Covid-19: Hệ lụy và... hy vọng

TPO - Bầy khỉ hàng ngàn con ở Lopburi, Thái Lan lâm cảnh thiếu đói làm loạn khắp thành phố. Tất cả là do đại dịch ngăn du khách đến cho chúng ăn. Hươu ở công viên Nara, Nhật Bản cùng chung số phận.

Khỉ đói, chó chết…

Tôi từng mong đến Lopburi- nơi nổi tiếng với lễ hội Buffet cho khỉ cuối tháng 11 hằng năm. Tục lệ này mới có từ 1989 để kích cầu du lịch địa phương. Trong thời gian lễ hội, bọn khỉ được chiêu đãi thỏa thuê 4 tấn thực phẩm gồm hoa quả các loại cùng bánh kẹo, quà vặt, nước ngọt... Tức là chúng đã bị tập nhiễm những hương vị của văn minh nhân loại.

Covid-19: Hệ lụy và... hy vọng ảnh 1 Một con khỉ đầu đàn ở khu du lịch Phnom Oudong, Campuchia- Ảnh: NGUYỄN MẠNH HÀ

Nghĩ lại những lần chạm trán khỉ khi đi du lịch mấy nước quanh vùng cũng vui nhưng đều kèm hệ lụy. Việc bị bọn khỉ nhe nanh dọa nạt rồi nhảy bổ vào cướp đồ ăn là chuyện thường. Nếu không may còn bị chúng cắn, cào. Nay chúng lại bị đói thì không biết còn hung đồ cỡ nào...

Các khu bảo tồn cấm du khách cho những loài không phải vật nuôi ăn là vì vậy. Cần xác lập một ranh giới không nên xâm phạm với thiên nhiên hoang dã. Nhưng ở cấp độ loài, con người vẫn đi ngược lại điều này. Đặc biệt với một số người, việc bắt, giết, ăn thịt càng nhiều loại động vật càng tự hào- có vẻ như đã trở thành thú sưu tập trong đời họ.

Người vẫn đối xử với muôn loài từ góc độ có lợi cho mình. Trung Quốc mới đây có không ít trường hợp chó mèo bị giết theo kiểu ném từ trên tầng cao xuống, sau tin đồn chúng có thể lan truyền Covid-19. Dã man nhưng… cũng bình thường thôi, dù yêu đến mấy, người không bao giờ hy sinh cho thú cưng, dù ngược lại thì có đã nhiều… Tuy nhiên, khoa học đã khẳng định tin đồn kia vô căn cứ. Dù SARS-CoV-2 được tìm thấy trong mũi và miệng của một con chó ở Hồng Công sau khi chủ chó nhiễm Covid-19. Thì nó vẫn chỉ là mới bị phơi nhiễm (kiểu như dính vào lưỡi khi chó liếm phải bề mặt có virus) chứ chưa nhiễm hẳn (tức xâm nhập vào cơ thể chó). Nó cũng được cách ly đủ 14 ngày, xác nhận âm tính, rồi trả về với chủ cũng đã hết bệnh trước đó. Tuy nhiên 2 ngày sau, chú chó đã chết, nguyên nhân chưa xác định. Biết đâu nó bị sốc vì không dưng bị cách ly. Đầy người cũng làm loạn lên khi phải đi cách ly còn gì!

Nói chung những loài vật đã có lịch sử lâu dài thân cận người thi thoảng vẫn trao đổi mầm bệnh với chủ là thường. Như bệnh chó dại quen thuộc, từ lâu đã được khống chế. Riêng tôi vẫn thấy kỳ quái trước những triệu chứng giống chó đôi khi xuất hiện khi bệnh này bùng phát ở người. Dù đã bị phủ nhận trên cơ sở khoa học, thì thực tế vẫn có những nạn nhân trước khi chết không còn nói được tiếng người... Nó có cái gì đấy siêu nhiên giống như nghiệp báo mà con người phải trả để nhận được từ chó sự phục vụ tận tụy?! Nhiều khi không chỉ là bạn, mà còn là thức ăn.

Covid-19: Hệ lụy và... hy vọng ảnh 2 Một con hươu đang "tự do" kiếm ăn tại vườn thú ở Vigan, Philippines- Ảnh: N.M.Hà

Giải cứu hệ sinh thái

Nói gì thì nói con người vẫn tước đoạt từ động vật nhiều hơn. Và biến việc đó thành một trò đùa giết chóc. Họ sẵn sàng đoạt mạng cả con vật chỉ để cướp bộ ngà, chiếc sừng, cặp vây... kể cả đó là cá thể cuối cùng của một loài. Sẵn sàng uống rượu tiết rắn, dơi, tê tê; rượu ngâm tay hay nguyên cả con gấu để mong cường dương (trong khi Viagra bán đầy)?! Vài người chẳng ngại xé xác, ăn sống nuốt tươi những con vật nhỏ như ếch, thằn lằn hay sóc, lại còn quay clip cho cả thế giới biết mình can đảm?! Thả nguyên con dơi vào bát súp để ăn cho thêm ngon miệng hay cốt dọa thiên hạ?! Nếu con người chỉ kiếm ăn để đủ no thì không sao. Một khi đã nâng tầm lên thành văn hóa ẩm thực, chữa bệnh, kéo dài tuổi thọ… thì muôn loài cứ coi chừng.

Nói chung người luôn mạnh tay, nhất là với những loài vật (tưởng chừng) không có khả năng báo thù. Và chỉ nhìn ra virus (có thể an toàn với con vật tội nghiệp kia nhưng với người thì không) khi nó đã lan tràn… Lòng tham vô độ của con người biến đổi cả khí hậu, khiến hàng loạt giống loài càng bị tuyệt chủng nhanh chóng. Mất cân bằng sinh thái ngày càng trầm trọng. Gần đây, các nhà khoa học nói nhiều về Đại tuyệt chủng lần thứ sáu dẫn tới hủy diệt sự sống trên Trái Đất với nguyên nhân chính là con người. Ngoài thịt, con người còn xơi không biết no nhiều thứ khác như đất, gỗ, dầu mỏ, khoáng sản…

Để tồn tại và phát triển, con người chỉ có cách tiêu thụ những sản phẩm mà tự nhiên cung cấp. Sẽ không thành vấn đề nếu việc tiêu thụ này nằm trong khả năng tái tạo của Trái Đất. Nhưng tới đầu những năm 1980, mức tiêu thụ của loài người đã bắt đầu vượt khả năng này. Và tới 2003 (cũng là năm xảy ra đại dịch SARS) thì đã vượt quá 20%, có nghĩa Trái Đất phải mất 1 năm 2 tháng để tái tạo những gì mà con người sử dụng trong 1 năm. Đến 2014, nhu cầu của con người đã vượt quá 50% khả năng tái tạo của tự nhiên. Đồng nghĩa với việc cần ít nhất 1,5 Trái Đất mới có thể cung cấp đủ các nhu cầu cho loài người. Các quốc gia chỉ lo tới thâm hụt kinh tế mà lờ đi một nguy cơ khác đáng sợ hơn nhiều: thâm hụt sinh thái.

Hiện tỷ lệ tuyệt chủng của động vật đang gấp 100 lần so với trung bình, một tốc độ lớn hơn rất nhiều so với 5 cuộc trước (cuộc thứ năm cách đây 65 triệu năm nghe nói do thiên thạch va vào Trái Đất). Ước tính trong năm nay, 67% loài động vật trên Trái Đất sẽ biến mất. Nhưng rồi Covid-19 xuất hiện.

Covid-19: Hệ lụy và... hy vọng ảnh 3 Thù nhồi trong bảo tàng lưu giữ "chiến tích" của một thợ săn tại Vigan, Philippines- Ảnh: N.M.Hà

Hai tháng sau khi đại dịch toàn cầu bùng phát, người ta nhận thấy những chỉ số môi trường đang về mức cân bằng. Ô nhiễm khí thải chỉ bằng một nửa năm ngoái. ĐH Stanford ở Mỹ ước tính nhờ ô nhiễm không khí giảm đáng kể mà 4.000 trẻ em dưới 5 tuổi và 73.000 người già trên 70 tuổi ở Trung Quốc được cứu sống. Đó chỉ là một trong những phép màu xảy ra do việc con người buộc phải dừng những hoạt động làm giàu, làm sang, làm sướng… để lo bảo toàn tính mạng. Dù cho đến lúc này, virus vẫn gây sợ hãi nhiều hơn chết chóc.

Tất nhiên đại dịch cũng cho hệ sinh thái có thêm thời gian hồi phục. Nhất là với những động thái thay đổi tích cực từ phía con người. Mới đây, chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đều đồng ý ban hành lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã. Đây là kết quả “bất ngờ” mà các nhà bảo tồn hằng mong mỏi sau nhiều thập kỷ đầu tranh. Thực ra cũng không hẳn con người chưa thức tỉnh, nhưng không ai đủ năng lực và thẩm quyền để cưỡng lại những quán tính khủng khiếp nhân danh phát triển cứ thế lôi nhân loại đi. Cho đến khi SARS-CoV-2 xuất hiện như một cái phanh hiệu quả.

Có vẻ như đại dịch đã bước đầu thành công trong việc nhắc nhở con người về những ranh giới cần phải tái lập trong ứng xử với tự nhiên, với muôn loài. Bây giờ thì đang lo sốt vó, nhưng biết đâu sau này nhìn lại, con người lại thấy hàm ơn đại dịch khởi phát năm 2019.

Virus gây sợ hãi nhiều hơn chết chóc. Nó cũng cho con người một cơ hội để nghĩ lại về cách ứng xử mặc định trước đây với tự nhiên, với muôn loài. Và rất có thể đây là cơ hội cuối cùng.   

MỚI - NÓNG
Úc vận chuyển lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đến Hà Nội ngày 11/9. (Ảnh: ĐSQ Úc)
Mỹ, Úc hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam ứng phó sau bão số 3
TPO - Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão số 3 gây ra. Chính phủ Úc hôm nay công bố sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD.