Của VAR và người

TP - World Cup kỳ này, VAR đã lên ngôi thay cho WAG. Các nàng vợ và bồ các ngôi sao (WAG) không còn hot bằng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) lần đầu tiên được ứng dụng bên lề sân cỏ.

Trong một diễn biến rất liên quan, các “bình loạn viên” facebook viết tiếng Việt suốt những ngày qua bình luận về bóng đá mà cứ như đang điều tra về “củi” với “lò” ở xứ mình. Hừng hực tinh thần chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cả FIFA lẫn cầu thủ như sắp thành… “củi” đến nơi! Có bác nhà thơ còn ao ước “giá đất nước có một VAR thì may mắn biết bao”. Bởi nó sẽ giúp “chỉ ra những kẻ ăn gian, lấy lại sự công bằng cho xã hội”.

Nhưng rồi rất nhanh, với nhiều fan hâm mộ, té ra VAR cũng chả thắng được những ông người. Đó là các trọng tài, người ra quyết định cuối cùng. Đỉnh điểm là việc Nigeria không được hưởng quả phạt đền khi hậu vệ Rojo của Argentina để bóng chạm tay trong vòng cấm trong trận cầu sống mái rạng sáng hôm nọ. Kể cả khi trọng tài đã chạy vào xem VAR.

Chuyên gia bóng đá cơ bản ủng hộ quyết định của trọng tài Cakir người Thổ Nhĩ Kỳ, dựa vào phân tích luật FIFA. Nhưng nơi nơi vẫn dấy lên tiếng chì tiếng bấc. Rằng trọng tài lẫn FIFA chỉ “ưu ái” những đội bóng lớn, những cầu thủ lớn!.

Nhưng công nghệ VAR cũng vẫn “tàn sát” ông lớn đấy thôi. Không nhờ có  VAR, thì bàn thắng ở phút thứ 90+2 của Hàn Quốc vào lưới tuyển Đức sẽ bị xếp xó. Thậm chí trọng tài biên khi căng cờ báo cầu thủ ghi bàn người Hàn đã việt vị, cũng kịp nhún vai tỏ ý rất lấy làm…tiếc. Mà đây lại là bàn thắng kết liễu từ rất sớm cuộc chơi của những nhà đương kim vô địch tại World Cup lần này.

Tít bài này tôi mạn phép mượn từ tên tác phẩm lừng danh “Của chuột và người” (Of Mice and Men) của nhà văn Mỹ John Steinbeck (Nobel Văn học năm 1962). Trong đó nổi bật với câu đề từ hẳn đã quen thuộc: “Những dự tính hoàn hảo của chuột và người thường không thực hiện được”. Bởi giữa ước muốn và hiện thực luôn là khoảng cách không dễ vượt qua, và cả hai luôn đeo đuổi nhau như hình với bóng. Tôi nghĩ, khoảng cách khó-vượt-qua đó chính là một thứ “lực hấp dẫn” vĩ đại không kém gì phát hiện về lực hút trái đất của Isaac Newton. Nó treo trước mắt loài người lý do để tồn tại. Để luôn có những dự tính và cả toan tính giúp con người kiên nhẫn đợi tan rã bóng đêm bước tới ngày mai.

Cầu thủ, trọng tài, FIFA và cả VAR không phải là thánh. Không phải bao giờ cũng chế ngự được những sai lầm. Riêng bóng đá lại chính là một vị thần tốt bụng, nhưng đáng tiếc không phải lúc nào cũng công bằng. Trò chơi cổ xưa vẫn chưa hề đáng chán này dạy chúng ta, rằng đừng mơ một thế giới mọi thứ đều ngang bằng và công bằng.

Tất nhiên, muốn “tranh thủ” được lòng tốt của vị thần ấy, thì ngoài những đức tính trung thực, cao thượng, anh phải thực sự lớn. Phải tự làm lớn mình bằng chính tài năng siêu việt.  

Còn làm cách nào để lớn, đó lại thuộc về…ý trời!

MỚI - NÓNG