Công Ninh "sống thử"

Công Ninh "sống thử"
Kịch "Sống thử" của đạo diễn Công Ninh, câu chuyện cũng rất đời, không màu mè, không dạy đời nhưng kết quả của những mối tình là một cách để chúng ta nhìn rõ hơn sự việc.
Công Ninh "sống thử" ảnh 1
Đạo diễn Công Ninh

Vài năm trở lại đây, Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B đã bước qua thời hoàng kim rực rỡ. Có lẽ vì nó mang trên mình nhiều nhiệm vụ quá. Vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, vừa phải thị trường để bán vé vừa phải là nơi đào tạo đội ngũ diễn viên mới…

Tất cả những công việc như vậy đã khiến 5B bị kẹt giữa nhiều sức ép, doanh thu và diễn viên lần lượt ra đi về những nơi khác.

Vì vậy, khi đạo diễn Công Ninh chuẩn bị đưa lên sàn tập vở Sống thử, cả nhà hát đã mong chờ có một sự thay đổi. Buổi diễn đầu tiên ra mắt Sống thử, nhà hát như sống lại trong không khí xưa vì tiếng cười và nước mắt của khán giả đan xen vào nhau.

"Sống thử" có vẻ không phải là phong cách từ trước đến nay của anh?

Cái tên Sống thử là một yếu tố để bán vé vì là đề tài đang nóng trong xã hội hiện nay. Nó gợi tò mò cho khán giả. Câu chuyện cũng rất đời, không màu mè, không lên tiếng dạy đời nhưng kết quả của những mối tình là một cách để chúng ta nhìn rõ hơn sự việc.

Với một đề tài đang được xã hội quan tâm, anh mời luôn dàn diễn viên truyền hình ăn khách nhất hiện nay, có vẻ như đây là một cuộc ra quân tổng lực?

Tôi đã từng cộng tác làm với 5B 3 vở Cõi tình, Chuyến tàu đến thiên đườngGiai điệu hoa hồng. Tất cả đều...hoà hoặc lỗ!, chỉ có Cõi tình lời chút đỉnh vì ít diễn viên.

Đến vở Sống thử này tôi đầu tư nặng nhất, làm thời gian dài nhất. Nhiều lúc tôi định bỏ, không làm nữa vì chúng tôi không có đủ tiền để theo đuổi. Tôi dồn sức cho lần này để coi mình có thành công không.

Nếu được thì làm tới luôn, còn không chắc… tiêu quá! Xem hiệu ứng khán giả của buổi ra mắt, tôi thấy hơi yên tâm. Chỉ sợ vở diễn rơi vào mùa World Cup này bị ảnh hưởng ít nhiều.

Làm việc với các diễn viên truyền hình chuyển sang đóng kịch, anh thấy như thế nào?

Trong vở Sống thử quy tụ lực lượng diễn viên truyền hình ăn khách nhất hiện nay:Từ Như Phúc, Huy Khánh, Trung Dũng đến các diễn viên hài đang được công chúng mếm mộ như Trung lùn, Hoàng mập và cả người mẫu Tống Bạch Thuỷ.

Công Ninh "sống thử" ảnh 2
Diễn viên Như Phúc

Để có được một dàn diễn viên như vậy, tôi vất vả không nói gì rồi mà các em cũng rất vất vả. Như Phúc kẹt lịch đóng phim từ sáng đến tối bên Lasta. Vừa xong liền chạy qua 5B tập.

Có khi chúng tôi tập đến 6 giờ sáng mới xong. Nhiều người tưởng tôi làm việc với Như Phúc sẽ rất khổ, thật ra tôi rất khoẻ! Như Phúc rất nhanh, rất thông minh. Tôi chỉ cần mớm một chút là diễn được ngay.

Qua vở Sống thử, ý của anh là không tán đồng bất kỳ loại hình sống thử nào. Điều này có thể hiểu qua việc anh và diễn viên Ngọc Trinh chia tay nhau không?

Qua Sống thử, tôi muốn lên tiếng cảnh báo rằng: Hãy thận trọng khi tham gia trò chơi này! Đừng nghĩ nó chỉ là trò chơi cảm giác, nó sẽ nghiền nát bạn vì nó đánh đổi cả một tương lai.

Tôi và Ngọc Trinh đã là vợ chồng, có giấy hôn thú hẳn hoi, chỉ chưa làm đám cưới thôi. Khi chia tay cũng có ra toà ly hôn đàng hoàng. Vấn đề là chúng tôi thấy không thể tiếp tục sống được nữa thì chia tay chứ không phải là đánh đổi gì cả.

Theo VietnamNet

Chơi trò sống thử

Công Ninh "sống thử" ảnh 3

Kim Ngân và Trung Dũng trong vở Sống thử

Cập nhật đời sống hiện đại của lớp sinh viên trẻ, vở diễn Sống thử (kịch bản: Ngọc Trúc; đạo diễn: Công Ninh) của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM đã có một sức hút đáng kể.

Trong khán phòng có khá đông khán giả trẻ, và họ đã khóc cười thoải mái, đã vỗ tay không biết bao nhiêu lần cho những lớp diễn hay của những nghệ sĩ cùng trạc tuổi họ.

Những Mỹ Uyên, Trung Dũng, Kim Ngân, Như Phúc, Thanh Hải, Hứa Minh Đạt, Nguyễn Trung... đã tìm được những ánh nhìn tin cậy từ dưới khán phòng.

Chuyện sống thử trong giới sinh viên từ mấy năm nay là một vấn đề khá bức xúc, và báo chí đã có nhiều bài phóng sự rất sinh động. Cho nên, chuyển tải nó lên sân khấu như thế nào để đừng trở thành những đoạn "minh họa" như một số vở diễn đã mắc phải khi có ý định "cập nhật" thời sự.

May mắn thay, tác giả và đạo diễn đã "khéo tay chế biến" nên tác phẩm cứ ngọt ngào đi suốt một đêm. Và cái chất trẻ, cái chất sinh viên cũng ngọt ngào làm sao; cũng trong veo những ước mơ, tình cảm; cũng hồn nhiên, lí lắc, yêu đời.

Có lẽ đó chính là ấn tượng đẹp nhất của vở diễn, chứ còn bi kịch của chuyện sống thử thì chưa xem người ta cũng biết nó kết thúc ra sao rồi.

Vâng, dẫu cho vấn đề cuối cùng là nêu ra bi kịch của chuyện sống thử, nhưng quan trọng hơn cả là phản ánh một thế giới trẻ đầy khát vọng nhưng cũng yếu đuối, chưa đủ kinh nghiệm đối phó với những khúc mắc trong bản thân mình.

Tất cả những điều đó vừa để cảnh báo giới trẻ, nhưng cũng vừa để người lớn có cái nhìn thông cảm và gần gũi hơn, chăm sóc hơn, biết đâu sẽ tránh cho các em những kết cục quá đau lòng.

Như cô Duyên ước mơ một cuộc sống đầy đủ, có chồng có con hạnh phúc, tất nhiên không có gì sai, nhưng từ đó mà cô bị lừa, có thai, rồi tự tử.

Hoặc như Hạnh, do không chịu đựng nổi sự cô đơn nên mới dựa vào tình yêu, và thuê nhà sống chung với bạn trai. Dù cô hoàn toàn trong trắng giữ mình, nhưng cô quên rằng quan niệm của xã hội Á Đông vẫn còn khe khắt, và bà mẹ chồng tương lai đã không chịu cưới cô cho con trai mình, vì không thể nào tin lửa gần rơm mà... không cháy.

Đôi khi, sự việc đã lỡ rồi, thì phải có một bàn tay đưa ra nâng đỡ các em hơn là chỉ trích, như vậy càng đẩy các em tới sự tuyệt vọng.

Tuy nhiên, đoạn kết vở lại là một sự... ngẫm nghĩ, lo âu nhiều hơn. Bởi dù có người phải trả giá cho sai lầm ấy, thì vẫn có người tiếp tục đi vào vết xe đổ.

Một cô Duyên khác lại hớn hở bước vào cái bẫy tình, chơi trò sống thử. Cho nên... một khán giả thở dài: "Phải nghiêm khắc hơn nữa, chính là thương các em đó. Và rất cần đem vở này diễn trong các trường đại học".

Theo Hoàng Kim
Thanh niên

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.