Công viên Tuổi trẻ hoang phế: Vi phạm tồn tại từ năm này qua năm khác

Khu giải trí dưới nước bị “bỏ hoang”. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.
Khu giải trí dưới nước bị “bỏ hoang”. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.
TP - Việc khu vui chơi dưới nước xuống cấp, bỏ hoang vì thiếu kinh phí xảy ra từ năm 2013. Cùng với đó, giai đoạn 2012 - 2015, UBND thành phố Hà Nội cũng được báo cáo đầy đủ tình trạng “xẻ thịt” xây dựng công trình không phép trên đất quy hoạch cây xanh. Tuy nhiên, việc chỉ đạo xử lý chưa đồng nhất và chỉ quyết liệt trên “giấy” là một trong những nguyên nhân để vi phạm tồn tại từ năm này, sang năm khác.

Vô tư tồn tại

Tiếp tục về những vi phạm ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, sau khi dự án được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, nhận thấy nhiều vi phạm phát sinh phức tạp, năm 2012, Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội đã tiến hành rà soát và ký Văn bản số 2800 gửi UBND quận Hai Bà Trưng và Sở Xây dựng “điểm mặt” danh sách chi tiết các công trình vi phạm.

Căn cứ báo cáo của các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phụ trách mảng khi đó là ông Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu UBND quận Hai Bà Trưng phối hợp với Sở Xây dựng, QHKT, TN&MT tổ chức kiểm tra, xác định, củng cố hồ sơ với các trường hợp vi phạm quy hoạch, sử dụng đất và công trình sai mục đích để xử lý. Tuy nhiên, quyết tâm xử lý của UBND thành phố Hà Nội lại không được thực hiện quyết liệt, Sở Xây dựng là đơn vị chuyên môn giúp việc trong quản lý trật tự xây dựng cũng không có tham mưu cụ thể phương án xử lý dẫn đến tình trạng vi phạm vô tư tồn tại.

Nhùng nhằng trách nhiệm

Tất cả những vi phạm đều tồn tại từ thời Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả, liên tục nhập - tách để làm thủ tục phá sản giữa Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội kéo dài từ năm 2013, đã dẫn đến tình trạng khó quy trách nhiệm và khó xử lý cho chính quyền địa phương.

Để có hướng xử lý những vi phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, tháng 4/2016, UBND quận Hai Bà Trưng có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội và Sở QHKT thông báo kết quả kiểm tra, rà soát nguồn gốc, hiện trạng quản lý, sử dụng đất trong ranh giới dự án. Bên cạnh việc kiến nghị việc thực hiện quy hoạch công viên, UBND quận Hai Bà Trưng còn đề xuất phương án xử lý đối với các công trình vi phạm. “Để có cơ sở xử lý các tồn tại trong khu vực Công viên Tuổi trẻ Thủ đô về các công trình xây dựng không phép, sai phép và các hoạt động kinh doanh dịch vụ, UBND quận Hai Bà Trưng đề nghị UBND thành phố sớm chỉ đạo, giải quyết dứt điểm việc chuyển giao, xác định chủ thể quản lý công viên…”, văn bản của quận Hai Bà Trưng
đề xuất.

Đối với dự án khu vui chơi giải trí dưới nước và hạng mục vòng xoay, sau khi thành phố có chủ trương sáp nhập nguyên trạng Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội thuộc Tổng công ty Du lịch Hà Nội vào Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội năm 2013, toàn bộ khu vui chơi đã phải đóng cửa do không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động. Ngay từ lúc này, nguy cơ lãng phí khu vui chơi đã lộ diện, tiếc là UBND thành phố không chỉ đạo quyết liệt việc sáp nhập, dẫn đến tình trạng ì trệ kéo dài, còn công trình rơi vào cảnh hoang phế trong khi các thanh, thiếu niên trong khu vực luôn trong tình trạng thiếu nơi vui chơi, giải trí. 3 năm sau khi có quyết định sáp nhập, tháng 6/2016, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản ký văn bản thu hồi lại quyết định số 1952 của người tiền nhiệm Nguyễn Huy Tưởng ban hành năm 2013, để thay thế bằng Quyết định 3373, chuyển giao Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội. Tháng 7/2016, Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn  thực hiện nội dung về tài chính khi chuyển giao Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội.

Một năm sau, thành phố đã có văn bản giao các sở, ngành hướng dẫn Tổng công ty Du lịch Hà Nội chuyển giao Công viên Tuổi trẻ Thủ đô thuộc Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, sau đó thực hiện phá sản Công ty TNHH MTV Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội.

Tuy nhiên, cho đến nay việc chuyển giao Công ty  TNHH MTV Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội, đồng thời cho phá sản công ty này vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến chưa xác định rõ tư cách pháp nhân quản lý Công viên Tuổi trẻ Thủ đô gây nhiều khó khăn cho việc xử lý các công trình vi phạm. Dự án khu vui chơi dưới nước có giá trị hàng chục tỷ đồng vẫn kéo dài tình trạng “hoang phế” khi chưa thể tìm ra nguồn vốn phục vụ duy tu, bảo dưỡng tái đưa vào hoạt động.   

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...