Cụ Khiết sung sướng ôm cột chủ quyền Km số O, mắt rưng rưng lệ. Không chỉ có các chiến sỹ biên phòng làm nhiệm vụ ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị mừng vui, xúc động; mà nhiều du khách Trung Quốc cũng tranh thủ xin chụp ảnh lưu niệm với một cụ già râu tóc bạc phơ có sức mạnh, ý chí phi thường.
Vợ và con cháu ngăn không nổi
Cụ Khiết cho biết: “Ý tưởng đạp xe từ mũi Năm Căn (Cà Mau) về xứ Lạng đã nung nấu từ lâu. Tôi đã thảo Bức tâm thư tình nguyện đi xe đạp viếng thăm, thắp nhang cho các liệt sỹ tại các nghĩa trang dọc dài đất nước nhân kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất và 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy vậy, trở ngại đầu tiên lại là vợ và con cháu trong gia đình. Họ bảo rằng, với tuổi 76, mưa nắng thất thường, biết chuyện gì sẽ xảy ra...?”.
Cụ Khiết có 7 người con nam, nữ, đều đã có gia đình riêng; cụ bà dạo này sức khỏe yếu nên càng tha thiết mong chồng ở nhà. Sau vài tuần “giả vờ” yên thân, cụ Khiết âm thầm lên kế hoạch và tiết kiệm tiền ăn sáng để lo kinh phí cho chuyến đi dài ngày. Vào một ngày cuối tháng 3/2015, cụ Khiết tập hợp gia đình để “Tuyên bố thực hiện ý nguyện cuối cùng”. Cụ không quên nhắc lại 2 chuyến đi trước đây: Đạp xe tuyến Sài Gòn- Hà Nội (năm 2010) và đi bộ xuyên Việt (năm 2011) an toàn, thành công nhằm giúp mọi người tin tưởng, an tâm với dự định của mình.
Để chắc ăn, cụ Khiết đọc bức thư ngỏ gửi các con; trong đó có đoạn: “Ba muốn bước đi những bước chân bình thản giữa đời thường, giữa ồn ào vội vã của cuộc sống vì biết đâu trong đó, ta khám phá được lòng mình và lắng nghe tất cả, mọi người có thể chia sẻ với nhau những điều phải trái, hay dở. Ba muốn thể hiện chính mình và thực hiện những điều ba muốn làm, vì đời người chỉ sống có một lần, ba không muốn để ước mơ và khát vọng trôi dần theo năm tháng... Ba muốn rèn luyện sức mạnh kể cả thể lực lẫn tinh thần để vượt qua những khó khăn, trở ngại, tự bảo vệ chính mình trong những khi rủi ro, bất ngờ xảy ra”.
Và những thử thách liên tiếp cũng đã đến với cụ; kể từ khi xuất phát chặng hành trình vào lúc 7 giờ 45 phút, ngày 31/3/2015 tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Theo nhật ký hành trình của cụ Khiết, mỗi ngày đi được khoảng 60-70 cây số. Có những khi gặp mưa bão, ướt như chuột lột, dắt ngược xe trên đèo Hải Vân, tưởng như không chịu nổi. Khó khăn nhất là đoạn đường đến Phan Thiết với những sỏi đá, cát cuội, đường ổ voi, ổ chuột, xe cộ chen lấn. Gió hốt cát rát mặt, chui vào mắt, quần áo bê bết toàn đất, cát. Cụ bỗng cất lên đoạn hát thơ: “Ta đi chỉ có một mình/ Ngắm nhìn non nước đẹp xinh tuyệt vời/ Thế mà gió ghẹo lả lơi/ Làm ta chùn bước thở hơi ngắn, dài/ Đôi chân ta vẫn miệt mài/ Đi cho đến chốn, mặc ai cản đường”.
Khi đến cảng cá Cà Ná, cụ ghé quán trọ Thủy Tiên xin nghỉ qua đêm, móc ví lấy chứng minh nhân dân mãi không thấy; thì ra đã để quên tại một nhà trọ có tên Tiamo (gần TP Phan Rang), cụ lại phải đạp xe quay trở lại vài chục cây, may lấy lại được.
Cụ Khiết tâm sự: Trong chặng đường hơn 40 ngày rong ruổi từ Nam ra Bắc đã có 2 lần thủng lốp giữa đường. “Lại có ba lần đang đạp xe bỗng trời tối sầm. Tôi hoa mắt, choáng mặt; nhưng theo phản xạ, tôi bóp phanh, chiếc xe ngã xuống rệ cỏ ven đường. Tôi bất giác sợ hãi, có thể sẽ phải bỏ cuộc giữa đường. Nhưng bằng tất cả ý chí, tôi thành tâm cầu khấn, dồn mọi tâm sức để đứng dậy và đi”. Cụ Khiết nói.
Ấn tượng chuyến đi là mỗi lần được đến nghĩa trang liệt sỹ trải dài theo chữ S đất nước. Theo thống kê của cụ Khiết, có trên 40 địa điểm cụ đến dâng hương, dâng hoa và những lần như vậy, cụ như được tiếp theo sức mạnh, nghị lực để tiếp tục rong ruổi trên “con ngựa sắt” mỏng manh, mà cháu nội cụ đã để lại cho.
Được dân, quân cưu mang
Cụ Khiết chụp ảnh lưu niệm với thanh niên Lạng Sơn
Cụ Khiết nhớ mãi câu chuyện một bà già trên 80 tuổi trú ở ngõ 17 đường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh đã tặng một gói xôi và lần tìm trong vạt áo 10 ngàn đồng để tặng; cụ Khiết từ chối mãi không được.
Trên đường, phần lớn các nhà trọ cụ ghé qua, đều miễn phí hoặc giảm giá; có người còn tặng thêm tiền. Cụ Khiết bảo: “Hình như mình có duyên với lực lượng vũ trang và nhà chùa hay sao; cứ mỗi lần chồn chân, mỏi gối, đói bụng, thường bắt gặp doanh trại quân đội hoặc nơi thờ tự. Vào ngày 14/4, tôi đang bỡ ngỡ trước cổng chùa Phật học thành phố Sóc Trăng thì thầy trụ trì Thích Huệ Nghiêm ân cần dắt tay vào trong rồi nói: “Tôi nghe tin cụ đạp xe xuyên Việt, đã chờ từ sáng. Hôm nay là ngày sám hối của chùa nên mời cụ vô chính điện, tôi làm lễ cầu an, cầu phúc cho”.
Khi lên tới cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), các chiến sỹ Biên phòng nơi đây hướng dẫn ân cần cụ đi thăm Km số 0, cột mốc số 1116. Anh Lê Văn Vương, một sỹ quan trẻ thấy sắc mặt cụ có vẻ xuống sức liền pha sữa mời cụ uống. Trước lúc chia tay cụ, anh Vương còn biếu 200 ngàn đồng để cụ uống nước, làm lộ phí đi đường.
Sáng 11/5, tại Tỉnh Đoàn Lạng Sơn, cụ Khiết có buổi gặp mặt, giao lưu, trò chuyện với tuổi trẻ địa phương. Cụ tâm sự, chiếc áo xanh mang biểu tượng của đoàn thanh niên được cụ mặc đi suốt cuộc hành trình, nhắc nhở đoàn viên, thanh niên về ý chí và nghị lực; đồng thời động viên giới trẻ ra sức giữ gìn, bảo vệ biên cương tổ quốc.
Sau khi hoàn thành chuyến hành trình đạp xe từ mũi Cà Mau đến km số 0 Hữu nghị (Lạng Sơn); cụ ông Hồ Ngọc Khiết tiếp tục trở về Hà Nội, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 19/5, báo công dâng Bác.