Công nhân chế biến thủy sản khốn khó

Chị Trần Mỹ Duyên sinh con hơn 14 tháng, vẫn chờ tiền thai sản Ảnh: Tiến Hưng
Chị Trần Mỹ Duyên sinh con hơn 14 tháng, vẫn chờ tiền thai sản Ảnh: Tiến Hưng
TP - Công nhân chế biến thủy sản ở tỉnh Cà Mau, vựa thủy sản cả nước đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm 2012, đang rất khốn khó.

> Mùa tôm chồng chất nỗi lo

Chờ lương

Khu nhà trọ dành cho công nhân của Cty CP Thực phẩm Đại Dương ở ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân (Cái Nước) vắng hoe, vì công nhân tứ tán kiếm việc.

Ông Hòa, chủ nhà trọ cho biết: “Tôi xây 57 phòng trọ, để Cty thuê cho công nhân ở, giá mỗi phòng mỗi tháng 300.000 đồng. Gần 6 tháng rồi, Cty không thanh toán tiền và công nhân bỏ đi hết một nửa rồi, số còn lại chạy khắp nơi kiếm việc làm”.

Vợ chồng anh Huỳnh Thanh Vẹn- Huỳnh Thị Tiền ở xã Thạnh Phú (Cái Nước) đứng ngồi không yên. Con còn nhỏ, ở quê mẹ bị bệnh tai biến, tất cả mong tiền lương của vợ chồng anh.

“Những tháng trước, Cty CP Thực phẩm Đại Dương không có tôm nguyên liệu, sản xuất cầm chừng”, anh Huỳnh Thanh Vẹn nói, “hiện nay, công nhân không được cho nghỉ mà cũng không gọi đến xí nghiệp nữa. Tháng 3-2012, công nhân làm được vài ngày nhưng đến bây giờ vẫn chưa nhận được lương”.

Căn phòng trọ kế bên, chị Nguyễn Thị Mãi ở xã Tắc Vân (TP Cà Mau) làm công nhân cho Cty CP Thực phẩm Đại Dương đã 4 năm, nói: “Anh chị em công nhân ở đây muốn đi nhưng không được chuyển bảo hiểm xã hội, vì Cty nợ bảo hiểm, không thể bỏ đi giữa chừng. Chúng tôi chỉ được nhận mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng”.

Chị Trần Mỹ Duyên ở Ngọc Hiển, làm công nhân Cty CP Thực phẩm Đại Dương, sinh con đã 14 tháng, chưa nhận được tiền thai sản.

Chị Duyên kể: “Tôi bế con lên văn phòng chờ hoài mà chẳng ai giải quyết gì cả. Bây giờ, các hàng quán gần đây, nghe nói công nhân Cty CP Thực phẩm Đại Dương mua chịu là không bán, vì họ biết khó trả”.

Chồng của Duyên là anh Lê Văn Sấn, trong khi chờ việc ở Cty CP Thực phẩm Đại Dương, tranh thủ làm công nhật cho một xí nghiệp chế biến tôm xuất khẩu gần đó.

Bây giờ, khu nhà ở công nhân chế biến thủy sản không khác gì nhà của nông dân. Nào chài bắt cá, lồng bẫy chim, vá đào đất. Anh công nhân Huỳnh Thanh Vẹn nói: “Công nhân ở đây tranh thủ bắt chuột, bắt cá, hái rau, mò cua…để ăn. Có làm mới có lãnh lương nhưng không có tôm thì lấy gì làm nên anh em tự bươn chải để sống cho qua ngày, chờ Cty hoạt động trở lại”.

Nguy cơ phá sản

Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân vệ sinh Cty Thủy sản Minh Phú (Tập đoàn Minh Phú), nói: “Thiếu tôm nguyên liệu, làm không đủ ngày công, nên trước đây con trai tôi làm lương cỡ 4 triệu đồng thì mấy tháng rồi chỉ được 2,4 triệu đồng.

Trong khi đó, tiền thuê nhà, tiền chợ?thứ gì cũng tăng. Ông xã tôi phải bung ra làm thợ hồ để phụ thêm cho gia đình”.

Cả gia đình anh Trần Văn Hoàng, quê ở U Minh (Cà Mau) có 5 người làm công nhân Cty Thủy sản Minh Quý (Tập đoàn Minh Phú), phải chịu cảnh lương thấp trong 3 tháng đầu năm vì thiếu tôm nguyên liệu.

Anh Trần Văn Hoàng cho biết: “Lương trung bình năm trước, tôi được 4 triệu đồng/tháng. Mấy tháng vừa rồi, tôi nhận hơn 2 triệu”.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Cà Mau, khá nhất cũng chỉ hoạt động được 40-50% công suất. Nhà máy chế biến thủy sản của Tập đoàn Minh Phú có khoảng 11.000 công nhân.

So với thiết kế, mỗi ngày, Tập đoàn Minh Phú cần 176 tấn tôm nguyên liệu thì nay chỉ mua được hơn 10 tấn. Ông Chu Văn An, Phó TGĐ Tập đoàn Minh Phú nói: “Nguyên liệu thiếu, kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu gắt gao, gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong được công nhân cảm thông, chia sẻ”.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cà Mau có 34 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, chỉ khoảng 40% số nhà máy ăn nên làm ra, còn lại khó khăn, khoảng 30% có nguy cơ phá sản.

Khoảng 21.000 lao động có hợp đồng và từng ấy lao động thời vụ đang khốn khó”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG