COVID-19: Biến chủng Delta đã được phát hiện và lây lan nhanh tại 74 quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: BBC.
Ảnh minh họa: BBC.
TPO - Tờ The Guardian mới đây đã đưa ra thống kê cho biết biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Ấn Độ đã được phát hiện và lây lan nhanh chóng ở 74 quốc gia và các chuyên gia y tế đang lo ngại rằng biến chủng này ‘đã sẵn sàng để trở thành chủng COVID-19 thống trị trên toàn thế giới’.

Một số nhà khoa học đã nhận định biến chủng Delta dễ lây lan hơn trong không khí, đồng thời sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở các bệnh nhân COVID-19 mắc biến chủng này và phải nhập viện để điều trị.

Trong khi các cơ quan y tế trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục thu thập dữ liệu về sự lây lan của biến chủng này, việc hệ thống giám sát dịch tễ “kém hiệu quả hơn” ở một số quốc gia đang phát triển đã đặt ra những lo ngại rằng biến chủng Delta có thể đã lan rộng hơn nhiều so với số lượng 74 quốc gia đã được ghi nhận.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm bên cạnh việc bùng phát mạnh tại “quê hương” của biến thể Delta là Ấn Độ thì các quốc gia như Anh, Mỹ, Trung Quốc, cùng một số quốc gia tại châu Phi, bán đảo Scandinavia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đã ghi nhận các ổ dịch COVID-19 có liên quan đến biến chủng này.

Tại Mỹ, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) Scott Gottlieb cho biết các trường hợp mắc biến thể Delta ở nước này đang có xu hướng tăng gấp đôi mỗi hai tuần một lần và chiếm 10% tổng số ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2, đồng thời ông cũng nhận định biến chủng này gần như chắc chắn sẽ trở thành chủng COVID-19 phổ biến nhất ở Mỹ.

Những nhận xét của ông Gottlieb được cho là tương tự những gì ông Anthony Fauci, người đang là Trưởng Cố vấn Y tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden kiêm Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của nước này, đã cảnh báo rằng nước Mỹ không được phép để tình trạng biến chủng Delta trở thành “chủng thống trị” như đã và đang xảy ra ở Vương quốc Anh.

Được biết 90% số ca mắc mới COVID-19 tại Anh hiện tại là do biến chủng Delta và chủng virus này đã trở thành “chủng thống trị” tại đảo quốc sương mù, thay thế biến chủng Alpha có nguồn gốc tại Kent, một hạt ở phía Đông Nam nước này.

Trước những lo ngại về sự lây lan nhanh của biến chủng Delta trong thời gian qua, chính phủ Anh đã phải hoãn việc kết thúc phong tỏa toàn quốc tại nước này đến ngày 19/7 nhằm giúp Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của nước này có thêm thời gian để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng ít nhất một mũi vắc-xin COVID-19 cho toàn bộ người trưởng thành ở nước này, đồng thời “cắt đứt” mối liên hệ giữa tỉ lệ lây nhiễm và số ca mắc COVID-19 phải nhập viện.

Theo một nghiên cứu do Trung Quốc tiến hành dựa trên những diễn biến dịch tại Vương quốc Anh hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng biến chủng Delta dường như có khả năng kháng vắc-xin COVID-19 cao hơn các biến chủng khác, đặc biệt đối với những người mới tiêm một mũi vắc-xin đầu tiên.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xem biến chủng Delta là “biến thể đáng quan tâm” từ tháng 4, sau đó trở thành “biến thể đáng quan ngại” trên toàn cầu kể từ ngày 11/5. Cơ quan này cho biết dựa trên những bằng chứng có được tại Ấn Độ và một số quốc gia khác thì chủng virus này có thể gây ra một số triệu chứng nghiêm trọng cho người bệnh như đau dạ dày, buồn nôn, nôn, chán ăn, mất thính giác và đau khớp.

Sự lây lan của biến chủng Delta cũng tạo ra những cuộc tranh luận mới về biện pháp tối ưu nhất để đối phó với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 mà chính phủ các nước nên sử dụng, nhất là khi mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận khác nhau trong vấn đề này.

Theo The Guardian
MỚI - NÓNG