Nguyễn Đình Toán vừa nhận giải thưởng Đào Tấn ở tuổi 76, do Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc và Tạp chí Văn hiến trao tặng, vinh danh chủ nhân của kho ảnh tư liệu văn nghệ sỹ đồ sộ. Những ngày này tâm trạng Nguyễn Đình Toán rất vui, bởi ông nhận được cả trăm lời chúc mừng từ những người yêu mến mình, trong số đó có nhiều văn nghệ sỹ tên tuổi.
Nguyễn Đình Toán không gửi ảnh tham dự bất cứ cuộc thi nhiếp ảnh nào ở trong hay ngoài nước. Ông cũng không vào Hội Nhiếp ảnh. Tôi hỏi ông: “Nhiếp ảnh chọn ông hay ông chọn nhiếp ảnh?”. Nguyễn Đình Toán cười: “Không biết được. Nhưng nghĩ lại tôi cũng không ngờ mình theo nó lâu thế”. Đối với bạn trẻ muốn theo nghiệp nhiếp ảnh, Nguyễn Đình Toán chỉ nhắc, hãy giữ lửa đam mê: “Không có đam mê, không toàn tâm toàn ý được. Cứ đam mê sẽ đạt kết quả. Nhìn lại, tôi không nghĩ mình có thành quả như hôm nay”.
“Chợ chưa họp, kẻ cắp đã đến”
Nguyễn Đình Toán từng khoác áo lính, lính pháo cao xạ trong kháng chiến chống Mỹ. Khi giải ngũ, ông về Bộ Giao thông Vận tải, làm công tác truyền thông cho một công ty, đó cũng là cơ duyên đưa ông đến với máy ảnh. Còn mối duyên của ông với văn nghệ sỹ lại nhờ người anh trong gia đình: “Anh cả của tôi thân với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Qua kho sách của anh cả mà tôi biết tên tuổi của các văn nghệ sỹ lớn”. Không có gì lạ, khi Nguyễn Đình Toán có nhiều ảnh của tác giả “Đội gạo lên chùa”. Một số nhà văn tên tuổi chỉ ưng ảnh do Nguyễn Đình Toán chụp. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, dù in và tái bản nhiều đầu sách song ông vẫn chỉ lựa tấm chân dung do Nguyễn Đình Toán chụp để đưa vào. Khi tôi nhắc đến bức chân dung được tác giả “Lạc rừng” chấm, Nguyễn Đình Toán cười và giới thiệu: “Nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà thơ Thanh Thảo đến nhà dịch giả Nguyễn Trung Đức (dịch “Trăm năm cô đơn”-PV). Tôi chụp Trung Trung Đỉnh trong cuộc ấy. Trước đây nhà của Nguyễn Trung Đức là tụ điểm của văn nghệ sỹ. Tôi chụp được nhiều chân dung thú vị ở đây”. Nhà văn Tô Hoài cứ mỗi khi trả lời phỏng vấn báo chí lại đề nghị phóng viên liên lạc với Nguyễn Đình Toán để lấy ảnh của mình.
Đạo diễn Trần Văn Thuỷ nói vui: “Chợ chưa họp kẻ cắp đã đến”. “Kẻ cắp” ở đây chính là Nguyễn Đình Toán. Qua “kênh” nào mà Nguyễn Đình Toán luôn biết những cuộc tụ tập của cánh nhà văn? Tôi hỏi. Ông bật mí: “Bạn bè kháo nhau thì tôi biết. Biết thì đến. Có cuộc không được mời cũng đến”. Chẳng ai thấy phiền khi Nguyễn Đình Toán góp mặt, như ông tự thú: “Tôi không tốn rượu, không tốn mồi, có đi đâu xa cũng không tốn chỗ, lúc nào cũng ngồi chỗ cuối cùng để ngủ. Tôi thích người ta không để ý đến mình trong những cuộc vui, để tôi được chụp tự nhiên”.
Nguyễn Đình Toán nhận giải thưởng Đào Tấn. |
Không chỉ chụp những văn nghệ sỹ đã quen biết, Nguyễn Đình Toán còn chụp cả những người chưa quen, chỉ cần người ấy gợi cho ông xúc cảm “hay hay” là ông giơ máy, bấm. Nhưng sau đó, ông cũng không liên lạc hay lân la làm quen, kết thân với nhân vật. Nguyễn Đình Toán kính trọng những người tài, tử tế và lại đang thất thế. Riêng họ, ông chủ động “gõ cửa”: “Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao… là do tôi tự tìm đến, từ những năm 90. Nhiều người lúc đó không dám đến. Cũng có người dám đến nhưng lại không được các ông tiếp. Tôi cứ đến, không sợ gì cả, chắc thấy tôi vô hại, nên các ông tiếp tôi”.
Nhớ thời dành dụm miếng ngon
Tôi từng nghĩ Nguyễn Đình Toán chẳng tha thiết lắm với tiền nên thấy ông hay quên lĩnh nhuận bút ở báo nhà. Đã mấy lần, tôi phải “alo” nhắc ông. Thì ra, tôi nhầm: “Tôi rất cần tiền, thậm chí cần nhiều tiền, nhưng tôi không vì tiền”, ông nói.
Người ta dùng “chùa” ảnh Nguyễn Đình Toán rất nhiều. Nếu quyết liệt đòi nhuận bút chắc mỗi tháng ông cũng có một khoản. Nhưng Nguyễn Đình Toán không làm điều ấy: “Dùng ảnh không ghi tên, có tác giả làm loạn lên nhưng tôi không làm thế. Ảnh của mình càng được dùng nhiều càng tốt. Tôi chỉ trách một điều, họ quên tên tác giả. Song trách cũng chỉ để trong lòng, tôi không kêu. Bởi nếu họ ghi tên tôi, họ lại nghĩ phải trả tiền cho tôi. Cho nên, bỏ qua. Nhưng nếu dùng ảnh của tôi mà lại nhớ đề tên tác giả thì xin ghi đầy đủ: Nguyễn Đình Toán. Nếu “đất” chật thì ghi tắt “N.Đ.T” cũng được, đừng ghi: Đình Toán. Đừng bỏ họ của tôi”. Yêu cầu của Nguyễn Đình Toán với những tổ chức, cá nhân sử dụng những “đứa con tinh thần” của ông chỉ đơn giản thế.
Sở hữu kho ảnh tư liệu giàu có song ông không thống kê số lượng cụ thể. Nguyễn Đình Toán không bỏ thời gian đếm ảnh. Ông còn bận với công tác gìn gìn kho ảnh đó: “Tôi giữ được tất cả, đến tận bây giờ. Quan trọng là phải giữ được chứ chụp nhiều mà không giữ được thì nói làm gì?”. Giữ được kho ảnh tư liệu trong hoàn cảnh bao nhiêu năm nhà cửa chật chội không dễ: “May sao nhà tôi đã sửa chữa được rồi, tôi đủ chỗ để chứa phim ảnh”, giọng ông phấn chấn hơn. Nguyễn Đình Toán có hai chiếc tủ chống ẩm, ông lần lượt đưa từng “đàn con” vào đó cho chúng được hút ẩm. Công việc này cũng mất của ông không ít thời gian. Tuổi đã cao, Nguyễn Đình Toán vẫn không chịu nhàn rỗi: “Tôi vẫn thức tận 2 giờ sáng, phải lục tìm, sắp đặt lại phim ảnh để còn mang đi số hoá. Nhiều phim cũ quá thì phải thuê thợ phục hồi”. Ông thành thật “khai”, ông kém công nghệ, không biết dùng photoshop: “Hai bạn tôi, Trần Định và Nguyễn Trọng Tạo đã dạy tôi song “ổ cứng” trong đầu tôi đầy rồi không nạp được nữa”.
Chính trong quá trình lục tìm phim ảnh, ông phát hiện những cuốn phim chưa dùng bị chính mình bỏ quên: “Ngày xưa dùng phim tốn lắm, mỗi ngày tôi dùng hết 2 cuốn. Một số người thân với tôi chỉ cần nhìn phim tôi dùng là biết tình hình tài chính của tôi. Khi tôi chụp phim tốt là khi tôi có tiền. Khi tôi chụp phim kém nghĩa là tôi đang kẹt tiền. Nhưng lúc nào tôi cũng có phim. Chỉ tiếc đến bây giờ tôi phát hiện có những cuộn phim tôi chưa hề dùng và có những cuộn phim tôi chụp rồi mà chưa tráng. Những cuộn phim chưa dùng có chất lượng tốt, tôi quý nên để dành sự kiện lớn. Nhưng nhà chật chội, cứ cất cẩn thận quá rồi quên mất”. Ông kể đến đây, tôi ngắt lời: “Có phải thời nghèo khó người ta hay dành miếng ngon đến cuối bữa không?”. Ông đồng ý: “Đúng! Đúng! Em có biết vì sao phim chụp rồi nhưng chưa tráng không? Vì lúc đó tôi chưa có tiền mua thuốc để tráng phim”.
Thế mà ông vẫn cố dành dụm tiền để chi cho những chuyến đi xa. Ông đưa tôi trở về quá khứ của ông: “Tôi từng vào Bình Định chụp nhà thơ Yến Lan. Năm 2019, tôi vào Sài Gòn chụp giao hưởng có Bích Trà biểu diễn. Năm 2004, tôi lên Điện Biên chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Chi phí do tôi tự túc”. Trong những sự kiện lớn, Nguyễn Đình Toán khá lạc lõng giữa rừng máy ảnh. Tuổi không còn trẻ, máy ảnh thuộc hạng xoàng: “Tôi biết thân phận nên chọn góc, tìm thời cơ bấm máy”, ông chia sẻ. Có bao giờ Nguyễn Đình Toán cảm thấy ngậm ngùi? Ông đáp liền: “Không. Tôi chỉ xem kết quả. Nếu người ta chụp hay thì tôi cố gắng để hay như thế. Còn nếu ảnh người ta kém thì cũng giúp tôi rút kinh nghiệm không nên chụp như thế”.
Sau gần một tiếng trò chuyện cùng Nguyễn Đình Toán, tôi kết luận: “Ông rất chiều mình. Chỉ làm theo điều mình muốn”. Nguyễn Đình Toán lại cười: “Đúng, đúng”. Có thể nhiều người chưa biết, Nguyễn Đình Toán chụp ảnh mỹ nhân cũng không kém phần thu hút. Những bức ảnh ông chụp diễn viên Linh Nga, khi Thuyết “buôn vua” mới vào tù, được mỹ nhân này rất thích. Khi cô sang Mỹ sinh sống và lập nghiệp đã mang theo ảnh Nguyễn Đình Toán. Ông chụp Linh Nga trong một buổi chiều hè rực rỡ ở vườn Bách Thảo (Hà Nội), để phục vụ cho bài viết của tôi khi ấy. Nhắc lại chuyện Linh Nga, Nguyễn Đình Toán lại hẹn tôi: “Lúc nào có nhân vật hay, em “alo” tôi đi cùng nhé”. Tôi không nghĩ Nguyễn Đình Toán đã U80, luôn hình dung ông như 18 năm trước, khi tôi mới biết ông và cùng nhau hợp tác trong công việc.
Đến lúc giấu máy ảnh trong cốp xe
Nguyễn Đình Toán tâm sự: “Trước đây, tôi “điếc không sợ súng” nên đến đâu cũng xông vào chụp. Bây giờ, đến đâu tôi cũng giấu máy ảnh trong cốp xe, thật cần thiết mới mang ra”. Ông không che giấu lý do phải cất máy ảnh: “Nhiều người biết tôi, đến đâu họ cũng yêu cầu chụp, tôi sợ cái đó. Từ chối cũng khó. Thà không đến hoặc đến nhưng không mang theo máy ảnh. Tôi nợ khắp nước vì người ta cứ đề nghị: Chụp đi, chụp đi. Tôi phải lảng đi, hoặc từ chối khéo”.
Có nhân vật nào thách thức tay máy Nguyễn Đình Toán? Tôi hỏi. Nguyễn Đình Toán bảo: “Ai cũng có cái ảnh vừa ý. Nếu không có ảnh vừa ý là lỗi của người chụp, không phải lỗi của nhân vật”. Tôi gợi ý Nguyễn Đình Toán ra một cuốn sách, trong đó ông chia sẻ kỷ niệm về các văn nghệ sỹ nổi tiếng. Ông công nhận: “Cái đó hay, kèm theo ảnh nữa thì quá hay”. Nhưng ông sẽ không làm: “Tôi tự thấy chữ nghĩa của tôi chưa đạt. Với lại trí nhớ của tôi suy tàn. Có những kỷ niệm tôi nhớ như in nhưng có những chuyện lại không nhớ lắm. Nếu tôi bịa, người đọc cũng không biết. Nhưng tôi dứt khoát không bịa, tôi không thích những gì không phải sự thật. Nhưng tôi sẽ làm sách chỉ có ảnh. Mỗi tấm ảnh chỉ trả lời 3 câu hỏi: Với ai? Ở đâu? Bao giờ?”.