Cục Viễn thông: Dân chen chân đăng ký thông tin là do nhà mạng

Một điểm giao dịch của Viettel bị thất thủ trong sáng qua. Ảnh: Trí Anh.
Một điểm giao dịch của Viettel bị thất thủ trong sáng qua. Ảnh: Trí Anh.
TP - Nhiều khách hàng lo lắng sau hôm nay (24/4), nếu không kịp bổ sung thông tin cá nhân thì thuê bao sẽ bị cắt liên lạc một chiều. Tuy nhiên, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đây là sự hiểu nhầm.

Trước đó, trong thông tin gửi đến khách hàng giục bổ sung ảnh chân dung, Vinaphone gửi tin nhắn: “Để đảm bảo thuê bao tiếp tục hoạt động sau ngày 24/4/2018 theo quy định, kính mời quý khách mang chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đến cửa hàng của Vinaphone để xác nhận, bổ sung thông tin”.

Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP (khoản 2 Điều 4), doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng (kể từ ngày Nghị định được ban hành – 24/4/2017) để rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ của mình có thông tin thuê bao chưa tuân thủ theo đúng quy định đến cập nhật, bổ sung thông tin. Điều này dấy lên nghi ngại, sau hôm nay (24/4/2018), nếu không bổ sung ảnh chân dung, khách hàng sẽ bị cắt liên lạc một chiều.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, mốc 24/4/2018 là thời điểm doanh nghiệp phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của mình đã tuân thủ hoàn toàn theo các quy định tại Nghị định 49. Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm có thể phát sinh liên quan đến thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình không tuân thủ đúng quy định. Đồng thời, không có nghĩa rằng sau mốc thời gian này, toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa một chiều, hai chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ.

Theo đại diện Cục Viễn thông, thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp. Trường hợp, thuê bao chưa nhận được thông báo từ doanh nghiệp thì trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đã đúng quy định thuộc về doanh nghiệp, và doanh nghiệp không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ của các thuê bao này.

Theo Cục Viễn thông, thời gian qua, các doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc và cố gắng triển khai việc rà soát, cập nhật, hoàn thiện thông tin thuê bao theo quy định tại Nghị định 49, nên việc triển khai trong những ngày gần đây gây nhiều khó khăn cho người dân (quá tải, ùn tắc tại các điểm cung cấp dịch vụ). Trong những ngày sắp tới, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, nhân lực, để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao.

Lo lộ thông tin khi dùng điện thoại cá nhân chụp ảnh khách hàng

Để giải quyết tình trạng ùn ứ, quá tải vì đông khách hàng cập nhật thông tin, bổ sung ảnh chân dung, các nhà mạng đã áp dụng thêm phương pháp dùng điện thoại cá nhân của nhân viên để chụp ảnh khách hàng. Việc này dấy lên nghi ngại, liệu thông tin của khách hàng có bị nhân viên lưu giữ và tiết lộ cho bên thứ ba?

Theo đại diện Vinaphone, do lượng khách hàng đến giao dịch quá đông, hệ thống webcam của nhà mạng không thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Để tạo điều kiện cho khách hàng bổ sung thông tin cá nhân và ảnh chân dung nhanh nhất, nhà mạng đã triển khai nhiều biện pháp trong đó có việc cho phép nhân viên giao dịch sử dụng điện thoại cá nhân để chụp ảnh chân dung khách hàng.

Làm sao để đảm bảo thông tin cá nhân cho khách hàng? Đại diện Vinaphone cho biết, sau khi chụp ảnh chân dung khách hàng bằng điện thoại cá nhân, nhân viên nhà mạng sẽ có trách nhiệm up ảnh lên hệ thống dữ liệu. Đến cuối ngày, nhân viên được yêu cầu xóa toàn bộ ảnh chân dung khách hàng trong điện thoại. “Vinaphone cam kết bảo mật thông tin cá nhân cho toàn bộ khách hàng”, đại diện Vinaphone khẳng định.

Một nhà mạng khác cũng cho biết, để đảm bảo thông tin khách hàng, các cửa hàng trưởng có trách nhiệm giám sát các nhân viên nhà mạng, sau khi cập nhật thông tin lên hệ thống sẽ phải xóa toàn bộ ảnh chân dung trong máy điện thoại. Cũng theo nhà mạng này, điện thoại cá nhân của nhân viên chỉ dùng để chụp ảnh chân dung khách hàng. Toàn bộ thông tin cá nhân trong chứng minh nhân dân/thẻ căn cước hoặc hộ chiếu sẽ được up trực tiếp lên hệ thống.

MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.