Công ra công, tư ra tư!

Công ra công, tư ra tư!
TP - Cụm từ “xã hội hóa” hiểu theo nghĩa phổ biến nhất hiện nay, là khái niệm dùng chỉ sự đóng góp của mọi tầng lớp xã hội để làm một công việc cụ thể nào đó.

> 'Dịch vụ tư' trong bệnh viện công?
> Tăng quyền lợi cho người có thẻ BHYT

Cụm từ này chỉ xuất hiện trong xã hội thời kinh tế thị trường với hàm ý sự thoát ly khỏi bầu sữa ngân sách, tạo sự tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập bằng cách huy động các nguồn lực đầu tư trong toàn xã hội, ví như “xã hội hóa giáo dục” hay “xã hội hóa y tế”.

Chủ trương xã hội hóa y tế hay giáo dục là cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên để quản lý được vấn đề này, để chủ trương xã hội hóa không bị lợi dụng hoặc bóp méo nhằm trục lợi cá nhân lại là câu chuyện nhức nhối hiện nay. Ngân sách nhà nước, phúc lợi xã hội dành cho giáo dục và y tế cần đến được với mọi công dân một cách bình đẳng.

Cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, con người do nhà nước đầu tư từ tiền thuế của dân tại các trường học hay bệnh viện công lập không thể bị “tận dụng” hay lợi dụng cho các hợp tác tư nhân. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn từng lo ngại, nếu không quản lý chặt, xã hội hóa y tế sẽ trở thành “dịch vụ tư trong bệnh viện công”.

Khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu hay khám chữa bệnh chất lượng cao rất dễ trở thành “sân sau” của các lãnh đạo Bệnh viện công. Tức sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho các hoạt động tư.

Trả lời phỏng vấn Tiền Phong, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, nơi có mức độ xã hội hóa các thiết bị y tế khá cao nói: “Đừng đổ lỗi cho máy móc, cho xã hội hóa mà do chính con người, lạm dụng cũng là do cách quản lý chưa tốt”. Người đứng đầu bệnh viện công lớn nhất cả nước cũng thừa nhận, không nên duy trì hai hình thức cung cấp dịch vụ công và tư trong một bệnh viện công.

Tuy nhiên, với một điều kiện : “Nhà nước trả đủ lương cho cán bộ nhân viên y tế và lo đủ máy móc trang thiết bị hiện đại để chúng tôi có thể triển khai các kỹ thuật tiên tiến, cứu sống bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Quả là một điều kiện quá khó khi biết rằng, hiện kinh phí Nhà nước cấp hằng năm cho Bệnh viện Bạch Mai chỉ bằng 2% chi phí hoạt động của bệnh viện này, và chỉ đủ trả 20% lương cho cán bộ, nhân viên.

Dẫu vậy, đòi hỏi của người dân vẫn phải là công ra công, tư ra tư! Muốn thế, không có cách nào khác các bệnh viện tư nhân cần được tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các nguồn lực nhà nước cho bệnh viện công cần được tập trung và quản lý chặt chẽ, hiệu quả.

Thực tiễn cho thấy, chỉ công tư lẫn lộn mới đáng lo ngại, bởi đó là môi trường tốt nhất cho tham nhũng phát triển.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.