỉ nói thật. Như mọi người đều thấy đấy, tôi xây dựng NASICO chỉ trong 5 năm được như thế, ai làm nổi? Nếu tôi có vướng mắc gì thì chắc chỉ nằm ở thủ tục, ký giấy tờ nọ kia thôi.

Thủ tục gì mà ông nghĩ mình đã sai?

Bây giờ hỏi ngay thì sao mà trả lời được. Chúng tôi xây dựng một nhà máy từ xí nghiệp đóng tàu, thành nhà máy hiện đại có chiều dài tới 3 km, mỗi năm tuyển 2 nghìn người, vừa xây dựng vừa sản xuất, lại còn kiêm quản lý cả đóng tàu Dung Quất, Bến Thủy... thì ai mà nhớ hết mình đã sai ở đâu.

Khi ông Bình bị bắt, ông có dự liệu được tình huống xảy đến với mình?

Tôi không nghĩ mình sẽ bị đình chỉ công tác. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình sẽ bị kỷ luật. Bởi vì, tôi là thành viên HĐQT. Với trách nhiệm của HĐQT và ban điều hành thì đương nhiên phải chịu kỷ luật chung, chứ không thể né tránh được. Sau đó, tôi rất muốn làm rõ trách nhiệm từng ông một, tuyên bố rõ ràng. Không lẽ một dàn các ông như thế lại bảo vô can. Sau đó, có thể kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức cũng được.

Làm việc bao nhiêu năm, nhiều việc lắm, có điều tôi không có đểu giả gì. Còn lại thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, làm sao tránh khỏi sai sót được. Lỗi của ai, đến đâu cơ quan điều tra làm rõ tới đó. Thì thôi, mình phải chịu. Cùng lắm tôi bị nhập kho, dính vài năm là cùng. Đáng lẽ ban lãnh đạo Vinashin còn phải dàn hàng ngang xin lỗi nhân dân thì mới đúng.

Nếu nói về trách nhiệm của HĐQT, ngoài ông và ông Bình ra còn ai nữa?

Cả ông Bình nữa là chín người.

Nhưng hiện mới chỉ có ba ông bị xử lý (ông Bình, Vũ, Liêm), còn lại vẫn bình thường?

Cũng chưa biết được đâu.

Ông Trần Quang Vũ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Trần Quang Vũ. Ảnh: Hồng Vĩnh.


Tự tin về kế hoạch giải cứu Vinashin

Hồi mới nhậm chức thấy ông trả lời trên báo chí rất tự tin?

Thì tôi đã nghĩ cách làm rồi. Tôi nghĩ cách để Vinashin sẽ thoát nợ. Chiến thuật là thế này: Đầu tiên phải giải quyết khẩn cấp lương, thưởng... Sau đó, phải xây dựng ngay kế hoạch dài hạn, có lộ trình và tổng quản trị lại.

Vấn đề đặt ra thế này, công suất của Vinashin có thể đóng được 200 tàu, nếu quản trị tốt từ khâu mua vật tư đến chi phí sản xuất. Lượng sơn cho con tàu đáng lẽ hết 5 tấn, nhưng các ông sơn 7 tấn vì tay nghề kém lẫn quản lý kém, thế thì còn đâu lãi. Tôn, sắt thép đáng ra hao hụt có 7-8% thôi nhưng hao hụt lớn hơn...thì làm sao mà không lỗ.

Nay phải quản lý chặt những cái đó và tiến độ thì mỗi con tàu sẽ lãi được 2-3 triệu USD. Nếu một năm, tôi làm được 200 tàu, quản trị tốt thì tôi cũng kiếm được vài trăm triệu USD, nhân lên. Trong 10 năm sẽ rút ngắn được khoảng cách này. Tiếp đến là tránh chảy máu.

Bây giờ 86 nghìn tỷ đồng, đã chuyển sang bên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 26 nghìn tỷ đồng. Vinashin còn nợ 60 nghìn tỷ đồng, sau đó tiếp tục tàn sát đám con cháu, thu hồi vốn ở các Cty cháu chắt mà Vinashin có cổ phần về, thì số nợ còn lại khoảng vài chục ngàn tỷ đồng. Tập trung đóng tàu khi thị trường lên cao (200 tàu/năm) trong vòng 5 năm thì sẽ trả nợ xong. Nhưng muốn làm được phải có bàn tay sắt, quyết chiến. Phải làm như người Cộng sản những năm 30 thì mới giải quyết được.

Ông đã công bố điều này với HĐQT chưa?

Tôi mới chỉ nghĩ trong đầu thôi. Bởi vì, nếu giao cho tôi, tôi sẽ xây dựng chiến lược cả gói. Vấn đề mấu chốt của Vinashin hiện nay là phải minh bạch, nếu không khó thoát được, vì nó đã mất niềm tin ở mọi người. Nếu như bây giờ mọi chuyện không thật như đếm, Vinashin thất bại. Đấy là con đường duy nhất, con đường sống của Vinashin. Cửa rất hẹp nhưng hoàn toàn có cơ hội.

Ngày chia tay anh em, tôi nói, tôi như thế là xong rồi. Sai đến đâu chịu trách nhiệm tới đó. Ngược lại, anh em ở lại, tôi e rằng 2-3 tuần tới, các chủ tàu và các ngân hàng sẽ ào ạt đến... Quân lính bây giờ hoang mang vì cái nghề này không phải ai cũng làm được.

"Nếu không quản trị tốt thì dù nay rót hai nghìn tỷ, mai ba nghìn tỷ cũng tiêu hết thôi. Một đống tài sản như vậy nó không sinh lời, vẫn chịu lãi vay, thì đố ai chịu được" - Ông Trần Quang Vũ 

Vấn đề của Vinashin bây giờ là phải tổng quản trị lại chứ không phải là chờ được rót tiền, nếu chỉ rót tiền thì bao nhiêu cho đủ. Sản xuất phải thật sự trật tự và đi lên thì hẵng rót tiền. Tôi nói với anh Trường (ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Chủ tịch HĐQT Vinashin), thế này: Tôi thì ra đi rồi nhưng vì trách nhiệm tôi nói với anh có 4 vấn đề: Thứ nhất, xốc lại tổ chức, chọn người tài giỏi và tổng quản trị lại. Thứ 2, lên một quy trình thật khoa học trong tổ chức đào tạo.

Thứ 3, tàn sát đám con cháu (tất cả các đám cổ phần ngày xưa gia nhập vào để ăn thương hiệu) để thu vốn về. Thứ 4 là tránh chảy máu. Còn khi chọn tổng giám đốc điều hành, hội đủ 4 điều kiện: Am hiểu nghề nghiệp, am hiểu quản lý, phải làm như người Cộng sản những năm 30 và có sức khỏe để có thể làm việc suốt ngày đêm. Có như vậy, trong 3 năm, anh mới có cơ hội thắng; 5 năm, anh mới có tiếng nói của mình. Chứ không phải ông nào cũng ngồi vào cái ghế đó được đâu. Chỉ có vì danh dự, vì nỗi hổ thẹn mới làm được.

Thế ông Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồng Trường có nói gì không?

Ông ấy bảo ừ, đúng là như thế.

Ông có tự tin là Vinashin như hiện nay tái cơ cấu có thành công?

Một ban chỉ đạo mạnh thế thì chắc là thành công thôi. Tuy nhiên, muốn thành công phải chọn được một tổng giám đốc điều hành cực giỏi.

MỚI - NÓNG