Cuba: Người dân được sử dụng điện thoại di động

Cuba: Người dân được sử dụng điện thoại di động
TP - Chủ tịch Cuba Raul Castro vừa ra sắc lệnh cho phép những người dân bình thường ở nước này được sử dụng điện thoại di động, một dịch vụ vốn rất xa xỉ.
Cuba: Người dân được sử dụng điện thoại di động ảnh 1

Một người đàn ông đang nói chuyện bằng ĐTDĐ ở Havana

Tân Chủ tịch Cuba có thể còn nới lỏng một số hạn chế trước đây và cho phép người dân tiếp cận nhiều hơn với các phương tiện hiện đại phục vụ cho cuộc sống thường ngày.

Dịch vụ sử dụng hạn chế điện thoại di động (ĐTDĐ) đã có ở Cuba từ năm 1991. Đến nay mới chỉ có người nước ngoài, người Cuba làm việc cho công ty nước ngoài và các quan chức cấp cao chính phủ được phép sử dụng ĐTDĐ.

Tuy nhiên, có hàng ngàn người khác ở Cuba dùng dịch vụ ĐTDĐ bất hợp pháp khi đăng ký tên của người nước ngoài hoặc người thân của họ. “Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu”, bà Elizabeth, người đang xếp hàng chờ thanh toán hóa đơn điện thoại nhà riêng, tâm sự.

Bà Elizabeth cũng đã có 1 chiếc ĐTDĐ được đăng ký theo tên một người nước ngoài từng là bạn của chồng bà.

Theo quy định mới, hàng trăm ngàn người Cuba, đặc biệt là những người có thân nhân ở nước ngoài gửi tiền về, sẽ có cơ hội tiếp cận với phương tiện liên lạc đã phổ biến khắp thế giới.

Tuy nhiên, ông Juan Quiala, người đã về hưu với mức lương chỉ 10 USD/tháng, cho biết: “Tôi thích ĐTDĐ. Nhưng tôi sẽ chi phí cho nó bằng cách nào?” Với mức lương trung bình khoảng 20 USD/tháng, hầu hết người dân bình thường sẽ khó tiếp cận ĐTDĐ với chi phí đắt đỏ hiện nay.

Người nước ngoài và các công ty hiện phải trả 120 USD để hòa mạng ĐTDĐ và sau đó phải thanh toán hơn 0,5 USD cho mỗi phút gọi trong nước. Trong khi đó, các cuộc gọi đi quốc tế còn đắt hơn nhiều: Mỗi phút gọi sang Mỹ phải trả 2,7 USD; Mexico là 2,45 USD và hầu hết các nơi khác trên thế giới là 5,45 USD.

Thông tin về việc “mở cửa” ĐTDĐ được công bố trên nhật báo Granma ngày 28/3, và mọi chi tiết sẽ được tiết lộ trong những ngày tới. Dịch vụ cung cấp ĐTDĐ đến mọi người dân sẽ do công ty của nhà nước Cuba ETECSA liên kết với hãng viễn thông Telecom Italia (của Italia) đảm nhận.

Chưa rõ những nhà sản xuất nào sẽ được phép bán ĐTDĐ ở Cuba. Đến nay, hầu hết ĐTDĐ được sử dụng ở Cuba đều do hãng Nokia và Motorola cung cấp. Trên thị trường Cuba, 1 chiếc ĐTDĐ có gắn camera được bán với giá khoảng 280 USD. Trong khi, ở nhiều nước khác trên thế giới, loại ĐTDĐ tương tự có giá khoảng 90 USD.

Tiếp nhận ghế lãnh đạo từ người anh trai Fidel Castro vào tháng trước, tân Chủ tịch Raul Castro khẳng định Cuba sẽ không có thay đổi về chính trị, nhưng ông cam kết sẽ gỡ bỏ một số hạn chế đối với cuộc sống của người dân.

Sắc lệnh “mở cửa” ĐTDĐ được công bố 1 tuần sau khi chính phủ cam kết rằng tivi các loại, đầu đọc đĩa DVD và các thiết bị giải trí liên quan đến máy vi tính... sẽ được bán trong các cửa hàng của nhà nước.

Trước đây, chỉ các công ty và người nước ngoài mới được mua những loại hàng hóa trên. Tháng 12/2007, chính phủ Cuba đã đưa ra thị trường khoảng 3.000 lò vi sóng do công ty điện tử Daewoo (Hàn Quốc) sản xuất... 

T.Đ (Theo AP)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.