Hồn xưa còn một chút này…
Chúng tôi đặt chân lên cù lao Phố vào giữa trưa. Vừa qua cầu Hiệp Hòa, sự oi bức, ngột ngạt và đông đúc của một thành phố công nghiệp dường như biến mất. Thay vào đó là những mái nhà ngói ẩn khuất trong những vườn bưởi xanh tốt, xum xuê.
Cầu Ghềnh được xây dựng trên 100 năm nối Cù lao Phố với đất liền |
Lão nông Vi Văn Tiền (63 tuổi, cư dân nhiều đời sinh sống ở Cù lao Phố) nói, thế hệ cha ông và các bậc cao niên ở đây thường kể cho con cháu về sự phát triển một thời của Cù lao Phố. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, diện mạo của thương cảng cù lao Phố chỉ còn trong di sản văn hóa và các câu chuyện truyền đời được các nhà nghiên cứu ghi nhận lại.
Về quá trình hình thành và phát triển Cù lao Phố, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho biết, năm 1698, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược, mở mang đất phương Nam. Ông đã đặt Tổng hành dinh tại đất Cù lao Phố, lập phủ Gia Định gồm hai huyện: Phước Long (đặt dinh Trấn Biên); Tân Bình (đặt dinh Phiên Trấn). Tuy nhiên, Cù lao Phố bắt đầu chuyển mình từ khi Thắng Tài hầu Trần Thượng Xuyên đặt chân tới và biến một vùng đất hoang vu, hẻo lánh trở thành trung tâm thương mại sầm uất và thịnh vượng bậc nhất ở xứ Đàng Trong.
Cảnh mua bán nhộn nhịp tại Cù lao Phố cũng được sử sách ghi lại: “Các thuyền ngoại quốc tới nơi này bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về, gọi là "hồi đường", chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua dùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh.
Một góc Cù lao Phố |
Đáng tiếc, giai đoạn thịnh vượng của Cù lao Phố kéo dài được 97 năm (1679-1776), sau đó suy thoái bởi những biến cố lịch sử.
Lo di sản mai một…
Đến với Cù lao Phố, tuy chỉ cách trung tâm TP Biên Hòa một dòng chảy sông Đồng Nai, du khách dễ dàng cảm nhận sự lắng dịu, êm ả khác với sự ồn ào náo nhiệt của phố xá, sự tất bật của dòng người đi vào các khu công nghiệp. Nét cổ xưa của Cù lao Phố, thể hiện ở từng bến sông, gốc đa, hàng cây dầu cổ thụ.
Trên vùng đất cù lao khoảng 700 ha có đến 11 ngôi đình, 6 ngôi chùa, 1 thánh thất, nhiều tịnh xá và miếu, mộ… trong đó có 3 công trình đã được xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia như đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đại Giác cổ tự và Chùa Ông. Mỗi công trình văn hóa ở đây đều có truyện tích, sự kiện được truyền qua nhiều thế hệ.
Lão nông Vi Văn Tiền cho biết, chiến tranh, loạn lạc đã làm những cư dân ở Cù lao Phố ngày xưa ly tán, các đời sau gần như không còn. Tuy nhiên, dấu tích xưa của Cù lao Phố, các công trình tâm linh, văn hóa của vùng đất này vẫn còn được gìn giữ và truyền từ đời này qua đời khác. Đặc biệt, đã qua hàng trăm năm, nhiều cổ vật trong các đền, chùa vẫn còn được gìn giữ, bảo quản nguyên vẹn.
Lão nông Vi Văn Tiền |
Theo lời các bậc cao niên truyền lại cho con cháu thì ngày xưa thương cảng của Cù lao Phố nằm gần Ngã tư chợ hiện nay. Sau này, giới khảo cổ, nghiên cứu còn tìm thấy ở đó những phiến đá đỏ được người xưa đưa từ nơi khác đến để xây kè cho bến cảng. Nghề làm gốm cũng từng rất phát triển ở đây và đến nay dấu tích xưa vẫn còn nằm đâu đó trên dòng kênh Lò Gốm.
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, Cù lao Phố của hiện tại vẫn đang là vùng đất rộng, người thưa của TP Biên Hòa hơn 1,1 triệu dân. Những người dân kỳ cựu của vùng đất này như ông Vi Văn Tiền vẫn đau đáu nỗi lo nếu không có quy hoạch và quản lý đô thị thì đến một ngày nào đó, sự phát triển xô bồ sẽ phá vỡ cảnh quan, làm mất nét văn hóa truyền thống của Cù lao Phố.
Theo cuốn “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (tác giả Nguyễn Hiền Đức, Nhà xuất bản TPHCM năm 1995), chùa Đại Giác trên Cù lao Phố được xây dựng vào thế kỷ 17. Trong thời gian chúa Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long) ở Gia Định lưu lại chùa. Con gái thứ ba của chúa là Ngọc Anh xin xuất gia tại đây. Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho trùng tu chùa, sai mang voi đến san nền và dâng cúng tượng Phật A-di-đà lớn bằng gỗ. Vì vậy, chùa Đại Giác còn có tên gọi khác là chùa Tượng, chùa Phật Lớn.