Cụ bán vé số mê bóng bàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bác Nga là một vận động viên bóng bàn có tiếng ở miền Trung vào TPHCM lập nghiệp từ trước năm 1975. Mới đây, một người chơi bóng bàn tìm thấy bác đang bán vé số lúc nửa đêm trên cái cầu vắng vẻ.

Theo một cựu HLV Đội tuyển bóng bàn Việt Nam từng dẫn quân đi đấu SEA Games, “Bác Nga chơi bóng bàn nổi tiếng ở miền Trung. Bác vào TPHCM sinh sống và dạy bóng bàn. Ở độ tuổi 77, bác cũng không còn đủ sức dạy bọn trẻ và người ta không thấy bác ở đâu. Sau khi đại dịch COVID-19 bị đẩy lùi, người ta thấy bác đi bán vé số đêm trên cầu”.

Cụ bán vé số mê bóng bàn ảnh 1

Cụ Nga bán vé số đêm trên cầu. Ảnh: Vũ Phát

Bác Nga dáng người nhỏ nhắn. Bác mê bóng bàn tới mức giờ đi bán vé số dạo buổi tối, bác vẫn không quên mang theo đôi giày ba ta và cây vợt bóng bàn. Chúng như kỷ vật duy nhất còn lại đi theo bác trong những đêm mưa lạnh, dù bác chẳng mấy khi còn xỏ chân vào đôi ba ta cũ kỹ ấy.

Hình ảnh cụ già với cây vợt bóng bàn cũ bán vé số ngồi co ro trong đêm được đưa lên diễn đàn mạng, hàng ngàn người vào xem, chia sẻ và bình luận. Người thì trách con cái ở đâu để cha già lang bạt ngoài đường? Người hỏi rằng tính cách bác thế nào mà không ở được với con cháu? Nhưng nhiều hơn cả là những lời chia sẻ cảm thông.

Một số người nhận ra mấy chục năm trước cụ Nga từng đi giao lưu, thi đấu biểu diễn ở nhiều tỉnh thành. Tuyển thủ đội tuyển TPHCM Phú Sóc cho biết: “Cụ Nga từng vô địch miền Trung nhiều lần”. Nhã Uyên, một bạn mê bóng bàn viết: “Ngưỡng mộ ông! Chúc ông mau khỏe”. Nhưng cũng có tiếng than thở: “Sao một người tài như cụ mà phải cơ cực như vậy?”.

Vận động viên Phú Sóc cho biết: “Cụ Nga có ba người con, nhưng hoàn cảnh đều khó khăn. Chỉ có hai chữ hữu duyên bóng bàn, mọi người ai có điều kiện thì giúp cho cụ”.

Chỉ trong vài ngày, số tiền quyên góp gửi tặng bác Nga thông qua vận động viên Phú Sóc đã lên tới cả chục triệu đồng.

Cảm động nhất là cựu vô địch quốc gia Đinh Quang Linh, hiện là huấn luyện viên Đội tuyển bóng bàn Việt Nam chuẩn bị đấu SEA Games trên sân nhà đã lập tức gửi tặng cụ già bán vé số một đôi giầy chơi bóng bàn rất xịn, giá hơn 2 triệu đồng. Cụ Nga cho biết: “Cả đời tôi chưa bao giờ được đi đôi giầy xịn như thế này để đánh bóng bàn”.

Câu chuyện của bác Nga được nhiều lão tướng quan tâm, đồng cảm. Các cựu huấn luyện viên Đội tuyển bóng bàn Việt Nam là Vinh Hiển và Thế Ngọc… vừa tổ chức một trận đấu giao hữu các lão tướng tại TPHCM, qua đó quyên góp hàng chục triệu đồng tặng bác Nga trang trải cuộc sống.

Có người nói sức mạnh của mạng xã hội đã tạo nên sự kiện người bán vé số mê bóng bàn. Quả thực có lẽ đây là lần đầu tiên cuộc đời và thân phận một người chơi bóng bàn lại được bàn tán trên mạng nhiều như thế.

Ở góc độ khác, câu chuyện người bán vé số mê bóng bàn cho thấy trong môn bóng bàn, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, vẫn tồn tại nét văn hóa “lá lành đùm lá rách”. Thể thao không chỉ đem lại sức khỏe, mà còn đem lại những mối kết nối cộng đồng, những tình bạn không kể tuổi tác. Bạn Khiêm nhận xét rằng: “Bóng bàn là sức khỏe và sự phóng khoáng”, bạn Cuông thì viết: “Bóng bàn là nơi kết nối đam mê và tương thân tương ái”.

Nhiều người thương cụ và cạnh đó cũng không quên “khai thác” tiềm năng của cụ bán vé số dạo. Mấy trung tâm dạy bóng bàn bày tỏ dự định sẽ mời cụ giảng dạy cho trẻ em, nếu sức khỏe cụ cho phép.

Vận động viên Phú Sóc đã chuyển tận tay hàng chục triệu đồng cho ông cụ bán vé số đam mê bóng bàn. Anh Phú Sóc kể lại với mọi người: “Cụ nhận được tiền, phấn khởi lắm. Tôi hỏi: Cụ cầm số tiền nhiều thế này, liệu có đánh rơi mất không? Ông cụ đáp: Tôi sẽ đi đóng tiền thuê nhà 6, 7 tháng luôn cho chắc!”.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.