Cùng làm giàu trên quê hương

Anh Danh Hoàng thành công với mô hình sản xuất khép kín trên quê hương Ảnh: CTV
Anh Danh Hoàng thành công với mô hình sản xuất khép kín trên quê hương Ảnh: CTV
TP - Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” được triển khai rộng khắp các địa phương trên cả nước, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhiều cư dân nông thôn. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên làm giàu thành công gắn với nông nghiệp trên quê hương.

Hôm nay (5/10) tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị tổng kết phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Thành công nhờ sản xuất chuỗi khép kín
Hoàng Thị Hảo (dân tộc Tày, ở Hà Giang), Chủ nhiệm dự án Green Blessing “Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm” trên quê hương Hà Giang. Có “máu” du lịch và kinh doanh, từ khi còn là sinh viên Ngữ văn ĐH Sư phạm Thái Nguyên, nghỉ hè Hảo lại về quê dẫn khách nước ngoài tham quan Cao nguyên đá Đồng Văn. Năm 2017, Hảo bắt đầu xây dựng mô hình homestay và quán ăn chay ở Hà Giang với số vốn ban đầu là 100 triệu đồng. Những ngày đầu mô hình của Hảo chỉ phục vụ tối đa 16 khách/ngày lưu trú. Có lãi, Hảo mở rộng mô hình, đến nay có thể tiếp đón 40 khách/ngày. Doanh thu mỗi tháng đạt 70 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng.

Hảo chia sẻ, mô hình không chỉ cung cấp rau sạch mà còn là địa chỉ lưu trú, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau, các hoạt động nghỉ dưỡng, trải nghiệm làm nông dân, du lịch sinh thái... Với sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Đoàn, dự án bắt đầu triển khai trên diện tích 1ha đất mua và hơn 5.000m2 đất ruộng thuê.

Sau thời gian làm công nhân ở miền Đông Nam bộ nhiều năm, Danh Hoàng (dân tộc Khơme) quyết định về quê Hậu Giang lập nghiệp. Cũng với sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, Hoàng thành công với mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín. Hoàng tận dụng diện tích đất gần 5.000m2 trồng bắp, dùng cây bắp làm thức ăn cho 8 con bò để sinh sản và lấy thịt, tận dụng nguồn phân bò nuôi trùng quế để bán và nuôi lươn đồng; đồng thời dùng trùn quế làm phân hữu cơ trồng rau màu. Với mô hình này, Hoàng tiết kiệm được chi phí và hạn chế việc sử dụng phân hoá học, cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng, an toàn.

“Tổ chức Đoàn là cầu nối giữa ĐVTN với Nhà nước để hộ gia đình được tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế; tiếp thu kiến thức khoa học, kinh nghiệm; đảm bảo đầu ra ổn định. Để xây dựng được mô hình như ngày nay, chính sách khuyến khích hỗ trợ là động lực và nguồn lực quan trọng đối với chúng tôi”, anh Hoàng nói.

Mỗi xã một sản phẩm
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được các tổ chức Đoàn nhiều địa phương triển khai góp phần phát huy thế mạnh riêng có. Từ năm 2013, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh bắt tay thực hiện chương trình và sớm hệ thống hoá công tác hỗ trợ OCOP với các bước cụ thể như: Tuyên truyền nguyên tắc, chu trình và các hỗ trợ của Nhà nước; hướng dẫn đăng ký, nhận ý tưởng sản phẩm; triển khai kế hoạch kinh doanh...

Đến nay, Quảng Ninh có 167 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, có nhiều gương thanh niên khẳng định được thương hiệu gắn với các sản phẩm như: Đông trùng hạ thảo của anh Vũ Ngọc Thành - Phó Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh; ổi Hoành Bồ của anh Hà Quang Nam - đoàn viên xã Sơn Dương; gà Tiên Yên ở cơ sở sản xuất của anh Lã Văn Vi - Bí thư Đoàn xã Hà Lâu; trứng vịt biển Đầm Hà của anh Hoàng Văn Tuấn - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ Tân Hải.

Với mong muốn phát triển nội lực và tăng giá trị sản phẩm, Tỉnh Đoàn Bắc Kạn đã triển khai chương trình OCOP từ năm 2018 với hướng trọng tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế. Đến nay, 6/37 sản phẩm của thanh niên có chỗ đứng trên thị trường, gồm: Mật ong rừng của HTX Hương rừng; Trà giảo cổ lam của HTX Dược liệu Bảo Châu; Lạp sườn gác bếp của HTX Nhung Lũy; Trà mướp đắng rừng và Chè Như Cố của HTX Thanh niên - Như Cố; gạo bao thai Chợ Đồn - HTX Hoàn Thành.

Nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên
Thành công từ mô hình như của chị Hoàng Thị Hảo, anh Danh Hoàng hay chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã và đang là động lực để tổ chức Đoàn triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, có các giải pháp hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế làm giàu trên quê hương.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm phong trào, các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; hướng dẫn thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức cho thanh niên nông thôn trao đổi kinh nghiệm, tham quan, học hỏi các mô hình tiêu biểu. Đồng thời, tuyên truyền, hỗ trợ thanh niên tham gia chương trình OCOP, chương trình phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng... Đến nay có 890 hợp tác xã, 2.091 tổ hợp tác thanh niên, 17.128 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế.

Về công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn, tính đến hết tháng 6/2019, dư nợ của Đoàn thanh niên qua Chương trình ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 26.587 tỷ đồng, với hơn 2 triệu ĐVTN được vay vốn. Kênh Đoàn thanh niên quản lý qua hoạt động ủy thác trên 1.979 tỷ đồng từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm; vốn vay qua kênh T.Ư Đoàn là trên 75 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.511 ĐVTN. Các cấp bộ Đoàn cũng đã tập trung chỉ đạo nhiều hoạt động, mô hình giúp nhau lập nghiệp như hỗ trợ vốn giúp nhau; tổ trợ vốn, tổ đổi công.

“Phong trào đã làm thay đổi nhận thức của đa số ĐVTN và nhân dân. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Phong trào đã động viên, hướng dẫn thanh niên thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của phần lớn thanh niên và cư dân nông thôn đã được nâng cao. Vai trò, vị thế của tổ chức Đoàn được phát huy và nâng lên về chất”.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong

Cùng làm giàu trên quê hương ảnh 1
MỚI - NÓNG