Công trình BV Hà Đông có ca mắc COVID-19 được thi công trong giãn cách xã hội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Công trình cải tạo dự án Bệnh viện đa khoa Hà Đông nơi có 4 công nhân vừa được xác định dương tính với SARS-CoV-2 là một trong những dự án được UBND TP Hà Nội cho phép thi công trong thời gian giãn cách xã hội. 

Trao đổi với PV tối 6/8, đại diện Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông cho biết, dự án cải tạo Bệnh viện đa khoa Hà Đông - nơi có 4 công nhân vừa được xác định dương tính với SARS-CoV-2 là một trong những dự án công trình trọng điểm cấp bách được UBND TP Hà Nội cho phép thi công trong thời gian giãn cách xã hội.

"Công trường cải tạo Bệnh viện đa khoa Hà Đông nằm trong danh sách những dự án trọng điểm cấp bách được UBND TP chấp thuận triển khai xây dựng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội", vị này nói.

Công trình BV Hà Đông có ca mắc COVID-19 được thi công trong giãn cách xã hội ảnh 1
Công trường cải tạo dự án Bệnh viện đa khoa Hà Đông nơi có 4 công nhân được xác định dương tính với SARS-CoV-2 là một trong những dự án công trình trọng điểm cấp bách được UBND TP Hà Nội cho phép thi công trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Cơ quan chức năng phong tỏa khu vực công trường dự án cải tạo Bệnh viện đa khoa Hà Đông/Ảnh: VnExpress.

Cũng theo đại diện Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông, trước khi có văn bản chấp thuận của UBND TP Hà Nội, công nhân đều ăn ở trong khu vực công trường dự án. Đồng thời khẳng định, từ thời điểm thực hiện giãn cách xã hội đến nay, công trình dự án cải tạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chưa tổ chức thi công.

"Đối với công trình trọng điểm cấp bách sau khi được UBND TP chấp thuận tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thì UBND quận phải kiểm tra, xem xét và yêu cầu đơn vị thi công và chủ đầu tư phải xây dựng phương án thi công, báo cáo về con người, phương án phòng dịch… sau khi đủ điều kiện thì mới được thi công”, đại diện Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông thông tin.

Trong khi đó, trả lời báo chí UBND quận Hà Đông cho biết, ngày 4 và 5/8, trước khi công trình thi công, địa phương yêu cầu xét nghiệm nhanh cho 90 cán bộ, công nhân làm việc tại đây. Qua lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc thì phát hiện 4 công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Những người này ăn ở tại công trường từ khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17 hôm 24/7. Từ đó đến nay, công trình chưa thi công.

"Sau khi phát hiện các ca F0 tại công trường, cơ quan chức năng đã phong tỏa khu vực công trường. Nhân viên y tế đã phun khử khuẩn và điều tra dịch tễ. Những trường hợp liên quan được rà soát, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định", UBND quận Hà Đông thông tin.

Những công trình nào được thi công trong thời gian giãn cách xã hội?

Trước đó, ngày 27/7, UBND TP Hà Nội ban hành công văn 2397 về “Tổ chức thi công xây dựng một số công trình trọng điểm cấp bách trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP.

Theo đó, UBND TP chấp thuận cho phép tổ chức thi công xây dựng trong thời gian giãn cách xã hội đối với các công trình: Dự án Nhà máy Sản xuất vắc xin tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart; Công trình nhà giải phẫu bệnh lý - Bệnh viện Quân y; các dự án cải tạo, nâng cấp các Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín, thị xã Sơn Tây, quận Hà Đông; công trình Bệnh viện K (quận Hoàn Kiếm).

Công trình BV Hà Đông có ca mắc COVID-19 được thi công trong giãn cách xã hội ảnh 2

Các công trình trọng điểm cấp bách, trong quá trình thi công phải bảo đảm yêu cầu 3 tại chỗ (làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ); chỉ được thi công xây dựng sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, có các công trình trọng điểm, xử lý cấp bách chống sạt lở kè bờ sông và công trình thoát lũ, gồm 19 dự án, trong đó, có 17 dự án do Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất, 1 dự án do UBND huyện Ba Vì đề xuất, 1 dự án do UBND thị xã Sơn Tây đề xuất; công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng doanh trại cơ quan Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) đang triển khai tại địa bàn huyện Gia Lâm; trụ sở làm việc Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an); trụ sở Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội; công trình Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung Việt Nam tại Khu trung tâm Tây Hồ Tây do Công ty TNHH Samsung Việt Nam làm chủ đầu tư.

UBND TP yêu cầu chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, nhà thầu phải có phương án, kịch bản duy trì thi công bảo đảm phòng, chống dịch gửi UBND quận, huyện, thị xã chấp thuận và giám sát thực hiện. Bên cạnh đó, đăng ký hoạt động sản xuất với UBND xã, phường, thị trấn (số lượng, danh sách lao động, phương án bảo đảm sản xuất an toàn phòng, chống dịch, thời gian hoạt động sản xuất) và bảo đảm thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch của đơn vị.

Đối với nhóm công trình, dự án do UBND quận, huyện, thị xã đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát kỹ, chấp thuận các công trình đủ điều kiện để tiếp tục triển khai thi công trong thời gian giãn cách xã hội, bảo đảm nguyên tắc là công trình trọng điểm, cấp bách theo đúng Chỉ thị số 17 và các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Mới đây, UBND TP Hà Nội tiếp tục có văn bản 2473 chấp thuận thêm các công trình trọng điểm cấp bách được tiếp tục thi công xây dựng trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP, theo đề xuất của Sở Xây dựng.

Cụ thể, UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép tiếp tục thi công thêm 30 công trình, gồm: 2 công trình sửa chữa Đại sứ quán (Nhật Bản và Pháp), 10 công trình ngành điện lực phục vụ cung cấp điện; 5 công trình cấp nước sạch; 1 công trình bưu chính phục vụ chuỗi cung ứng hàng hóa; 6 công trình xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trạm bơm phục vụ nông nghiệp; 1 công trình xây dựng nhà máy sản xuất các kết nối điện tử cung cấp cho sản xuất thiết bị y tế: Máy trợ thở, máy siêu âm, máy hỗ trợ phẫu thuật...; 1 công trình giao thông (Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường băng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài); 1 dự án, công trình cải tạo, nâng cấp, trang thiết bị Viện kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế; 1 công trình xây dựng mới nhà điều hành kỹ thuật phát sóng - Đài truyền dẫn tín hiệu Mễ Trì; 1 công trình chống lún, sụt khán đài C, D sân vận động Mỹ Đình phục vụ thi đấu vòng loại World Cup 2022; 1 công trình trụ sở làm việc mới cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

UBND TP giao UBND các quận, huyện có các công trình trên xem xét, phê duyệt phương án, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 của các chủ đầu tư, bảo đảm cao nhất yêu cầu phòng, chống dịch, tuân thủ đúng tinh thần, nội dung Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND TP và chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 2397 ngày 27/7; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của các đơn vị trong suốt quá trình thi công, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP, UBND TP.

Chủ đầu tư, nhà thầu thi công, giám sát... các dự án, công trình phải có phương án, kế hoạch và cam kết về phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình thi công, bảo đảm yêu cầu 3 tại chỗ (làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ); chỉ được thi công xây dựng sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.