Sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam – Sóng Festival chính thức khai mạc. Từ trái qua phải: ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank; ông Nguyễn Quang Hưng, chủ tịch Cty CP Thanh toán Quốc gia Napas; ông Bùi Quang Huy, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong; Đại sứ Ngày Thẻ Việt Nam lần 2- MC Khánh Vy |
Những người bản địa của kỹ thuật số
Cơn mưa rào đầu mùa hạ ập xuống khi sự kiện Sóng Festival trong chuỗi Ngày Thẻ Việt Nam lần 2 chính thức bắt đầu. Những tưởng sẽ làm giảm đi nhiệt tình của các sinh viên. Dù chưa đến giờ mở cửa nhưng đã rất đông sinh viên có mặt tại sân từ sớm
Nguyễn Thị Huyền sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, đây là lần thứ hai đến với Sóng Festival. So với lần đầu, Sóng Festival lần này mang tầm vóc và có sức hấp dẫn với giới trẻ hơn rất nhiều. Với việc quét mã Việt QR đã đem đến cho Huyền một trải nghiệm mới mẻ. Không những thế, Huyền đã đăng ký một tài khoản ngân hàng số. Còn Nguyễn Đình Thành, sinh viên năm thứ 2, trường ĐH Bách khoa Hà Nội sau khi “check in” tại gian hàng của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Viettinbank) đã nhận ngay phần quà là một chiếc vali đi du lịch. Thành cho biết, đây là lần đầu tiên bạn tham gia sự kiện Sóng Festival và cũng lần đầu “check in” đã nhận được phần quà có giá trị nên thấy thật may mắn. Thành cho hay, món quà sẽ theo bạn trên các chặng đường mỗi lần về quê, đi du lịch.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu chỉ đạo |
Phát biểu tại buổi Lễ Khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng, vốn được gọi là “những người bản địa của kỹ thuật số” (Digital Natives), giới trẻ sẽ là những nhân tố sẵn sàng tiếp cận, đón nhận những trải nghiệm mới trong thanh toán và được kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng của cộng đồng. “Qua những sự kiện như thế này, tôi tin là những hình thức thanh toán mới với công nghệ tiên tiến sẽ được giới thiệu đến cộng đồng giới trẻ một cách cụ thể và trực quan nhất, giúp các bạn có những trải nghiệm mới mẻ, củng cố sự tự tin mở ra lối sống hiện đại. Đây đúng là tinh thần được BTC đưa vào chủ đề “Tự tin mở lối” cho sự kiện Ngày thẻ Việt Nam lần 2 này”, bà Oanh nói.
Còn ông Tô Đình Tơn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) khẳng định, Agirbank đánh giá cao và luôn đồng hành, hưởng ứng mạnh mẽ với các hoạt động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là Ngày thẻ Việt Nam lần 2. “Tôi cho rằng, năm nay, chủ đề “Tự tin mở lối” sẽ tiếp tục là cú hích thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa góp phần thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước”, ông Tô Đình Tơn cho hay.
Với mục tiêu “Tự tin mở lối”, Ban tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam 2022 kỳ vọng hướng tới các mục tiêu chuyên sâu hơn về chuyển đổi số của ngành ngân hàng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ; cập nhật các ứng dụng số trong các dịch vụ tín dụng - thanh toán; biến thanh toán số trở thành một phần quen thuộc trong xã hội và đời sống hằng ngày.
Ngày Thẻ Việt Nam 2022 tiếp tục lan tỏa thông điệp
Tại buổi Lễ khai mạc, Tổng biên tập báo Tiền Phong, nhà báo Lê Xuân Sơn - Trưởng ban Tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam cảm ơn các đại biểu cũng như sinh viên các trường ĐH đã đến tham gia đông đảo Sóng Festival lần 2 trong bối cảnh một ngày thời tiết không thuận lợi. Theo ông, thế giới trong đó có Việt Nam đang trong cuộc cách mạng 4.0, một cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ số. Tất cả quốc gia và Việt Nam đều ý thức tính sống còn để không bị tụt lại phía sau. “Chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng rất quan trọng trong nền kinh tế số. Không có nền kinh tế số nếu ngành ngân hàng không chuyển đổi số thành công”, nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ.
Theo ông, trong lĩnh vực ngân hàng, một trong các mũi nhọn trong chuyển đổi số là thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng các ứng dụng, giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ số. Không dùng tiền mặt mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế số quốc gia, cũng như lợi ích cho các thực thể tham gia vào khâu thanh toán, ví dụ như nhanh, gọn, tiện lợi và rất tiết kiệm vì giảm mạnh chi phí trong khâu in ấn và lưu thông một lượng lớn tiền giấy và nhiều yếu tố khác. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, thanh toán không tiếp xúc giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với lực lượng của mình là đoàn viên, thanh niên đang tích cực đi đầu trong chuyển đổi số. Báo Tiền Phong là cơ quan ngôn luận của Đoàn thanh niên, nên trong những năm qua rất tích cực đóng góp cho việc thực hiện chuyển đổi số bằng cách tích cực tuyên truyền và hơn thế nữa là tham gia vào tổ chức các hoạt động thực tiễn. Báo đã đưa ra sáng kiến và phối hợp với các vụ chức năng của NHNN Việt Nam cùng Cty CP Thanh toán Quốc gia (NAPAS) tổ chức rất thành công Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ nhất vào năm 2020.
Phát huy thắng lợi, báo Tiền Phong và công ty Napas tiếp tục được NHNN Việt Nam giao tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 2. So với năm 2020, sự kiện chính năm nay là Sóng Festival có sự tham gia đông đảo hơn, với 20 ngân hàng và công ty tài chính, cùng hơn 100 doanh nghiệp. Chất lượng tổ chức sự kiện cũng được nâng lên, nội dung dược mở rộng, tổ chức thêm cả cuộc toạ đàm Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt sau đại dịch.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc tạo ra một sân chơi trực tiếp, đa dạng để giới trẻ Việt Nam tham gia, tiếp cận, trải nghiệm và các ngân hàng có cơ hội đưa ra các sản phẩm, hình thức thanh toán mới, hiện đại như thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), thanh toán NFC, thanh toán qua mã QR, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile Banking, Internet… kết hợp với các giải pháp xác thực khách hàng qua sinh trắc học, bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) là rất thiết thực và cần mở rộng, duy trì hàng năm.
“Tôi tin tưởng rằng, thông qua sự kiện Sóng Festival hôm nay và các chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục truyền tải, lan tỏa các thông điệp tích cực về sản phẩm, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt đến các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước và toàn xã hội”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ.
Hơn 5.000 sinh viên đến trải nghiệm
Ngày 16/4, ngày đầu tiên diễn ra Sóng Festival tại Sân vận động Bách khoa (Hà Nội), đã có hơn 5.000 sinh viên đến trải nghiệm công nghệ thanh toán mới nhất. Trong đó, có 3.100 sinh viên đăng ký nhận quà của ban tổ chức. Gần 2.000 sinh viên còn lại chủ động mở tài khoản tại gian hàng của ngân hàng tham gia.
Khánh Vy, Đại sứ Ngày Thẻ Việt Nam 2022 chia sẻ: Ngày hôm nay, chúng ta có mặt ở đây, trải nghiệm phương thức thanh toán mới nhất, công nghệ mới nhất. Đối với giới trẻ, sẵn sàng trải nghiệm công nghệ là sẵn sàng “cập nhật lại” chính mình.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho hay, những chính sách, quy định kịp thời đã tạo thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán số trở thành một phần quen thuộc trong xã hội, đời sống hàng ngày và đã đem lại một số kết quả cụ thể: có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản và 1,5 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh trong 5 năm qua với số lượng giao dịch qua di động tăng 50 - 80%/năm; qua internet tăng 35 - 40%/năm; tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt 66%; ngành ngân hàng đã đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán điện tử của người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19.