Cử tri tiếp tục kiến nghị mở rộng Quốc lộ 6 đoạn Hà Đông - Xuân Mai

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến
TPO - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, việc mở rộng Quốc lộ 6 đoạn từ Hà Đông đến thị trấn Xuân Mai là mong muốn của thành phố từ lâu, nhưng chưa được quan tâm do nhiều chính sách về đầu tư thay đổi. Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT triển khai đoạn đường này.

Sáng 14/12, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng với Tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội số 13 tiếp xúc cử tri huyện Chương Mỹ sau kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố khóa XV.

 Cử tri huyện Chương Mỹ đánh giá cao những kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Cử tri Nguyễn Đình Hanh, xã Phụng Châu kiến nghị sớm đầu tư mở rộng quốc lộ 6, đoạn từ Hà Đông đến thị trấn Xuân Mai; nâng cấp đường du lịch chùa Trầm hiện bị xuống cấp; đầu tư cải tạo trạm bơm tưới Phụng Châu để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, ngập úng gây ra...

 Cử tri Nguyễn Thị Huế (xã Thủy Xuân Tiên), cử tri Đặng Đình Dũng (xã Lam Điền) kiến nghị thành phố sớm hoàn thành việc cấp nước sạch đến các hộ dân nông thôn; đầu tư cứng hóa giao thông nội đồng, nhất là với 3 xã được huyện Chương Mỹ tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao; cải tạo đường đê sông Đáy và ô nhiễm môi trường nước sông Đáy...

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, mặc dù phải triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh chưa có tiền lệ, đó là vừa phải phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, song tăng trưởng của thành phố năm nay đạt 3,98%, gấp 1,5 lần mức tăng chung của cả nước. Thu ngân sách thành phố đạt gần 280 nghìn tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019...

 Thành phố đã tập trung tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, bảo đảm tiến độ và chất lượng; thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là kịp thời chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

 Theo bà Tuyến, trong năm 2021, thành phố đã đề ra 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đồng thời xác định một số giải pháp trọng tâm, trước hết là chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm; tập trung triển khai 2 nghị quyết của Quốc hội về thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thành phố tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 gắn với đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế…

Với ý kiến cử tri về việc mở rộng quốc lộ 6 đoạn từ Hà Đông đến thị trấn Xuân Mai, bà Tuyến cho biết, mở rộng tuyến đường này là mong muốn của thành phố từ lâu, nhưng chưa được quan tâm do nhiều chính sách về đầu tư thay đổi. Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT triển khai đoạn đường này.

Với các kiến nghị về đầu tư tuyến đường du lịch chùa Trầm do xuống cấp; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn xã Đồng Phú… bà Tuyến đề nghị huyện Chương Mỹ rà soát lại các dự án, công trình, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị của thành phố đề xuất giải pháp, triển khai theo thẩm quyền.

Trước đó, theo phản ánh của Tiền Phong, trong 5 cửa ngõ vào Thủ đô, lòng đường thường từ 6 đến 10 làn xe, nhưng tuyến Quốc lộ (QL) 6 chỉ có 2 làn xe cho cả hai chiều đường. Do mặt đường chật hẹp, lại bị lấn chiếm nên hiện nay một số đoạn tuy mang tiếng là QL nhưng 2 ô tô tải tránh nhau còn khó khăn. Tình trạng này đã diễn ra hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. Ngoài ùn tắc kéo dài thường xuyên, Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội còn cho biết, trong các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn huyện Chương Mỹ, QL6 đang chiếm số lượng “top” đầu.

QL6 là tuyến cửa ngõ và cung đường đi lại gần nhất giữa Hà Nội và Hòa Bình, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để thành phố Hà Nội triển khai dự án cải tạo, nâng cấp theo hình thức chỉ định nhà đầu tư. Ngay sau đó, dự án được thành phố Hà Nội giao cho Tổng Cty Sông Đà lập và thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai dài khoảng 25 km theo hình thức BOT kết hợp với BT. Dự án được thành phố Hà Nội xác định là công trình trọng điểm thuộc nhóm A, có mục tiêu chính: giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên QL6 đoạn qua Hà Nội.

Tuy nhiên, sau đó, do Tổng Cty Sông Đà không thực hiện được dự án nên đến năm 2012, công trình phải tìm chủ đầu tư mới. Theo đó, tuyến đường dự án đã chia làm 3 đoạn, gồm đoạn từ Ba La đến đầu thị trấn Chúc Sơn, đoạn qua thị trấn, đoạn Chúc Sơn - Xuân Mai. Với đoạn Ba La - Chúc Sơn, năm 2012, UBND quận Hà Đông đề xuất thực hiện dự án đoạn này với tổng kinh phí 3.578 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2017; đoạn qua thị trấn Chúc Sơn dài hơn 2 km, UBND huyện Chương Mỹ cũng đề xuất được làm chủ đầu tư và có tiến độ hoàn thành năm 2017. 

Với đoạn thị trấn Chúc Sơn - Xuân Mai, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho liên danh Tổng Cty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), Cty CP Thương mại Ngôi nhà mới, Cty CP Sông Đà Hà Nội, Tổng Cty Phát triển hạ tầng đô thị, Cty Đầu tư và dịch vụ thương mại Đại An thực hiện dự án theo hình thức BT. Để thực hiện dự án, liên danh này đã thành lập Cty CP Đầu tư Louis Group làm đại diện nhà đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư là 4.907 tỷ đồng và quý II/2022 hoàn thành.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có đoạn dài 2 km qua thị trấn Chúc Sơn là được triển khai. Mốc thời điểm năm 2017 đã qua 3 năm nhưng hiện công trường dự án vẫn chưa xong; với đoạn Ba La - Chúc Sơn, do UBND quận Hà Đông không huy động được đủ vốn nên năm 2017 có văn bản xin được dừng. Trước tình thế trên, UBND thành phố tiếp tục giao cho nhà đầu tư là Cty CP Đầu tư Louis Group (Louis Group) bổ sung đoạn này và nâng tổng mức đầu tư của  Louis Group tại dự án lên 8.485 tỷ đồng. Nhưng đến nay, đã gần 10 năm trôi qua, dự án cải tạo QL6 vẫn chưa được khởi công.

MỚI - NÓNG