Tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Hà, chuyên viên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết năm 2008, chỉ có 88 hồ sơ đề nghị Cục chứng nhận văn bằng nhưng đến năm 2016, con số này đã là 3861 hồ sơ. Tổng số hồ sơ mà Cục nhận được từ năm 2008 đến 2016 là trên 14.000. Theo ông Hà, trong số này, có 94.99% văn bằng được công nhận. Chỉ có 2.52% không được công nhận và số còn lại là thiếu thông tin. “Nguyên nhân văn bằng không được công nhận là do tổ chức kiểm định giả, trường ĐH giả, văn bằng bảng điểm giả” - ông Hà cho hay.
“Chính vì vậy, công nhận văn bằng là quá trình hậu kiểm tốt nhất cho việc thực hiện liên kết đào tạo” - ông Hà cho hay. Bên lề hội thảo, trao đổi với báo chí, đại diện trường ĐH Thương mại cho biết hiện nay trường có 15 đến 16 chương trình liên kết với các trường ĐH nước ngoài. Trước khi liên kết, ĐH Thương mại phải gửi hồ sơ sang trường bạn để họ thẩm định và kiểm định. Nhưng chưa có chương trình nào bị “đối tác” từ chối, không hợp tác.
Bà Đào Thị Liên Hương, trưởng Ban hợp tác quốc tế, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam thì cho rằng những môn cơ bản của Việt Nam đều bị các trường ĐH nước ngoài “gạt đi”. Vì vậy để có thể công nhận được văn bằng chứng chỉ của nhau thì Việt Nam cũng cần phải thay đổi chương trình giảng dạy để phù hợp với thế giới.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, Việt Nam đang hội nhập ngày một sâu rộng, trong đó có giáo dục. Hàng năm, số lượng người Việt Nam tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục nước ngoài ngày càng tăng. Việc đảm bảo quyền lợi cho những người học tham gia chương trình này là cần thiết. Trên cơ sở đó, Việt Nam tham gia vào hệ thống công nhận văn bằng trên thế giới và khu vực. Nếu làm được việc này thì sẽ bảo đảm quyền lợi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cũng theo ông Trinh, có nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Các trường ĐH trước khi tham gia đào tạo có yếu tố nước ngoài thì phải tham khảo thông tin ở nhiều kênh khác nhau. Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản. “Việc công nhận văn bằng của ta không phải chỉ thông qua các chương trình liên thông, liên kết có yếu tố nước ngoài mà các nước phải liên kết với chúng ta để ngày càng mở rộng. Tiến tới hoàn toàn có thể xuất khẩu các chương trình đào tạo ra nước ngoài” - ông Trinh nói.
Còn phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác là việc công nhận tương đương văn bằng của các chương trình đào tạo trực tuyến đang rất đa dạng, chất lượng, tính nghiêm túc rất khó kiểm soát. Tất nhiên có những chương trình trực tuyến chất lượng tốt, không kém gì chất lượng các chương trình đào tạo truyền thống. Nhưng làm thế nào để chọn lọc, công nhận văn bằng, tránh thiệt thòi cho những người học các chương trình trực tuyến chất lượng này hiện đang là một câu hỏi khó.