Công nghiệp 4.0 và cơ hội của ngành Toán

Học sinh hào hứng nghe các nhà khoa học nói về Toán.
Học sinh hào hứng nghe các nhà khoa học nói về Toán.
TP - Một cuộc gặp gỡ của các nhà Toán học Việt Nam trong một không gian ấm cúng để chúc mừng 3 giáo sư Toán được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng quan trọng hơn cả là được nói chuyện về Toán học.

Báo động đào tạo toán tại Đại học

Nói về lịch sử Toán học Việt Nam, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa cho biết, đầu thế kỷ 20, Việt Nam bắt đầu biết đến Toán học. Trong số các nhà Toán học của Việt Nam giai đoạn đầu tiên, có 5 giáo sư  (GS) được đào tạo tại Pháp là GS. Lê Văn Thiêm, GS. Nguyễn Xiển, GS. Tạ Quang Bửu, GS. Nguyễn Thúc Hào, GS. Hoàng Xuân Hãn. Việt Nam lần đầu tiên tổ chức thi đại học (ĐH)  môn Toán vào năm 1970 và lần đầu tiên tham gia kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 1974. Ngay năm đầu tiên, Việt Nam đã có tấm huy chương vàng quý giá của Hoàng Lê Minh.

Tuy nhiên, theo GS. Lê Tuấn Hoa, dù có bề dày lịch sử nhưng số  GS đã phong là nhà Toán học chưa đến 80 người, trong số này 10 người đã mất. PGS khoảng 300 người, tiến sĩ thì khoảng 1.000 người, trong đó đang giảng dạy ở các trường ĐH khoảng 400 người. Bình quân chưa đến 1 tiến sĩ/trường ĐH, CĐ. Hiện nay, có 17 trường ĐH có khoa Toán, 30 trường ĐH có đào tạo Toán.  Đánh giá về chất lượng đào tạo Toán học hiện nay, GS. Lê Tuấn Hoa cho rằng đối với khu vực ASEAN, chất lượng đào tạo của Việt Nam thua Singapore. Còn so với thế giới thì rất yếu. “Việt Nam đào tạo đỉnh cao của phổ thông rất tốt, đào tạo tiến sĩ trong nước cũng tốt, thậm chí nhiều luận án không thua kém nước ngoài. Nhưng đào tạo ĐH rất yếu. Hơn nữa, sau tiến sĩ chúng ta không có mô hình đào tạo kế tiếp. Nếu ví tiến sĩ như cái mầm mới nhú khỏi mặt đất, thì sau tiến sĩ là để nuôi dưỡng cái mầm đó thành cây, ra hoa kết trái thì chúng ta thiếu hẳn vế sau. Toán ứng dụng của chúng ta cũng kém” – GS. Lê Tuấn Hoa nêu thực trạng.

Công nghiệp 4.0 và cơ hội của ngành Toán ảnh 1 GS-TSKH Ngô Việt Trung.

Nhiều cơ hội cho người học Toán

Chia sẻ về vấn đề dạy và học toán hiện nay tại Việt Nam, GS. TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng cần nhìn lại dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT đưa ra, thấy có nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. Học sinh muốn thích ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay 5.0, 6.0 thì phải được học những cái cơ bản để giải quyết vấn đề.

“Hãy nhìn chương trình các nước xung quanh và trên thế giới họ học như thế nào để mình học tập. Chương trình phổ thông của chúng ta có nhiều điều bất cập.  Nhưng nhiều người khẳng định toán học phổ thông đào tạo tương đối tốt. Tôi nghĩ là đúng. Cái quan trọng của Toán là dạy tư duy.  Còn nói quá tải, tôi nghĩ đó là chương trình toán được dạy ở các trường chuyên. Với chương trình phổ thông bình thường, toán của chúng ta mới chỉ ở mức trung bình của thế giới. Muốn hơn họ ta phải học hơn thế” – GS. Ngô Việt Trung khẳng định.

Tại buổi giao lưu ngành Toán toàn miền Bắc vừa được tổ chức với sự tham gia của hơn 100 học sinh, giáo viên đến từ nhiều trường THPT, xoay quanh chủ đề “Vẻ đẹp Toán học – Nghệ thuật và ứng dụng”, TS. Trần Nam Dũng, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM phân tích những cơ hội việc làm cho nhân lực ngành Toán trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay và khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi bộ môn khoa học này. Nhiều thông tin thú vị và thực tế được TS. Trần Nam Dũng đưa ra khiến chính các học sinh chuyên Toán cùng nhiều thầy cô bất ngờ.

Như vào quý I năm 2017, Amazon đang cần gần 600 nhân sự ngành Toán, Intel cần hơn 700 người, cá biệt có IBM đăng hơn 900 vị trí săn tìm dân Toán. Với những tập đoàn khổng lồ như Facebook, Google, Microsoft đều thường trực có hàng chục đến hàng trăm vị trí săn tìm dân học Toán. Với những tập đoàn này, cuộc cạnh tranh săn tìm dân Toán chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nói cách khác, học Toán đang rất có giá với các “ông lớn”.

TS. Nam Dũng cũng chia sẻ thêm, trong khi ở nước ngoài, Toán học vẫn là một trong những ngành đào tạo danh tiếng với số lượng sinh viên ổn định qua các năm, thì tại Việt Nam hiện tại chỉ có 4 trường đào tạo ngành Toán lý thuyết trên tổng số hơn 600 trường đại học – cao đẳng toàn quốc. Như vậy, có thể dự đoán, với xu hướng tuyển dụng săn tìm nhân sự ngành Toán được đào tạo bài bản và ngoại ngữ tốt, dân Toán hoàn toàn có thể sống tốt bằng nghề của mình.

3 nhà khoa học của Viện Toán học: GS-TSKH Ngô Việt Trung, GS-TSKH Nguyễn Tự Cường, GS-TSKH Lê Tuấn Hoa  đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh  về cụm công trình “Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc”. Như vậy, sau hai giáo sư toán học nổi tiếng là Lê Văn Thiêm (đã mất) và Hoàng Tụy nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996), đầu năm 2017 này, với cụm công trình “Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc” (tập hợp hơn 40 bài báo khoa học tiêu biểu trong số hàng trăm bài đăng trên các tạp chí quốc tế đạt chuẩn ISI) của 3 giáo sư trên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vinh dự được trao giải thưởng cao quý này.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.