TPO - Tình yêu tội nghiệp và dữ dội của con người – hãy nhớ kỹ điều đó, giữa những ngày "thảm họa" Coronavirus này. Bởi sẽ còn n lần con người phải đối mặt với n loại virus khác nữa. Để tự nhủ với lòng mình, rằng hãy “Can đảm lên, lúc này chính là lúc phải xử sự đúng”!
“Không thể làm những bậc thánh và không cam chịu tai ương, người ta gắng sức làm thầy thuốc” - lời bác sĩ Bernard Rieux trong tiểu thuyết Dịch Hạch - La Peste (còn được coi là thiên kí sự) của văn hào Pháp Albert Camus (1913-1960, Nobel văn chương 1957).
Đó là khi ông cùng ít ỏi đồng nghiệp và tình nguyện viên vừa trải qua cuộc chiến đấu khốc liệt và kiệt sức chống lại nạn dịch hạch khủng khiếp hủy diệt thành phố Oran bên bờ biển phía bắc Algérie.
Thật trùng hợp ngẫu nhiên, đại dịch từ chuột ấy cũng xảy ra đúng với thời điểm này, khi đại dịch viêm phổi cấp Corona tấn công Vũ Hán (Trung Quốc) và lây lan ra thế giới. Cuộc chiến đấu của bác sĩ Rieux nơi thành phố Oran kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng. Dự báo thời điểm thuyên giảm của các chuyên gia về dịch Corona cũng rơi vào thời điểm này!
Dịch Hạch xuất bản lần đầu năm 1947, được Albert Camus khởi viết từ 1938 đến 1942.
Tình thế và tâm thế con người trước thảm họa dịch hạch dưới ngòi bút Camus cũng không khác mấy so với hiện tại - "thời của các facebooker 4.0". “Nhưng thực tế, cùng với những nhận định vô thưởng vô phạt ấy, một niềm hy vọng cuồng dại dâng lên đột ngột và dữ dội tới mức chính đồng bào chúng tôi có khi nhận thức ra sự cuồng dại của mình, và lúc đó, vội vã khẳng định rằng dù thế nào đi nữa thì cũng không phải ngày mai đã thoát nạn… Dịch hạch đã cắm sâu một tâm trạng hoài nghi sâu sắc mà họ không thể không dứt bỏ… Ngay sau khi dịch bệnh chấm dứt, họ vẫn tiếp tục sống theo chuẩn mực của nó… Ngọn gió hy vọng thổi bùng lên một cơn sốt và một trạng thái nóng nảy khiến họ hoàn toàn không còn một chút tự chủ…Dân chúng sống trong sự náo động ầm ĩ cho tới ngày 25 tháng Giêng”…
Jean Tarou trở thành người cuối cùng của thành phố Oran chiến đấu với vi khuẩn dịch hạch quái ác trong chính cơ thể mình. Cuộc chiến đấu ngoan cường và đau đớn. Để rồi cuối cùng anh không qua khỏi...
Từ một chàng trí thức xuất thân danh giá, trở thành anh chàng “ghét đời” lang thang khắp thế giới, định mệnh khiến Tarou dừng chân ở Oran. Để rồi chàng sát cánh cùng bác sĩ Rieux, tổ chức những đội y tế tình nguyện quả cảm chiến đấu với dịch bệnh.
“Can đảm lên, lúc này chính là lúc phải xử sự đúng”, có lẽ đó là điều Tarou tâm nguyện vào thời khắc quyết định nhất đời mình. Nhưng cho đến khi chết, chàng vẫn là một con người “phức tạp” dưới mắt nhiều người.
Ngay chính bác sĩ Rieux cũng băn khoăn điều đó. Với ông, với những con người bình thường, họ sẽ dễ dàng hiểu ra rằng “nếu có một điều người ta luôn luôn mong ước và đôi khi đạt tới được, thì điều đó chính là tình thương của con người”. Trái lại, với những ai muốn vượt lên trên con người để thổ lộ với một cái gì đó mà chính bản thân họ cũng không hình dung nổi, như Tarou, thì không hề có câu giải đáp. “Tarou hình như đã tìm thấy sự thư thái gian khổ mà anh đã nói tới, nhưng anh chỉ tìm thấy trong cái chết, vào lúc nó chẳng giúp ích được gì cho anh nữa”. Bác sĩ Rieux không biết “cuối cùng Tarou có tìm thấy hòa bình hay không, nhưng ít ra cũng lúc này, ông nghĩ là sẽ không bao giờ còn hòa bình nữa cho bản thân mình, cũng như không còn đình chiến đối với người mẹ mất con hay đối với người phải chôn cất bạn mình”.
Cho dù, ông đã tự hỏi và tự trả lời: “Nhưng dịch hạch, cái đó có nghĩa là thế nào? Là cuộc sống và chỉ có thế thôi”. Để nhận ra rằng, sau khi trải qua thảm họa, “nếu ít ra cũng thỉnh thoảng, niềm vui đến bù đắp cho những ai mãn nguyện với con người và với tình yêu tội nghiệp và dữ dội của con người, thì đó là điều công bằng”.
Tình yêu tội nghiệp và dữ dội của con người – hãy nhớ kỹ điều đó, giữa những ngày "thảm họa" Coronavirus này. Bởi sẽ còn n lần con người phải đối mặt với n loại virus khác nữa.
Để tự nhủ với lòng mình, rằng hãy “Can đảm lên, lúc này chính là lúc phải xử sự đúng”!