Công tác xét xử vượt chỉ tiêu, đặc biệt các đại án tham nhũng, kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2022, công tác xét xử được đảm bảo, đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, đặc biệt là công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, dư luận đồng tình ủng hộ.

Ngày 22/12, TAND tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến gần 800 điểm đầu cầu TAND trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tối cao chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND tối cao; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội và đại diện Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam…

Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023 được tổ chức theo tinh thần cải cách, khoa học, đổi mới và sáng tạo, tại Hội nghị, những kết quả, thành tích đạt được Tòa án các cấp đã được thể hiện cô đọng, xúc tích và truyền tải tới các đại biểu bằng hình ảnh thông qua các video clip về kết quả công tác, 10 sự kiện tiêu biểu của Tòa án nhân dân năm 2022.

Công tác xét xử vượt chỉ tiêu, đặc biệt các đại án tham nhũng, kinh tế ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2022, các Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án… nhưng hệ thống Tòa án đã chủ động nắm bắt tình hình, đẩy mạnh thực hiện thành công các giải pháp đột phá nên các mặt công tiếp tục có nhiều chuyển biến, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các Tòa án đã đề ra các giải pháp hoàn thiện thể chế, làm cho Tòa án thực sự nghiêm minh, liêm chính, bảo vệ được công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Điểm nhấn 2022 là TAND các cấp đã hoàn thành tất cả các đề án về cải cách tư pháp, gồm: Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Đề án “Xây dựng luật pháp người chưa thành niên”, Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Công tác xét xử được đảm bảo, đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, đặc biệt là công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, dư luận đồng tình ủng hộ; các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại.

Các Tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội và Tòa án đề ra (không quá 1,5%).

Công tác xét xử vượt chỉ tiêu, đặc biệt các đại án tham nhũng, kinh tế ảnh 2

Lãnh đạo một số đơn vị tòa án nhận cờ thi đua của Chính phủ.

Một dấu ấn đậm nét trong năm 2022 là việc TAND đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về hòa giải, đối thoại tại Tòa án, về tổ chức phiên tòa trực tuyến….

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, kịp thời khắc phục tồn tại, khó khăn, trong thời gian tới, Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, của TAND tối cao.

Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Nghiêm túc thực hiện tốt Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và vận hành hiệu quả Tòa án điện tử; phần mềm Trợ lý ảo; hệ thống giám sát điều hành. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch hoạt động của Tòa án.

Phát biểu chúc mừng những thành tích mà TAND đã đạt được, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng ba ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án có chung một mục tiêu, đó là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, bảo vệ công lý… Để thực hiện được mục tiêu đó, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi ngành thì phải có sự phối hợp, trao đổi tích cực, hiệu quả trong công tác chung. Trên cơ sở mối quan hệ giữa ba ngành, các đồng chí bày tỏ tin tưởng và chúc cho sự hợp tác giữa các cơ quan tư pháp ngày một tốt hơn.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.