Công trình Quốc gia hồ Dầu Tiếng bị xâm lấn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính quyền huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cho biết, đã đề nghị người dân khắc phục hậu quả, trả lại mặt bằng bị xâm lấn trong lòng hồ Dầu Tiếng, đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm đối với trường hợp san lấp trái phép khu vực lòng hồ.

Nằm trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, hồ Dầu Tiếng là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á với diện tích đến 27.000 ha. Hồ Dầu Tiếng là công trình an ninh Quốc gia. Trước đây, lòng hồ Dầu Tiếng trở thành “điểm nóng” của nạn “cát tặc”. Hai năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát không diễn ra kể từ khi Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành chức năng, địa phương vào cuộc chấn chỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay vùng hồ nằm ở vị trí xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương xảy ra tình trạng san lấp, lấn chiếm vùng bán ngập.

Ghi nhận cho thấy, lòng hồ bị san lấp bởi khối lượng lớn đất nối từ bờ ra giữa hồ được trồng nhiều cây xanh có giá trị như một công trình du lịch.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết, khi phát hiện hộ dân lấn chiếm đất hồ, san lấp đã nhắc nhở, lập biên bản đề nghị ngưng. Tuy nhiên, người dân vẫn ngang nhiên cho xe chở đất từ trong vùng cao đổ xuống san lấp phần lớn diện tích lòng hồ.

Công trình Quốc gia hồ Dầu Tiếng bị xâm lấn ảnh 1

Người dân san lấp phần lòng hồ Dầu Tiếng

Công trình Quốc gia hồ Dầu Tiếng bị xâm lấn ảnh 2

Lãnh đạo huyện Dầu Tiếng khẳng định, công trình lấn chiếm không thuộc tổ chức mà của một hộ dân làm bè nuôi cá - Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

Trước tình trạng trên, Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã gửi công văn đến UBND huyện, Công an huyện Dầu Tiếng đề nghị phối hợp ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, san lấp trái phép diện tích bán ngập của hồ.

Liên quan đến vụ việc trên, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng Nguyễn Phương Linh, cho biết đã yêu cầu ông Bùi Thanh Cường (người quản lý công trình xây dựng trái phép, thuộc hành lang an toàn hồ Dầu Tiếng) tạm ngừng thi công công trình để làm rõ các dấu hiệu vi phạm.

Người đứng đầu chính quyền huyện Dầu Tiếng, cho biết thêm lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện chủ công trình đã san lấp 15.000m² thuộc phạm vi bảo vệ công trình hồ tại cột mốc 158 và 162.

Công trình lấn chiếm lòng hồ Dầu Tiếng không thuộc tổ chức mà chỉ của một hộ gia đình, quyền sử dụng đất thuộc về ông Huỳnh Tấn Đạt diện tích cấp sổ 2012 là 36 ha, diện tích đất nằm trong vùng bán ngập là 14,6 ha nằm tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2022, sau khi tiếp nhận thông tin về việc gia đình ông Đạt có san lấp lấn vùng bán, chính quyền huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo địa phương lập biên bản và tạm ngưng công trình 2 lần.

“Về hiện trạng san lấp, chính quyền có ghi nhận bên phía ông Đạt đã lấn chiếm đổ hơn 1.500m3 đất, hộ gia đình này khai báo lấn chiếm để làm bè nuôi cá chứ không phải công trình du lịch. Tuy nhiên, đây là công trình Quốc gia, huyện Dầu Tiếng đã quyết liệt chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm trường hợp này; yêu cầu ông Đạt khắc phục hậu quả trả nguyên hiện trạng công trình, nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế. Ngoài trường hợp này, địa phương sẽ xử lý nghiêm nếu cá nhân, tổ chức nào có hành vi xâm lấn hồ Dầu Tiếng”, lãnh đạo UBND huyện Dầu Tiếng khẳng định.

MỚI - NÓNG