Cứ 20 giây lại có một người chết vì bia rượu

Cứ 20 giây lại có một người chết vì bia rượu
Bia rượu giết chết 3,3 triệu người trên thế giới mỗi năm, nhiều hơn số người chết vì AIDS, lao và bạo lực cộng lại. Đồng thời, Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo tình trạng tiêu thụ rượu bia gia tăng trên toàn cầu.

Tính chung, rượu bia là nguyên nhân của 1/20 số trường hợp chết trên thế giới mỗi năm, bao gồm lái xe khi say rượu, bạo lực và lạm dụng bia rượu, cùng với rất nhiều bệnh và rối loạn khác bắt nguồn từ bia rượu.

“Con số này tương đương với cứ 20 giây trên thế giới lại có một người chết vì bia rượu”, Shekhar Saxena, giám đốc bộ phân Sức khỏe tâm thần và các chất gây nghiện của WHO cho biết.

Rượu bia cướp đi tính mạng của khoảng 3,3 triệu người năm 2012, tương đương với 5,9% tổng số tử vong trên toàn cầu (7,6% đối với nam và 4,0% đối với nữ).

Trong khi đó, HIV/AIDS chỉ là 2,8%, bệnh lao chiếm 1,7% số người chết, còn bạo lực chỉ là nguyên nhân của 0,9% số ca tử vong.

Nhiều người ở những nước vốn có truyền thống tiêu thụ rượu bia thấp, như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng đang gia tăng thói quen xấu này khi thu nhập tăng lên.

Rượu bia có liên quan với 200 loại bệnh, bao gồm xơ gan và một số bệnh ung thư. Lạm dụng rượu bia cũng khiến con người ta dễ bị các bệnh nhiễm trùng như lao, HIV và viêm phổi.

Phần lớn các trường hợp tử vong do bia rượu, khoảng 1/3, là do hậu quả bệnh tim mạch và tiểu đường.

Tai nạn do bia rượu, như tai nạn giao thông, là nguyên nhân xếp thứ hai, chiếm khoảng 17,1% số người chết liên quan đến bia rượu.

Bia rượu nhiều đặc biệt gây hại cho sức khỏe. WHO đã chỉ ra rằng ước tính 16% số người sử dụng rượu bia trên thế giới bị nghiện rượu hoặc lạm dụng rượu.

Trong khi người dân ở những nước giàu, như các nước Âu Mỹ, sử dụng rượu bia nhiều hơn các nước nghèo, song thu nhập tăng lên ở các nền kinh tế mới nổi cũng đang khiến cho mức độ tiêu thụ rượu bia gia tăng.

Tệ nạn “say xỉn” ở các nước đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ đang gia tăng đặc biệt nhanh khi người dân kiếm được nhiều tiền hơn. WHO cảnh báo đến năm 2015 lượng tiêu thụ trung bình ở Trung Quốc có thể lên đến 1,5 lít cồn nguyên chất/người/năm.

Tuy nhiên, Đông Âu và Nga vẫn là những nơi người dân uống nhiều nhất thế giới.

Đàn ông Nga đưa vào người trung bình 32 lít cồn nguyên chất mỗi năm, theo số liệu thống kê năm 2010, tiếp theo là các nước tây Âu, Mỹ, Australia và Nam Phi.

Trung bình, mỗi người dân trên 15 tuổi trên toàn thế giới uống 6,2 lít cồn nguyên chất mỗi năm.

Còn nếu chỉ tính những người có uống thực sự, con số này là 17 lít cồn nguyên chất mỗi năm.

Nhưng ngoài những người là đệ tử lưu linh, gần một nửa số người lớn trên toàn thế giới chưa bao giờ đụng tới rượu bia, và gần 62% cho biết họ chưa hề đụng đến đồ uống có cồn trong năm trước đó.

Việc “kiêng kị” rượu bia, nhất là ở phụ nữ, hay gặp nhất ở các nước thu nhập thấp, trong khi tín ngưỡng tôn giáo và chuẩn mực xã hội khiến nhiều nước đạo Hồi thật sự không có bia rượu.

Theo Cẩm Tú

Theo Dân Trí, Channelnewsasia
MỚI - NÓNG