Trường hợp nào CSGT được dừng xe?
Theo đó, tại Điều 6 dự thảo, bên cạnh nhiệm vụ độc lập, CSGT có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống khủng bố, chống biểu tình gây rối và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông; tham gia cứu nạn, cứu hộ, giải quyết cháy nổ trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy định…
Về quyền hạn, quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, CSGT sẽ chỉ được dừng xe trong 4 trường hợp, thay vì 5 như hiện nay. Cụ thể, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Thứ hai, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch phương án tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thứ ba, có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp. Thứ tư, tin báo, phản ánh, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Tài xế có quyền yêu cầu xem ảnh vi phạm
Dự thảo cũng nêu rõ, CSGT vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, ghi thu hình ảnh vi phạm của người, phương tiện giao thông, tổ chức kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Người lái xe có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSGT.
Thông qua hệ thống giám sát, máy đo tốc độ ghi hình ảnh, thiết bị ghi hình, phát hiện hành vi vi phạm của người và xe, CSGT phải tổ chức lực lượng dừng ngay xe để kiểm soát và xử lý vi phạm. Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem hình ảnh thì cho xem nếu đã có hình ảnh ghi được tại chỗ; nếu chưa có hình ảnh thì hướng dẫn người vi phạm xem hình ảnh khi đến xử lý tại trụ sở đơn vị.
Trường hợp không dừng ngay được xe khi phát hiện vi phạm, CSGT xác minh và gửi thông báo bằng văn bản đến chủ xe, yêu cầu người vi phạm đến trụ sở công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết, đồng thời cập nhật thông tin của xe vi phạm lên trang thông tin điện tử của Cục CSGT.
Đáng chú ý, trường hợp trên đường cao tốc, dự thảo quy định CSGT được dừng phương tiện vào làn dừng khẩn cấp khi phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời hoặc phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm. Quy định này có điểm mới thay thế quy định CSGT chỉ được dừng xe kiểm soát phương tiện tại trạm dừng nghỉ, trạm soát vé đầu và cuối cao tốc như hiện hành.
Dự thảo nêu rõ, sau khi dừng được phương tiện, phải đặt rào chắn bằng cọc tiêu hình chóp nón, biển báo “đi chậm” hoặc biển báo đối với tuyến đối ngoại và bố trí cảnh sát hướng dẫn, điều hòa giao thông. Khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn rào chắn, biển báo ngay.
Tránh lạm dụng dừng xe xử phạt trên cao tốc
Về quy định CSGT được dừng xe ở làn khẩn cấp trên cao tốc, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Đội trưởng xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội) đồng tình với dự thảo đối với các trường hợp đặc biệt như phát hiện vi phạm nghiêm trọng, khẩn cấp có nguy cơ gây mất an toàn đối với người tham gia giao thông hoặc phối hợp truy bắt tội phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, khi thực hiện, cán bộ phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tránh lạm dụng để dừng xe xử lý vi phạm khác gây mất an toàn cho bản thân cán bộ và người khác. Đồng thời, tăng cường áp dụng xử phạt qua hình ảnh, phạt tại các trạm dừng nghỉ, trạm kiểm soát vé đầu và cuối cao tốc để đạt được hiệu quả tốt hơn.