Cửa hẹp

Cửa hẹp
TP - Một đề án nhiều tham vọng mới đây đã được Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ ban hành. Theo đề án này, đến năm 2020, sẽ cơ bản hình thành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô ở Việt Nam.

Với dân số lớn thứ 15 trên thế giới và nhu cầu sở hữu ô tô của người dân ngày càng tăng, việc tăng cường nội lực trong ngành công nghiệp ô tô, không để nước khác nhảy vào khai thác, là một quyết tâm đáng ghi nhận và cần kiên quyết thực hiện bằng được. Thông tin doanh nghiệp sản xuất ô tô Nhật Bản dự tính tăng nhập khẩu xe nguyên chiếc vào Việt Nam thay vì sản xuất trong nước để lại nhiều suy ngẫm. Thực tế Chính phủ Việt Nam đã có nhiều ưu đãi ngay từ đầu đối với các doanh nghiệp FDI đổ vốn vào sản xuất ô tô tại Việt Nam, trong đó có Toyota.

Còn nhớ, trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về chiến lược nội địa hóa, Chủ tịch HĐQT  Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên nhiều lần nhấn mạnh rằng với chính sách hiện nay, có dở hơi mới làm nội địa hóa ở Việt Nam. Thậm chí, nếu là chủ tịch Toyota, ông cũng không làm mạnh nội địa hóa ở Việt Nam. Những nhận xét của một doanh nhân đã phải trả giá vì những sai lầm về chiến lược nghe chừng cay đắng nhưng là một thực tế nếu nhìn trong lịch sử VAMA bao nhiêu năm qua, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp nước ngoài đều không đạt theo lộ trình đề ra.

Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam không nội địa hóa thì bị đào thải nhưng với chính sách như hiện nay thì doanh nghiệp nước ngoài không đảm bảo các cam kết về lộ trình nội địa hóa cũng không bị đào thải mà càng có lãi. Những tính toán cho thấy nếu nội địa hóa sâu, thậm chí doanh nghiệp sẽ bị lỗ.

Đến nay, dù đã rất lớn mạnh với nguồn thu và số xe bán ra rất lớn trong nhiều năm tại Việt Nam, cam kết về tỷ lệ nội địa hoá của Toyota không đạt như trong giấy phép đầu tư yêu cầu (không đạt được tỉ lệ nội địa hóa 30% giá trị xe sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam). Thậm chí, tỷ lệ 37% nội địa hoá chỉ là ở mẫu xe Innova, các mẫu khác còn thấp hơn.

Ưu đãi để thu hút nguồn lực bên ngoài tham gia phát triển kinh tế là việc nước nào cũng làm. Tuy nhiên, ưu đãi đến mức kịch khung, chưa kể một số trường hợp phá rào ưu đãi để thu hút vốn FDI dường như lại là việc làm không hẳn là khôn ngoan. Nhượng bộ nhiều sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp “được đằng chân lân đằng đầu” tiếp tục “ép”, “dọa rút vốn” để đòi hỏi quyền lợi.

Ở các nước, ưu đãi thu hút đầu tư với điều kiện, chế tài ràng buộc đi kèm dường như là nguyên tắc bất di bất dịch. Anh mang tiền đến, tôi tạo điều kiện tốt nhất để anh thực hiện cam kết. Sòng phẳng và rõ ràng: Làm đúng anh được lợi nhuận, được uy tín, còn ngược lại, lợi dụng lòng hiếu khách, ưu đãi để đòi hỏi tiếp những ưu đãi mới thì cũng đến lúc lời tiễn khách, dù đau, cũng phải đưa ra.

Đã đến lúc Việt Nam cần nghĩ tới việc chuyển hướng sang các ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô để xuất khẩu thay vì chỉ mãi loay hoay với việc làm sao để phục vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Với những chiến lược bài bản, rõ ràng và chi tiết, đằng sau những con đường, những cánh cửa hẹp sẽ là những lối thoát rộng, đủ sức đưa Việt Nam không chỉ có được ngành công nghiệp hỗ trợ mà còn đủ để lan tỏa sang nhiều lĩnh vực khác, thay vì chỉ chăm chăm, dựa vào những nguồn lực ngày càng suy kiệt.

MỚI - NÓNG