Toàn quốc kháng chiến - Bản hùng ca về ý chí bảo vệ độc lập, tự do

Công tác ngoại giao và Ngày Toàn quốc kháng chiến

Công tác ngoại giao và Ngày Toàn quốc kháng chiến
Trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ nhấn mạnh: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". (1)

Lời hịch trên chứng tỏ chúng ta đã nỗ lực đến nhường nào để giữ lấy hòa bình, đồng thời thể hiện quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc bảo vệ cho được nền độc lập vừa giành được, quyết không trở lại "kiếp ngựa trâu".

Chúng ta cùng nhớ lại những hoạt động ngoại giao đầy kịch tính song cũng rất sáng tạo của Nhà nước ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ vững chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, cứu vãn hòa bình hết sức mong manh vào những ngày tháng hết sức cam go trong giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám tới Ngày Toàn quốc kháng chiến.

Ðất nước ta lúc bấy giờ ở vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc": kinh tế kiệt quệ, nạn đói hoành hành, chính quyền và lực lượng vũ trang mới "phôi thai", nước nhà lại phải đối mặt với đủ loại thù trong giặc ngoài và cuộc kháng chiến Nam Bộ bùng phát chỉ sau lễ Tuyên ngôn độc lập vỏn vẹn hai chục ngày. Trong bối cảnh đó, một mặt Ðảng và Nhà nước ta dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch ra sức củng cố thực lực - một nhân tố được coi là có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng, mặt khác dành mối quan tâm hàng đầu cho công tác ngoại giao bên cạnh ba nhiệm vụ khác là kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục.

Ðể tiến hành thành công hoạt động ngoại giao, nhân tố quan trọng hàng đầu là nhận diện rõ ràng, phân tích sâu sắc, dự báo chuẩn xác tình hình, làm nền tảng cho việc hoạch định chiến lược, sách lược và tiến hành công việc. Trước ngưỡng cửa của Cách mạng Tháng Tám, Hội nghị toàn quốc của Ðảng nhấn mạnh yêu cầu cần nhận định rõ hai điều:

a) Sự mâu thuẫn giữa hai phe đồng minh Anh, Pháp và Mỹ, Tàu về vấn đề Ðông Dương là một điều ta cần lợi dụng;

b) Sự mâu thuẫn giữa Anh, Mỹ, Pháp và Liên Xô có thể làm cho Anh, Mỹ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Ðông Dương.

Chính sách của chúng ta là phải tránh các trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng đồng minh (Trung Quốc, Pháp, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt Chính phủ của Pháp De Gaulle hay một chính phủ bù nhìn khác, trái với ý nguyện dân tộc.

"Bởi vậy cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Ðông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tàu định chiếm nước ta…". (2)

Dựa trên sự phân tích khoa học nêu trên, ngày 3-10-1945, Chính phủ Lâm thời đã ra Thông cáo về chính sách ngoại giao, trong đó nêu rõ mục tiêu là: Ðưa nước nhà đến tự do, độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn…; tất cả chính sách ngoại giao phải có mục đích cốt yếu là giúp cho sự đấu tranh ấy thắng lợi bằng mọi phương pháp êm dịu hay kiên quyết. Trong Chỉ thị về kháng chiến kiến quốc ngày 25-11-1945, Trung ương Ðảng đã xác định: "Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng… Ðối với Pháp, độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế". (3)

Thấu hiểu những mâu thuẫn và sự thỏa hiệp giữa Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch, chúng ta đã khôn khéo đẩy 20 vạn quân Tưởng về nước để tập trung sức lực đối phó với các thế lực hiếu chiến Pháp.

Bác Hồ và Ðảng ta đã tốn rất nhiều công sức, phát huy cao độ tài thao lược để tiến hành cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì với thực dân Pháp. Ðó là cuộc đàm phán cam go để đi tới việc ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, theo đó Pháp phải công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước tự do có Chính phủ, có quân đội và tài chính; Pháp thừa nhận qua trưng cầu dân ý việc thống nhất ba kỳ, đứng trong khối Liên hiệp Pháp… Chúng ta đồng ý để quân đội Pháp vào miền bắc thay quân Tưởng nhưng không quá 5 năm; hai bên đình chiến và mở đàm phán chính thức, trong khi đàm phán, quân đội hai bên ở đâu đóng đó. Với Hiệp định này, chúng ta đã tránh được tình thế bất lợi phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng thù địch, bảo toàn lực lượng, giành lấy sự hòa hoãn tạm thời để chuẩn bị lực lượng kháng chiến. Nội dung Hiệp định cũng thể hiện sách lược khôn khéo: do Pháp ngoan cố chưa chịu chính thức công nhận nhà nước độc lập mới ra đời, Bác Hồ đã đưa ra công thức mềm dẻo. Theo đó, Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước "tự do", có Chính phủ, có quân đội và có tài chính (về thực chất Pháp phải chấp nhận nước ta là một quốc gia độc lập); việc thống nhất đất nước sẽ được quyết định qua trưng cầu dân ý.

Thể theo Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, hai bên đã mở ra các cuộc đàm phán ở Ðà Lạt và ở Phông-ten-nơ-blô để đi tới Hiệp định chính thức. Bác Hồ đã phải thân chinh sang thăm Pháp trong thời gian 5 tháng - một sự kiện "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử ngoại giao thế giới, khi một nguyên thủ quốc gia bất chấp hiểm nguy, sang thăm chính nước thù địch trong một thời gian dài, "cốt để giải quyết vấn đề Việt Nam độc lập, cùng Trung, Nam, Bắc thống nhất" như Bác báo cáo với quốc dân đồng bào khi trở về nước. (4)

Tuy nhiên, do thực dân Pháp rắp tâm chiếm lại Việt Nam, cho nên mọi cố gắng ngoại giao từ phía ta đã không thành. Ðiều ta tranh thủ được chỉ là việc ký Tạm ước 14-9-1946 về tạm thời đình chiến, xử lý vấn đề tù nhân, tù binh, chấm dứt tuyên truyền không hữu nghị...

Bất chấp những thỏa thuận hạn chế ấy, thực dân Pháp ở Ðông Dương liên tiếp có nhiều hành động khiêu khích, gây ra tình hình hết sức căng thẳng và sáng 19-12-1946, chúng đã gửi cho ta tối hậu thư đòi tước vũ khí, giao cảnh sát giao thông cho Pháp. Trước những đòi hỏi ngang ngược đó, tối cùng ngày, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta, triệu người như một đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp trong vòng chín năm trời, kết thúc bằng chiến thắng Ðiện Biên Phủ oai hùng và Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954.

Như vậy, có thể thấy cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì, đầy khó khăn của nước ta dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch tuy chưa đạt được mục tiêu mong muốn do dã tâm của thực dân Pháp và hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ nhưng đã tranh thủ được một thời gian nhất định theo tinh thần "hòa để tiến", tạo thêm điều kiện cần thiết để quân dân ta vững bước đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Một điều không kém phần quan trọng là cuộc đấu tranh ngoại giao trong thời gian ngắn ngủi ấy đã để lại nhiều bài học quý giá mang tính nền tảng đối với nền ngoại giao của Ðảng và Nhà nước ta trong suốt những năm tháng tiếp theo và tới tận ngày nay. Ðó là bài học nắm bắt chính xác, phân tích khoa học tình hình, xác định trúng mục tiêu; coi "dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết"; dựa vào thực lực bản thân đi đôi với những nỗ lực tập hợp mọi lực lượng có thể tranh thủ được theo tinh thần "làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết"; khai thác mâu thuẫn giữa các thế lực bên ngoài, tập trung trí lực ứng phó với đối tượng chủ yếu và nguy hiểm nhất; kiên định về nguyên tắc, cơ động, linh hoạt về sách lược; nắm vững và chủ động tạo dựng thời cơ, tiến hành đấu tranh với những bước đi và dưới hình thức thích hợp…

Thiết nghĩ, kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, việc rút ra những bài học sẽ rất có ích trong giai đoạn hiện nay để tranh thủ tối đa điều kiện quốc tế thuận lợi đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.

--------------------------------

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội – 2011, T.4, tr. 534.

(2) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội - 2000, T.7, tr.427.

(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng, Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội – 2000, T.8, tr.26-27.

(4) Hồ Chí Minh Toàn tập. Sđd, T.4, tr.468.

Theo Theo Báo Nhân Dân
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.