Sáng 25/5, cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quan tâm đến niềm tin của người dân cũng như những tác động của nông thôn mới tới đời sống của người dân.
Trước những điểm bất cập, hạn chế được chỉ ra, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng đề nghị phải đánh giá, phân tích rõ việc các địa phương xây dựng nông thôn mới còn “làm theo phong trào” là như thế nào? Có chạy theo hình thức không?
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền thì đề nghị làm rõ việc sử dụng người lao động sau khi đào tạo nghề như thế nào? Theo ông Hiền, mỗi vùng miền có một nghề đặc thù khác nhau, có nơi nghề truyền thống nông nghiệp, có nơi chăn nuôi, do vậy cần xây dựng hệ thống đào tạo nghề, danh mục ngành nghề ở mỗi địa phương để khi đào tạo ra có thể phát huy được hiệu quả. Ngoài ra, ông Hiền cũng nhấn mạnh đến việc đào tạo cho lao động ngư dân đề thực hiện chiến lược biển.
Tương tự, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, trong 5 năm tới cần đánh giá thêm về các tiêu chí trên cơ sở gắn các tiêu chí với quốc phòng an ninh, như quy hoạch dân cư vùng biên giới, hệ thống thủy lợi, nông nghiệp… Tất cả đều gắn với quốc phòng an ninh, làm sao để thời bình thì hoạt động sản xuất kinh doanh, còn thời chiến thì phục vụ chiến tranh.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, nếu xã đạt được tiêu chí nông thôn mới nhưng lại mang tính hình thức, đời sống vật chất tinh thần không đạt thì phải được coi là không đạt. Bà Nga cũng đề nghị giám sát tối cao phải nêu cụ thể những nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt, trách nhiệm thuộc về ai.
“Nếu cứ nói chung chung sẽ không đạt được hiệu quả và chẳng ai sợ giám sát tối cao cả. Báo cáo đánh giá cán bộ cơ sở còn hạn chế, vậy cán bộ ở Trung ương thì thế nào? Cần phải đánh giá toàn diện, khi có vấn đề một cái là chúng ta đổi ngay cho cán bộ cơ sở”, bà Nga nêu, đồng thời đề nghị xác định cụ thể hạn chế thuộc cấp nào, bộ, ngành nào, tỉnh nào, cơ sở nào. “Chẳng lẽ Trung ương năng lực cán bộ tốt, chỉ vì cán bộ cơ sở không tốt mà kết quả không tốt?”, bà Nga nêu.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, số địa phương đạt tiêu chí nông thôn mới chủ yếu rơi vào các xã điểm ven đô có cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng khá hơn, mục tiêu trong giai đoạn 5 năm tới đạt được con số 50% là rất khó.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ việc phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Số nợ hiện nay 10.200 tỷ mà Chính phủ cho biết chỉ chiếm chưa đến 4% tổng ngân sách nhà nước cho chương trình này, nhưng những địa phương đạt nợ cao rơi vào 11 tỉnh phía bắc. “Phải tính 11 tỉnh số nợ trên tổng số mức đầu tư mới rõ tỷ lệ cao hay thấp, như thế mới đánh giá kết quả thực chất được”, bà Ngân đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị hết sức lưu ý đến các xã, huyện đạt nông thôn mới sắp tới sẽ làm gì để duy trì phát triển tiếp, nếu không các địa phương được công nhận lại tiếp tục đi xuống, trở lại như trước đây.
Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã chiếm 17,1% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và đến tháng 3/2016, có 1.761 xã chiếm 19,7% đạt tiêu chí nông thôn mới. Nguồn vốn thực hiện chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay cả nước đã có khoảng 22.500 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả; khoảng 556 nghìn ha với 2.500 mô hình hợp tác, liên kết theo mô hình “cánh đồng lớn”; khoảng 200 mô hình chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận…