Cụ thể hóa vai trò giám sát của đảng viên và quần chúng nhân dân

Cụ thể hóa vai trò giám sát của đảng viên và quần chúng nhân dân
TP - Dù ở giai đoạn lịch sử nào, thì việc thành bại của một chế độ chính trị cũng bắt đầu từ vấn đề con người.
Cụ thể hóa vai trò giám sát của đảng viên và quần chúng nhân dân ảnh 1
ông đinh đình Phú, người dũng cảm chống tiêu cực suýt bị khai trừ đảng, nếu không được dư luận và chi bộ bảo vệ

Xây dựng cơ chế hữu hiệu để phát huy nhân tài, thu phục nhân tâm, loại bỏ kẻ cơ hội, nhũng nhiễu là cơ sở để đưa bộ máy nhà nước, bộ máy Đảng lên ngang tầm nhiệm vụ. 

Chúng ta vẫn nói, cán bộ nào thì phong trào ấy. Thực tiễn hiện nay, cũng có thể nói, cán bộ nào thì địa phương ấy, cán bộ nào thì đất nước ấy.

Điều bất thường là, vẫn tồn tại không ít cán bộ có chức, có quyền ở các cấp, vi phạm pháp luật, tham nhũng có hệ thống, mà vẫn được cất nhắc, đề bạt kiểu như ông TGĐ Bùi Tiến Dũng vừa bị bắt vì mang cả triệu đô đi đánh bạc chỉ sau thời gian ngắn đắc cử Thường vụ đảng ủy Bộ GTVT là ví dụ nóng hổi.

Như vậy, công tác tổ chức cán bộ, trước hết là trong hệ thống Đảng chưa hoàn thành trách nhiệm... Đổi mới triệt để công tác cán bộ theo hướng công khai hóa, dân chủ hóa, minh bạch hóa, dựa vào dân, tôn trọng ý kiến người dân, ý kiến cơ sở phải chăng chính là giải pháp hữu hiệu nhất, là liều thuốc chữa trị tận gốc căn bệnh hình thức, hời hợt, “cánh hẩu, vừa lòng” trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay?

Nhiều cán bộ có trách nhiệm nói, kẻ tham nhũng hoạt động rất kín đáo nên không dễ gì phát hiện ra. Đúng là tham nhũng đang ngày càng nghiêm trọng và cũng ngày càng tinh vi, lại có dây dợ bao bọc, có cơ chế hổng hểnh “vận dụng thế nào cũng được” làm bệ đỡ.

Tác giả Nguyễn Trung dẫn lời một bạn đọc nhận xét đất nước chưa nắm bắt được “thời cơ vàng” nhưng bọn tham nhũng đã nắm được rồi, nghe xót xa mà có lý! Tuy thế, cần phải đặt vấn đề một cách nghiêm túc xem chúng ta đã tận dụng các nguồn lực chống tham nhũng một cách rốt ráo chưa?

Chúng ta biết bức xúc của đông đảo nhân dân về tình trạng tham nhũng đang ngày càng trầm kha nhưng đã thực sự tìm đến quần chúng nhân dân, xây dựng quần chúng nhân dân thành tai mắt tin cậy để lật tẩy nạn tham nhũng hay chưa? Xin nêu một ví dụ nhỏ.

Có một vị lãnh đạo cấp tỉnh khi đi tiếp xúc cử tri nói rất nhiều điều to tát về chiến lược phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Nhưng có một cử tri hỏi ngay: “Tôi chỉ hỏi một câu thôi: đồng chí có mấy suất đất tất cả?”. Vị lãnh đạo hơi bất ngờ xong cũng trả lời: “Tôi có hai suất.

Một suất được cấp và một suất mới mua cho con trai ra ở riêng”. Người hỏi lắc đầu: “Đồng chí có bốn suất đều đất hai mặt đường, mỗi suất trên hai trăm mét vuông. Bốn suất này đều được cấp hoặc mua rẻ cả. Nếu cần tôi sẽ chỉ rõ vị trí mỗi lô...

Nếu đồng chí nói đúng, nói thật thì chúng tôi xin gửi gắm niềm tin vào đồng chí. Nếu không, đồng chí nói hay mấy, chúng tôi cũng chỉ nghe để biết vậy thôi”.

Rõ ràng, người dân không thể “vượt hàng rào” các công trình trọng điểm quốc gia để thực thi vai trò giám sát. Người dân cũng không thể lật lại cả trăm km đường để xem ông TGĐ mang cả triệu đô la đi đánh bạc kiếm chác ở đâu ra số tiền lớn thế.

Nhưng người dân biết rõ những cán bộ giàu lên bất thường, những cán bộ sinh hoạt ăn chơi phung phí, những tài sản lớn như đất đai, nhà cửa... Vấn đề là tổ chức Đảng có lắng nghe, và lắng nghe rồi có kiên quyết xử lý hay không!

Thực tế đáng buồn là nhiều nơi, cán bộ có trách nhiệm, kể cả cán bộ trong hệ thống tổ chức và kiểm tra Đảng- nơi chịu trách nhiệm chủ yếu về công tác cán bộ- vẫn “dị ứng” với những ý kiến đóng góp xây dựng của đảng viên, quần chúng, “dị ứng” với những người hay “ý kiến”, cho là “thành phần bất mãn”...

Cộng với tâm lý nể nang, nghiêng về người có quyền, dễ xuê xoa, cho qua. Đấy là chưa kể, còn có trường hợp cái xấu lấn át, tổ chức Đảng bị lũng đoạn, kỉ luật Đảng bị biến thành công cụ để kẻ tiêu cực trù dập người chống tiêu cực.

Trường hợp ông Đinh Đình Phú ở Đồ Sơn là một ví dụ. Nếu không có sự “vượt tuyến” để đến được với cấp lãnh đạo cao nhất, biết đâu quyết tâm khai trừ đảng ông Phú của Ban lãnh đạo thị uỷ Đồ Sơn sẽ được thực hiện? Khi ấy, tiếng nói của một người có “án tích” bị loại ra khỏi Đảng “vì bất mãn, vu khống” liệu có còn được ai lắng nghe?

Cho nên, xây dựng cơ chế để người dân nói lên tiếng nói của mình, khuyến khích và bảo vệ người dân chống tiêu cực phải là công việc cấp bách, sống còn, nếu Đảng thật sự muốn loại trừ tham nhũng, tiêu cực.

Dự thảo Báo cáo chính trị đã đề cập đến vấn đề này song còn mờ nhạt. Chương XIV, khoản 4 chỉ nói gọn trong một câu: “Có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ”. “Có cơ chế” nhưng đó là cơ chế thường xuyên hay hình thức, chiếu lệ?

Hơn thế, cụm từ “có cơ chế” còn mang tính “ban phát”, và ẩn chứa trong nó khả năng vận dụng theo nhiều cách khác nhau, tuỳ theo nhận thức của từng người.

Theo tôi, Báo cáo chính trị cần khẳng định dứt khoát: “Xây dựng cơ chế hữu hiệu, thường xuyên để đảng viên và nhân dân góp ý, giám sát, đánh giá cán bộ, coi đó là yêu cầu sống còn, là cơ sở không thể thiếu để đánh giá chất lượng của cấp ủy đảng và mỗi đảng viên”. Có như thế, vai trò của nhân dân, của quần chúng mới thực sự phát huy và phát huy đúng mức.

Bài 2: Không ai được đứng trên hay ngoài pháp luật

Thạc sĩ Đỗ Chí Nghĩa
(Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.