‘Của nợ’

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cho đến giờ, dự án tuyến đường sắt Nhổn-ga Hà Nội đúng là của nợ đang tiềm ẩn nhiều bất ổn với những rủi ro pháp lý có tính quốc tế. Ai ngờ được tuyến đường sắt, nhiều cây số chạy ngầm, tổng chiều dài hơn 12 km này, có ngày dự kiến lùi mốc hoàn thành sau hơn cả chục năm.

Mùa mưa hay nắng, chỉ có người dân lưu thông chen chúc trước những “lô cốt” quây tôn mới thấu hiểu hậu quả của dự án giao thông chậm tiến độ kỷ lục gây ra. Không biết những quan chức liên đới ngồi phòng lạnh còn bị trơ cảm trước sự bết bát của dự án này nữa không hay chính họ cũng chán ngán lãng quên. Điều mà người dân thấy được lúc này từ Ban Quản lý dự án đường sắt Đô thị Hà Nội: Điệp khúc điểu chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung vốn. Và dù dự án khởi công lần đầu từ năm 2006 (kỳ vọng hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội), đến này cũng chỉ mới hoàn thành tiến độ trên 70%. Với việc chậm tiến độ và liên tục lỡ hẹn, “của nợ” này đội vốn thêm gần 5 nghìn tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư dự án lên 34.532 tỷ đồng. Nếu dự án được điều chỉnh lùi tiến độ tới năm 2029 (như thông tin mới nhất), có nghĩa mất 23 năm mới hoàn thành. Từng này năm, nhiều dự án trong thực tế đã phải thay thế hoặc duy tu, sửa chữa. Như vậy, dự án Nhổn-ga Hà Nội sẽ lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu về độ trì trệ, dự án Cát Linh-Hà Đông chưa là gì nếu so sánh. Có lẽ đã đến lúc cần đưa dự án này vào giáo trình quản trị nhà nước để phân tích năng lực điều hành.

Thời điểm dự án khởi công lần đầu, những người có trách nhiệm xuất hiện trên truyền thông với bao lời hay ý đẹp nhằm tô vẽ cho nhiệm kỳ công tác của mình. Chỉ có người dân hết hy vọng rồi thất vọng, cho đến nay chắc đã đủ chán chường. Những ai muốn trải nghiệm tàu điện ngầm, chỉ còn cách đi du lịch nước ngoài. Ở trong nước, “bài ca” dự án giao thông chậm một cách kiên trì muôn thủa, biết khi nào mới kết thúc? Đừng để một thanh niên 23 tuổi vào năm 2029 hỏi phụ huynh sao con ra đời năm 2006 mà đến giờ vẫn chưa được đi metro như các bác, các ông từng hứa.

Có ý kiến đề xuất, để những toa tàu đã nhập về không lãng phí và gỉ sét vô nghĩa (chờ dự án Nhổn-ga Hà Nội hoàn thành), ban quản lý nên tổ chức triển lãm hoặc bán vé thu hút những ai thích chụp ảnh “check-in” sống ảo.

Còn những lô cốt quây tôn cũng nên mở cửa tạo điều kiện giúp bà con làm các điểm trông ô tô, xe máy, nếu không để cỏ mọc thêm hoang hoải. Trường hợp, ban quản lý muốn nuôi cỏ, chăn thả gia súc nên xem như một giải pháp tạm thời. Có như vậy, “của nợ” mới đỡ chướng tai, gai mắt giữa bàn dân thiên hạ.

MỚI - NÓNG